|
Vợ chồng anh Minh, chị Hướng hạnh phúc khi có con (Ảnh - BVCC) |
Kết hôn từ 2008 nhưng mãi đến đầu năm nay, gia đình thầy giáo Lê Trần Minh và chị Lý Thị Hướng, 37 tuổi, sống ở Điện Biên mới lần đầu tiên được làm cha, làm mẹ sau 12 năm hiếm muộn.
Mòn mỏi chờ đợi tin vui
Sau khi kết hôn, anh Minh và chị Hướng rời Hà Nội đến Điện Biên để gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi đây. Như bao cặp vợ chồng khác, anh chị cũng mong sớm được nghe tiếng con trẻ trong tổ ấm nhỏ nhưng đợi mãi mà chẳng thấy tin vui.
Muốn được nghe tiếng khóc, tiếng cười của con, vợ chồng anh Minh, chị Hướng đã tìm mọi cách để có con. Dành dụm được bao nhiêu tiền là anh chị đều chi hết cho các loại thuốc nam, thuốc bắc. Nghe thấy nơi nào có thầy lang giỏi, bài thuốc tốt là hai vợ chồng liền tìm đến để chạy chữa nhưng không có kết quả.
Đến năm thứ 10 chưa có con, bạn bè đã động viên vợ chồng anh chị đi khám ở Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại Bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra sức khoẻ sinh sản và phát hiện nguyên nhân chính khiến vợ chồng anh Minh, chị Hướng hiếm muộn là do biến chứng quai bị cách đây 14 năm của anh Minh.
May mắn, quai bị “chạy hậu” chỉ khiến tinh hoàn phải của anh bị viêm teo nhưng bên còn lại (tinh hoàn trái) thì tắc ở đoạn nối ống dẫn tinh mào tinh, dẫn đến xuất tinh không có tinh trùng.
Không chỉ vậy, chị Hướng còn bị tắc vòi trứng do ứ dịch, tuổi cao nên việc có con tự nhiên tưởng chừng như không thể.
ThS. BS. Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Ngoại – Tiết Niệu và Nam học, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người trực tiếp thăm khám và điều trị cho anh Minh – cho hay: “Tắc ống dẫn tinh là một trong những bệnh lý gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Đây là hiện tượng ống dẫn tinh trùng của nam giới bị chặn ở một vị trí nào đó dẫn đến tình trạng tinh trùng không thể thoát ra ngoài một cách bình thường khi xuất tinh”.
|
ThS. BS. Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Ngoại – Tiết Niệu và Nam học, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (Ảnh - BVCC) |
Sau khi được các bác sĩ tư vấn phẫu thuật nối ống dẫn tinh, vợ chồng anh Minh đã quyết tâm thực hiện. Bởi đây có lẽ là cơ hội duy nhất của anh chị để tìm được con. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nối ống dẫn tinh cho anh Minh. Khi phẫu thuật, các bác sĩ xác định tinh hoàn phải của bệnh nhân bị teo nhỏ do quai bị, ống dẫn tinh vẫn thông còn tinh hoàn trái bình thường nhưng ống dẫn tinh lại bị tắc đoạn dài. Vì thế, các bác sĩ đã bắt chéo ống dẫn tinh phải với mào tinh trái để nối lại ống dẫn tinh cho anh Minh. Đây là một kĩ thuật khó được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, hiếm gặp trong nam khoa. Sau 3 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công.
Hạnh phúc ngập tràn khi có con tự nhiên
Tin tưởng và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, chỉ sau phẫu thuật 3 tháng, chị Hướng đã phát hiện que thử thai hiện lên 2 vạch. Tuy nhiên, trong lần mang thai này, thai nhi đã bị lưu ở tuần thứ 9. Điều này đã khiến chị Hướng suy sụp trong thời gian dài.
Sau một thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và tập trung làm kinh tế, đến tháng 5/2020, không thấy có kinh nguyệt, chị Hướng giấu chồng thử thai và kết quả chị đã mang thai tự nhiên. Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc bất ngờ đối với chị. Vì thế, trong suốt thai kì, dù 3 tháng đầu ốm nghén khó chịu nhưng chưa khi nào chị cảm thấy mệt mỏi vì niềm hạnh phúc được làm mẹ đã xua tan tất cả.
|
Bé Đậu Xanh chào đời nặng 3.8kg bằng phương pháp sinh mổ (Ảnh - BVCC) |
Đến tháng 2 năm nay, khi thai nhi được 39 tuần, chị Hướng có dấu hiệu chuyển dạ. Ngay lập tức chị được gia đình đưa vào viện. Tại bệnh viện, bé Đậu Xanh đã chào đời với cân nặng 3.8kg bằng phương pháp sinh mổ.
Mặc dù lần đầu tiên làm bố làm mẹ ở tuổi 36 khi bạn bè đã có con học cấp I, cấp II nhưng anh Minh chị Hướng không hề lo lắng và chăm sóc cho con từng li, từng tí. Giờ đây, sau mỗi giờ dạy học, anh Minh lại nhanh chóng về nhà, nấu những món ăn ngon tẩm bổ cho chị Hướng hồi phục sức khỏe để có nhiều sữa cho cậu nhóc kháu khỉnh Đậu Xanh. Đây là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất của vợ chồng anh chị.