Dự án nước ngoài lớn nhất của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang ngập trong nợ nần - Country Garden Holdings - đã lọt vào “mắt xanh” của các công ty sản xuất phim và truyền hình.
Với tổng mức đầu tư lên đến 100 tỷ USD, dự án phát triển khu đô thị đa chức năng Forest City ở bang Johor phía Nam Malaysia đặt mục tiêu cung cấp chỗ ở cho 700.000 người vào năm 2035. Dự án bao gồm không gian văn phòng, trung tâm thương mại, phòng khám, trường học và cơ sở giải trí, được xây dựng trên 4 hòn đảo khai hoang với tổng diện tích 30 km2.
Mặc dù một phần của khu dự án này đã được xây dựng, nhưng vẫn tồn tại các diện tích bị bỏ hoang. Không phải tất cả các đơn vị dân cư đều đã có người ở, và một số lô cửa hàng đã phải đóng cửa, tạo nên một thực tế đầy thách thức cho dự án này.
Từ “thành phố ma” thành phim trường
Tình trạng bị bỏ trống, kết hợp với những thách thức của Country Garden, đã khiến Forest City được biết đến với biệt danh "thành phố ma", làm dấy lên mối lo ngại về khả năng tồn tại của dự án. Tuy nhiên, dự án này đang có được một nguồn hỗ trợ đặc biệt từ việc trở thành bối cảnh quay cho một số chương trình truyền hình quốc tế, trong đó có seri truyền hình thực tế của Mỹ trên Netflix, mang tên "The Mole."
Dù có người đến ở hay không, quy mô lớn cùng với các tòa nhà và phong cảnh của Forest City vẫn là sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phim.
“The Mole đã hoàn thành việc quay phim ở Forest City cho loạt phim thứ hai của chương trình”, Forest City cho biết trong một thông báo vào tháng 9. “Họ mất khoảng 5 tháng cho quá trình phối hợp và 8 ngày cho việc quay phim với những pha hành động nguy hiểm”.
Các nhà làm phim "yêu thích khung cảnh" ở đây, Forest City nói với Nikkei Asia, "với những tòa nhà cao tầng hướng ra biển, các đơn vị và cơ sở trình chiếu được bố trí đẹp mắt – khách sạn và khu nghỉ dưỡng chơi golf – rất phù hợp với yêu cầu quay phim của họ”.
Ngoài Netflix, Forest City cho biết các công ty sản xuất khác đã đưa máy quay và đèn klieg vào khu phức hợp của họ. Hãng ProSieben TV từ Đức đã quay một chương trình có tên "Những thành phố tương lai trên toàn thế giới", trong khi đài truyền hình KBS của Hàn Quốc quay chương trình du lịch "Battle Trip" tại địa điểm này.
Khi được Nikkei liên hệ, KBS từ chối giải thích chi tiết về bất kỳ điều khoản tài chính nào liên quan đến cảnh quay. ProSieben cũng không đưa ra bình luận.
Một bộ phim tài liệu khoa học viễn tưởng của Áo có tên "Hungry: Tipping the Scales" cũng được quay tại Forest City cùng với hãng Roar Production của Malaysia.
Giám đốc điều hành của Roar, Roman Anthony, giải thích rằng Forest City đã được chọn làm địa điểm quay phim do cơ sở hạ tầng độc đáo và môi trường sạch sẽ. Ông Anthony nhấn mạnh, “việc quản lý Forest City rất chuyên nghiệp”.
Khi được đặt câu hỏi về khả năng có thêm các công ty sản xuất phim quan tâm đến địa điểm này hay không, Forest City chỉ ngụ ý rằng điều này có thể xảy ra và khẳng định họ không thể bình luận về "các cuộc đàm phán đang diễn ra."
Samuel Tan, CEO của hãng tư vấn bất động sản KGV International Property Consultants ở Johor, cho biết việc trở thành một điểm đến cho các công ty điện ảnh là diễn biến tích cực đối với Forest City và điều này sẽ "giúp phổ biến và quảng bá" nó.
“Các phương tiện truyền thông có chiều sâu và chiều rộng như vậy có thể mạnh mẽ hơn nhiều so với các chiến dịch quảng cáo thông thường”, theo Tan.
CEO KGV International Property Consultants mô tả Forest City là một địa điểm quay phim tốt vì nó có tầm nhìn tuyệt vời ra biển, nhiều cây xanh, bầu không khí thanh bình với cảnh quan nhiệt đới, bãi biển hoang sơ và thời tiết đầy nắng.
Thêm vào sự quyến rũ của dự án là cư dân địa phương đa sắc tộc với lòng mến khách, ông cũng nhấn mạnh rằng dự án cũng nằm gần các ngôi làng giàu văn hóa và lịch sử Malaysia.
Theo Tan, việc định vị Forest City làm địa điểm quay phim cũng là một chiến lược kinh doanh thông minh và là một cách để kiếm doanh thu – bao gồm quảng bá dịch vụ du lịch và khách sạn với các điểm tham quan điện ảnh.
Cú hích mới đối với Forest City
Forest City là dự án bất động sản liên doanh giữa Country Garden, nắm giữ 60% cổ phần, và Esplanade Danga 88, một tập đoàn Malaysia thuộc sở hữu hoàn toàn của chính quyền bang Johor, nắm giữ 40% cổ phần.
Country Garden từng đặt tham vọng lớn về siêu dự án Forest City ở Malaysia, nhưng khu dự án này đã trở thành "thành phố ma" gần một thập kỷ sau khi khởi công. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành kiệt tác hào nhoáng của Country Garden ở nước ngoài, nhưng giờ lại trở thành mục tiêu của các chủ nợ khi nhà phát triển bất động sản này đang gặp khủng hoảng tài chính.
Việc Forest City tự định vị mình là điểm thu hút các nhà sản xuất phim nước ngoài xuất hiện khi Country Garden gần đây không trả được nợ trái phiếu.
Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, nằm trong số những nhà phát triển nặng nợ nhất thế giới, đã không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán lãi 15,4 triệu USD vào ngày 18/10 đối với lô trái phiếu bằng đồng USD.
Tuy nhiên, ông Tan cho biết Forest City có những thế mạnh riêng với tư cách “một đối tác địa phương mạnh mẽ” và doanh số bán hàng nhanh chóng có thể củng cố vị thế của dự án.
Hơn nữa, thông báo của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào tháng 8 về việc biến Forest City thành trung tâm tài chính "sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào nơi này, không chỉ các nhà đầu tư bất động sản", ông Tan nói./.
Bên trong Forest City - siêu dự án 100 tỉ USD hoá "thành phố ma" của Country Garden
Trải nghiệm để đời của người mua nhà tại “thành phố ma” Forest City của Country Garden
Theo Nikkei Asia