Thành viên Kim Tín Group 'hút' nửa nghìn tỉ đồng qua kênh trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoài việc ‘tiếp sức’ cho dự án MDF Chơn Thành, thương vụ trái phiếu còn thể hiện tiềm lực và tham vọng của Kim Tín Group – tập đoàn đa ngành lớn mạnh dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Tiến Hải (SN 1972).
Thành viên Kim Tín Group 'hút' nửa nghìn tỉ đồng qua kênh trái phiếu
Thành viên Kim Tín Group 'hút' nửa nghìn tỉ đồng qua kênh trái phiếu

Thành lập từ tháng 4/2005, CTCP Tập đoàn Kim Tín (Kim Tín Group) tiền thân là CTCP Kim Tín, có xuất phát điểm từ một đơn vị kinh doanh thương mại.

Tới năm 2016, Kim Tín Group gây bất ngờ lớn khi mang sản phẩm tới trưng bày tại Fabtech - triển lãm lớn nhất thế giới về ngành vật liệu hàn, diễn ra ở Atlanta (Mỹ).

Để rồi từ một nhà sản xuất vật liệu hàn, Kim Tín Group nay còn được biết tới là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ván gỗ, năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, tiềm lực tài chính cũng như cơ cấu sở hữu của tập đoàn này vẫn còn bí ẩn với phần đông thị trường.

Thương vụ trái phiếu nửa nghìn tỉ đồng của Kim Tín MDF

Thương vụ trái phiếu nửa nghìn tỉ đồng, không có tài sản bảo đảm, do CTCP Kim Tín MDF (Kim Tín MDF) phát hành hôm 30/8/2021 mà VietTimes đề cập ở phần sau bài viết, phần nào sẽ hé mở thêm về tập đoàn của vị doanh nhân Nguyễn Tiến Hải (SN 1972).

Cụ thể, số trái phiếu do Kim Tín MDF phát hành có kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định 9,5%/năm, dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán SSI (SSI). Kim Tín MDF cho hay, số tiền thu về sẽ được dùng để thực hiện dự án 'MDF Chơn Thành'.

Biết rằng, ít tuần sau thương vụ trái phiếu của Kim Tín MDF, ngày 26/10/2021, Kim Tín Group đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF tại khu công nghiệp Becamex, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Dự án có công suất 500.000 m3/năm, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 3/2023.

Phối cảnh dự án MDF Chơn Thành của Kim Tín Group

Phối cảnh dự án MDF Chơn Thành của Kim Tín Group

Kim Tín Group lớn cỡ nào?

Theo dữ liệu của VietTimes, Kim Tín MDF được thành lập vào tháng 10/2007, là công ty mẹ của CTCP FSC Việt Nam – chủ đầu tư nhà máy sản xuất ván MDF công suất 400.000 m3/năm tại tỉnh Bình Phước.

Tại ngày 30/10/2014, Kim Tín MDF có quy mô vốn điều lệ 80 tỉ đồng. Trong đó, bà Trịnh Thị Xuân – phu nhân của ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT Kim Tín Group – góp 32,64 tỉ đồng, là cổ đông lớn lớn nhất với tỉ lệ sở hữu 40,8% vốn điều lệ. Tiếp đến là bà Trần Thị Kim Quy (26,35% VĐL), ông Lê Năng Thắng (15,3% VĐL), ông Phạm Tiến Thuật (15% VĐL) và ông Nguyễn Bình Giang (2,55% VĐL).

Giai đoạn từ tháng 12/2017 – tháng 6/2020, cùng với việc tăng vốn điều lệ, cơ cấu cổ đông của Kim Tín MDF cũng có nhiều biến động. Tính đến ngày 12/6/2020, Kim Tín MDF tăng vốn lên 564,59 tỉ đồng, lúc này, tỉ lệ sở hữu của bà Trịnh Thị Xuân chỉ còn 27,2%.

Cùng với ông Nguyễn Tiến Hải, các ông Lê Năng Thắng, Nguyễn Bình Giang cũng được biết tới là cổ đông sáng lập của Kim Tín Group. Dẫu vậy, tính đến cuối tháng 12/2016, tỉ lệ sở hữu của các cá nhân này không đáng kể.

Tới tháng 3/2019, VIAC (No.1) Limited Patnership trở thành cổ đông lớn của Kim Tín Group với tỉ lệ sở hữu 20% vốn điều lệ. Cổ đông ngoại tiếp tục duy trì tỉ lệ sở hữu sau khi Kim Tín Group tăng vốn điều lệ từ 600 tỉ đồng lên 809,9 tỉ đồng vào tháng 6/2021.

Ngoài sản xuất vật liệu hàn và ván gỗ, Kim Tín Group còn đầu tư cả nghìn tỉ đồng triển khai loạt dự án điện mặt trời áp mái từ bắc vào nam./.