Thế giới sôi sục trước hành động của Trung Quốc

Những động thái của Trung Quốc trên biển đang gây ra nỗi quan ngại rất lớn đối với cộng đồng thế giới và hàng loạt nước đã liên tiếp lên tiếng bày tỏ thái độ bất bình đối với cường quốc số 1 Châu Á.
Nhóm nước G7 đã ra tuyên bố lên án các hoạt động bồi đắp, xây dựng, cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông
Nhóm nước G7 đã ra tuyên bố lên án các hoạt động bồi đắp, xây dựng, cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông

Các nhà ngoại giao của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua (16/4) đã đồng loạt bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những động thái, bước đi của Trung Quốc gần đây trong việc tranh giành chủ quyền ở những vùng biển tranh chấp. Các nước này đều lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh hãy bảo vệ quyền tự do hàng hải ở những tuyến đường biển chiến lược.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken đã nhắc lại lập trường của Mỹ rằng tất cả các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông đều cần phải được giải quyết theo pháp quyền, theo luật quốc tế.
 
Các nước “không nên có những hành động đơn phương”, ông Blinken nhấn mạnh. Phát biểu này được ra sau khi việc Trung Quốc nỗ lực tranh giành chủ quyền ở Biển Đông trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các cuộc hội đàm song phương và ba bên giữa Mỹ với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản.
 
"Chúng tôi đều thống nhất quan điểm rằng tất cả chúng tôi đều hoan nghênh sự nổi lên một cách hòa bình và hài hòa của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc với tư cách là một cường quốc không chỉ trong khu vực mà cả toàn cầu thì cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế", Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki phát biểu.
 
Ông Saiki thêm rằng, “Trung Quốc có trách nhiệm giải quyết một cách đúng đắn những mối quan ngại đang được nhiều thành viên ở khu vực Châu Á chia sẻ”.
 
Trung Quốc đang dựa vào yêu sách đường 9 đoạn phi lý và phi pháp để đòi chủ quyền với hầu hết Biển Đông, trong đó có những khu vực nằm ngay gần bờ biển của các nước khác. Nước này tự cho mình cái quyền được thực hiện bất kỳ hoạt động nào ở những khu vực mà họ đòi chủ quyền
 
Sau cuộc đối đầu căng thẳng giữa tàu tuần tra hàng hải của Trung Quốc với tàu hải quân của Philippines năm 2012, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough – một ngư trường truyền thống của Philippines cũng là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
 
Những hình ảnh vệ tinh thu được gần đây cho thấy, Trung Quốc đang cấp tập tiến hành những hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép trên quy mô lớn ở những bãi đá thuộc Biển Đông bất chấp việc Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngày những hoạt động như vậy để tạo cơ hội cho việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-Yong kêu gọi thực hiện những thỏa thuận khung hiện nay “để chúng ta có thể bảo vệ sự tự do hàng hải và sự ổn định ở khu vực biển đó”. Ông Cho Tae-Yong cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhanh chóng kết thúc tiến trình đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Điều đó sẽ cho phép các nước như Hàn Quốc “được hưởng lợi ích từ việc vùng biển này phục vụ cho mục đích giao thương, vận chuyển hàng hóa”, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc nói thêm.
 
Là nước trực tiếp có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines hôm nay (17/4) lại tiếp tục lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Tổng thống Philippine Benigno Aquino nói rằng, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng gây ra mối quan ngại cho cả thế giới bởi thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
"Chúng tôi liên tục nhấn mạnh rằng, vấn đề ở Biển Đông không phải chỉ là một vấn đề khu vực. Đây là vấn đề của toàn bộ thế giới bởi 40% giao dịch thương mại toàn cầu đi qua các tuyến đường biển chiến lược ở Biển Đông. Giới lãnh đạo toàn cầu cũng đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình này”, ông Aquino cho các phóng viên biết.
 
Phát biểu trên được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Aquino đưa ra một cảnh báo sắc lạnh về tình hình Biển Đông. Ông này đã nói rằng cả thế giới nên lo ngại về tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bởi điều đó gây ra nguy cơ xung đột vũ trang.
 
Tiếp đó, hôm 15/4, Ngoại trưởng của 7 cường quốc hàng đầu thế giới thuộc nhóm G7 đã ra tuyên bố về an ninh hàng hải trong đó bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có “hoạt động bồi đắp quy mô lớn – một hành động làm thay đổi thế nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng".
 
Ngày hôm qua (16/4), trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 9/4 vừa qua tuyên bố về việc Trung Quốc mở rộng các bãi đá ngầm ở Trường Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Về vấn đề này, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc kể cả ở cấp cao. Một lần nữa chúng tôi tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở các đảo, đá thuộc khu vực Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị”.
 
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động nêu trên và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông”.

Theo: VnMedia