|
Nhà báo |
Liệu có thể gọi là Big C tẩy chay hàng Việt, khi hiện Big C có hơn 4.000 nhà cung ứng Việt Nam và chỉ hơn 200 nhà cung cấp bị xem xét? Vì thế, các doanh nghiệp bị xem xét cũng cần đặt câu hỏi tại sao lại là mình chứ không phải doanh nghiệp khác? Cũng bởi vậy, việc kêu gọi tẩy chay Big C khác gì “đập vỡ nồi cơm” của 3.800 nhà cung ứng khác? Lời kêu gọi này vì thế xem ra “lợi bất cập hại”!
Trước khi lên tiếng thóa mạ người Thái, hãy nên thành thật tự hỏi mình đã bao giờ mua quần áo ở Big C chưa? Có ai khi quyết định đi mua sắm quần áo, váy vóc lại nghĩ đến việc lựa chọn Big C không? Hay đều nghĩ đến những cửa hàng thời trang dày đặc trên các phố phường Hà Nội - nơi có các mặt hàng may mặc cực kỳ phong phú cả về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, có nhân viên phục vụ tận tình, có chỗ thử đồ "tẹt ga" và giá cả thì "mềm mại", lại còn có thể mặc cả - những điều hàng may mặc ở Big C còn thiếu?
|
Big C ra thông cáo giải thích việc xem xét nhập hàng may mặt Việt Nam |
Trên mạng xã hội thấy có rất nhiều người cho biết chưa bao giờ mua hàng may mặc ở Big C vì xấu và vì giá cả không hơp lý. Riêng tôi dù đã đến Big C nhiều lần cũng chưa bao giờ có ý định mua đồ may mặc ở siêu thị này. Vì đơn giản là hàng may mặc ở Big C mẫu mã đơn điệu, không đẹp và giá thì đắt so với thị trường.
Thế thì bán cho ai mà siêu thị phải bày cho tốn diện tích? Hàng ế thì đương nhiên “lỗ chổng vó” nên siêu thị phải ngừng nhập, để nhập hàng khác bán chạy hơn là điều đương nhiên. Chỉ có người thiếu thông minh mới không thay đổi. Mà , các doanh nhân, chuyện lợi nhuận là trên hết, nên tôi đảm bảo nếu hàng may mặc Việt có chất lượng và bán được, thì siêu thị chả dại gì mà không nhập để bán. Do đó, vấn đề ở đây là chất lượng và bán chạy, chứ không phải là hàng Việt hay hàng Thái hay hàng hóa bất cứ nước nào.
|
Nhiều người căng băng rôn phản đối chính sách của Central Group Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)
|
Chủ trước của Big C không làm ăn nổi mới phải sang tay cho người Thái, giờ không lẽ bắt ông chủ mới phải giữ mọi thứ như cũ để tiếp tục “dẫm vào vết xe đổ”? Bắt một đối tác tư duy giỏi hơn mình phải đi theo cách nghĩ kém hơn họ là điều không tưởng, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường.
Tỷ phú Thái đã bỏ ra số tiền khổng lồ để làm chủ siêu thị, không phải để người khác kém hơn mình quyết định thay, nên việc mua gì bán gì là quyền của họ. Có ai bù lỗ cho họ không nếu họ tiếp tục nhập hàng may mặc Việt Nam và tiếp tục ế?
Nếu hàng xấu, giá đắt mà lại muốn “ăn vạ” bắt người ta phải nhập bằng việc gây sức ép dưới các danh xưng mỹ miều kiểu “dân tộc tính” hay cái nọ cái kia phi kinh doanh, là không phù hợp. Bởi cơ chế thị trường sẽ điều tiết và các doanh nghiệp phải thích nghi. Chúng ta luôn đòi các nước phải công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì phải chấp nhận “cuộc chơi” của kinh tế thị trường.
Nếu hàng của Việt Nam vừa đẹp vừa tốt, giá cả hợp lý thì khi Big C từ chối, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm đối tác khác, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài, vượt mặt Big C cho họ biết tay, bởi Big C đâu phải siêu thị duy nhất ở Việt Nam mà có thể độc quyền?
Thiết nghĩ, các doanh nghiệp Việt Nam muốn có một vị trí xứng đáng để tồn tại ngay trên “sân nhà”, phải tự thay đổi cho phù hợp thực tế mới có thể phát triển bền vững, chứ không phải dựa vào sự cảm tính của số đông. Bởi tới đây, sân chơi EVFTA cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nhiều và khi đó càng đừng hy vọng “giở bài” gây sức ép bằng dư luận.
Những người giỏi luôn coi thách thức là cơ hội vì chính ở đó, họ tìm thấy động lực để phát triển. Vì thế, các doanh nghiệp Việt hãy chứng tỏ mình.