Tình hình đang nóng lên từng ngày. Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bắn phá một số khu vực ở phía bắc Syria, kể cả vị trí của quân đội chính phủ SAR. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu một lần nữa đưa tối hậu thư cho lực lượng tự vệ người Kurd ở Syria.
Trong khi, Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi đã khẳng định việc triển khai không quân tới căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria. Không chỉ có vậy, Ả Rập Saudi còn bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của150.000 binh sĩ đến từ 25 quốc gia. Và điều này thì đang khiến nước láng giềng Iraq căng thẳng.
Ngoài ra, Anh cũng đang gây dựng một cứ điểm quân sự mạnh tại Jordan.
Mặc dù Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Qatar đều tuyên bố sẽ chỉ gửi quân đến Syria khi có thỏa thuận với chỉ huy liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, tình hình vẫn không giảm căng thẳng.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đang nỗ lực khôi phục lại thế cân bằng cho lực lượng đối lập Syria, tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của các nước này, nhiều nhóm vũ trang đối lập tại Syria vẫn đang đang phải rút lui trước sức tấn công ào ạt của quân đội Chính phủ Syria, dưới sự yểm trợ của không quân Nga.
Cách còn lại duy nhất để Ankara và Riyadh “giữ thể diện” là tiến hành một cuộc can thiệp mặt đất vào Syria.
Viết trên Russia Today, bình luận viên chính trị chuyên mảng Trung Đông này khẳng định, sự can thiệp trên – nếu có – chắc chắn sẽ bị quân đội chính phủ Syria đáp trả gay gắt.
Có thể Ankara cũng có kế hoạch để phản đòn kháng cự, với sự giúp đỡ của Ả Rập Saudi, UAE, Qatar, Bahrain. Và động thái đưa không quân đến sát khu vực xung đột mà Ả Rập Saudi vừa tiến hành cũng là nhắm tránh các tránh va chạm trên không với không quân NATO và không quân Nga trong giai đoạn đầu tiên.
Xin nói thêm, việc đó cũng khiến cho người Mỹ được lợi: bản thân họ sẽ “thăm dò” được tính khả thi của hệ thống phòng không Nga mà không sợ gặp rủi ro mạo hiểm cho mình.
“Theo nghĩa rộng, xung đột Trung Đông hiện nay là từ hai phía: NATO và thế giới Hồi giáo Sunni, Nga và thế giới người Shiite”, Alexander Khrolenko nhận định.
Ông cũng đưa ra đánh giá, rằng trong cuộc tranh chấp địa chính trị này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nước chịu nhiều rủi ro hơn cả.
Một mặt, các nhóm khủng bố buộc phải ra khỏi Syria vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm quá trình nội chiến mãn tính ở nước này.
Mặt khác, đối với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, việc Bashar al-Assad vẫn tiếp tục nắm quyền ở Damascus cũng tương đương với thất bại quân sự nặng nề. Còn đối với Ả Rập Saudi, điều này đồng nghĩa là với việc họ sẽ đánh mất vị thế số 1 trong thế giới Hồi giáo Sunni.
Vậy liệu rằng Washington sẽ có thể ngăn chặn Ankara và Riyadh hành động?
Trong trường hợp cực đoan, nếu Tehran đứng về phía Damascus, cuộc đụng độ sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Mỹ sẽ buộc phải hỗ trợ Ả Rập Saudi và đồng minh NATO của mình là Thổ Nhĩ Kỳ. Iran sẽ được Nga giúp đỡ và có thể là thêm cả Trung Quốc. Khi đó các diễn biến kế tiếp sẽ phát triển theo hướng không thể nào đoán định.
Quan sát viên Trung Đông của Russia Today khẳng định, rằng không phải bản thân Assad, mà chính dầu mỏ mới là ngòi nổ trong chính sách đối ngoại hiếu chiến của Ankara và Riyadh.
Đường ống dẫn dầu từ Ả-rập Saudi đến châu Âu qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu sự thật, sẽ biến Nga thành nhà cung cấp năng lượng thứ yếu. Nhưng nước Syria của Tổng thống Assad sẽ là “kỳ đà cản mũi”, ngăn cản sự thành công của dự án này.
Thực tế hiện nay, hơn bao giờ hết, Trung Đông đang tiến gần cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất trong lịch sử, bình luận viên Trung Đông của Russia Today, Alexander Khrolenko, cảnh báo.
D.N (Theo Russia Today/Sputnik)