|
Ngành FMCG tại Việt Nam có sự tăng trưởng nhẹ nhờ mức tăng của giá bán trung bình |
Bức tranh toàn cảnh nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, tuy nhiên GDP của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng ổn định. GDP quý 1/2022 tăng 5% và quý 2/2022 tăng 7,7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 2%. Tuy nhiên, Kantar nhận định nhiều khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong những tháng tới.
Một tín hiệu lạc quan là niềm tin của người tiêu dùng Việt về triển vọng kinh tế và sức mua đang dần hồi phục, một phần do ảnh hưởng của Covid-19 đã giảm đi rõ rệt trong thời gian qua.
Do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine mà mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam là giá xăng dầu. Thực tế là trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, giá xăng của Việt Nam đã tăng cao kỷ lục ở mức trên 32.000 đồng/lít xăng A95. Đối với người dân ở 4 đô thị lớn, giá xăng chỉ là mối quan tâm thứ hai. Một mối quan tâm khác là giá cả thực phẩm tăng khi giá xăng tăng.
Bức tranh ngành FMCG
Theo Kantar, hầu hết ngành hàng FMCG đều đang chứng kiến mức lạm phát tăng cao (gần 7%), ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và thương hiệu. Người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm để thích nghi với áp lực lạm phát. Trong quý 1/2022, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thuộc ngành hàng FMCG ở mức thấp. Sự tăng trưởng của ngành này chủ yếu thông qua việc tăng giá bán sản phẩm.
|
Theo báo cáo về sức mua dịp Tết 2022, hầu hết sản lượng tiêu thụ của các ngành hàng đều giảm do sức mua trong dịp Tết giảm. Động lực tăng trưởng ở nhiều nhóm ngành chính trong lĩnh vực FMCG là nhờ tăng giá bán.
Tại khu vực nông thôn, tình trạng cũng diễn ra tương tự khi giá bán trung bình thúc đẩy sự tăng trưởng của nhiều danh mục sản phẩm.
Tại 4 đô thị lớn, sau khi được hưởng lợi từ thời điểm giãn cách xã hội khiến người dân phải mua dự trữ, giờ đây sữa và các thực phẩm đóng gói đối mặt với sự sụt giảm khối lượng tiêu thụ trong quý 2/2022 khi mọi sinh hoạt đã trở lại trạng thái bình thường. Trái lại, ở vùng nông thôn, sữa lại là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Các loại sốt như tương cà, tương ớt và mayonnaise có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong quý 1/2022 bất chấp giá cả đã tăng ở danh mục sản phẩm này.
Mặc dù gặp một số khó khăn do tác động của Covid-19, nhưng mặt hàng đồ uống giải khát đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 2/2022, thậm chí lượng tiêu thụ còn cao hơn thời điểm trước Covid-19. Nước trái cây, trà đóng chai và nước tăng lực là những sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh mẽ nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tính đến quý 2/2022, tại 4 đô thị lớn, các kênh mua sắm online và cửa hàng nhỏ ghi nhận các mức tăng trưởng tiêu dùng lần lượt là 24% và 21%, trong khi siêu thị và các cửa hàng lớn tăng trưởng âm 3%. Ngược lại, ở khu vực nông thôn, siêu thị và các cửa hàng lớn lại ghi nhận mức tăng trưởng phi thường 49%. Đây là điều mà các thương hiệu và các nhà bán lẻ cần lưu ý.
Báo cáo của Kantar cũng chỉ ra rằng có tới 51% hộ gia đình mua gạo có thương hiệu và 18% mua thịt có thương hiệu, cho thấy cơ hội cho các nhà sản xuất thực phẩm tươi sống chuyển sang xây dựng thương hiệu để mang lại giá trị cho khách hàng của họ.
Có thể tải về báo cáo của Kantar tại đây.
FMCG là thuật ngữ viết tắt của cụm từ Fast Moving Consumer Goods (ngành hàng tiêu dùng nhanh). Ngành hàng này bao gồm toàn bộ các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống của con người như các sản phẩm gia dụng, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, các sản phẩm dùng trong vệ sinh, văn phòng phẩm, dược liệu, điện tử tiêu dùng...