Theo nguồn tin của baodautu.vn, vào cuối tuần này, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố Quyết định số 738/QĐ – TTCP ngày 12/4/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ hành chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Ngoài Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của ACV nằm trong diện bị thanh tra đợt này là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco); Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (Sags).
Cần phải nói thêm rằng, vào tháng 1/2016, Kiểm toán Nhà nước cũng đã thông báo kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước năm 2014 và chuyên đề việc thực hiện Đề án “tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” của ACV.
Mặc dù vừa hoàn tất quá trình cổ phần hóa với một bản báo cáo tài chính khá đầy đặn được chính ACV công bố, nhưng Thông báo số 20/TB - KTNN vẫn chỉ ra những “góc khuất” trong công tác quản lý tài chính, việc sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản, quy mô vốn lớn bậc nhất Việt Nam.
Cần phải nói thêm rằng, ngoài Công ty mẹ, thì Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) là cái tên được đề cập nhiều nhất trong những sai sót, hạn chế được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Theo đó, Sasco - “con gà đẻ trứng vàng” cho bất kỳ ai sở hữu cổ phiếu này, hiện có vốn điều lệ 1.315 tỷ đồng, trong đó ACV sở hữu 51% cổ phần; Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại và dịch vụ Hoàn Lộc Việt, sở hữu 22,1% và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group), sở hữu 16%.
Hạn chế lớn đầu tiên của Sasco cũng như của ACV được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, nằm ở việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt năm 2013.
Theo đó, khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH và khi chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Sasco chưa đánh giá lại giá trị đầu tư tại các công ty có hiệu quả cao, có thặng dư vốn, hoặc có chênh lệch giá trị trên nền đất kinh doanh như: Công ty cổ phần Sài Gòn Sân bay, Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận.
Điều đáng nói là, Kiểm toán Nhà nước không xác định những sai sót này sẽ làm thất thoát vốn Nhà nước, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, Công ty mẹ và Sasco cần sớm đưa ra những lý giải và tìm ra cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm cho việc, vì sao những tài sản giá trị của nhà nước này lại không được đánh giá chuẩn xác khi tiến hành lên phương án cổ phần hóa đơn vị.
Sasco được ghi nhận là “chưa đánh giá giá trị một số tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng còn sử dụng cho sản xuất, kinh doanh; chưa đánh giá quyền sử dụng đất theo giá do UBND tỉnh Kiên Giang xác định tại Quyết định số 891/QĐ - UBND (Quyết định 891) để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đối với 5 khu đất tại huyện Phú Quốc”.
Tính toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, giá trị chênh lệch giữa giá đất theo Quyết định 891 là 18,4 tỷ đồng; ghi nhận giá trị doanh nghiệp theo giá trị ghi sổ kế toán đối với 4 trường hợp đất bị thu hồi thấp hơn giá trị đất theo quyết định đền bù của UBND tỉnh Kiên Giang là 3,12 tỷ đồng.
Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, với quy mô vốn điều lệ là 22.430,985 tỷ đồng, tương đương 2.243 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, 3 công ty con và góp vốn tại 10 công ty cổ phần - tất cả đều có chung lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất.
Theo Đầu tư