“Cạm bẫy 5 sao”
Nằm ở cực nam của Malaysia, nhiều tòa nhà cao tầng sang trọng tọa lạc bên bờ biển, hướng sang Singapore cách đó chỉ khoảng 2 km. Đây là "Forest City" - dự án thương mại và dân cư ở nước ngoài do công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc Country Garden xây dựng với chi phí 100 tỉ USD, có diện tích 30 km2, khởi công xây dựng vào năm 2015. Nay thế giới bên ngoài gọi đây là “thành phố ma”.
Bà Lam, một người Trung Quốc đã mua một căn hộ rộng 48 mét vuông ở Forest City tại Trung tâm Triển lãm của Country Garden năm 2017, trị giá khoảng 1 triệu NDT (140.000 USD). Khi ký hợp đồng, bà đã trả trước 1/10 số tiền và trả khoản còn lại bằng vay thế chấp trong 4 năm, nhưng sau đó bà quyết định ngừng trả.
"Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi nghe nói nhà có vấn đề, nhiều gói thầu không thực hiện được, không lấy được giấy tờ nhà đất nên không dám vay trả nữa. Bây giờ thậm chí không có ai yêu cầu tôi nộp tiền nữa", bà kể lại trong cuộc phỏng vấn với DW.
Những chủ sở hữu tương tự như bà Lam đã không thể bảo vệ quyền lợi của mình ở trong nước, cách đây hơn một tháng, họ đã tới Hong Kong để kiến nghị lên Lãnh sự quán Malaysia tại Hong Kong và Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong. Một nhóm người thậm chí còn xuống đường giăng biểu ngữ và giương cao dòng chữ màu đỏ ghi "Forest City của Country Garden – cạm bẫy 5 sao cạnh Singapore".
Không thể cho thuê, bán hoặc trả lại
Bà Lam hiện còn 20% tiền mua chưa trả. Mặc dù căn hộ đã hoàn thiện nhưng điều khiến bà bất an nhất là Country Garden vẫn chưa bàn giao giấy chứng nhận bất động sản.
“Một số chủ sở hữu đã trả hết tiền và nộp đầy đủ giấy tờ đã 3 năm nhưng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận bất động sản. Country Garden luôn đổ lỗi cho dịch COVID-19 và sự kém hiệu quả của chính phủ Malaysia. Chúng tôi không biết sự thật”, bà nói. "Không có giấy chứng nhận bất động sản thì ngôi nhà không phải của tôi và số tiền sẽ bị mất trắng”.
Sở dĩ bà Lam hào hứng mua bất động sản đầu tiên ở nước ngoài trong đời vì Country Garden tuyên bố Forest City đã được phê duyệt là “lãnh thổ thuế quan độc lập” và cho phép con cái chủ sở hữu được nhận vào các trường danh tiếng của Trung Quốc thông qua các kênh ưu đãi sinh viên Hoa kiều. Nhiều năm sau, bà nói rằng những lời hứa này vẫn chỉ được nghe từ cầu thang, và tính chất của khu nhà cũng đã thay đổi từ nhà ở thuần túy sang condotel, đó là một đòn giáng mạnh. Bà Lam cho biết, nhiều chủ sở hữu ở Forest City là người Trung Quốc và rất ít người trong số họ đã thực sự chuyển đến ở. Ngay cả bản thân bà cũng chưa từng đặt chân đến đó.
Với sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng nhà ở ở Trung Quốc, tài sản bà có trong tay vốn đã cao hơn giá thị trường ở Malaysia đang phải đối mặt với sự mất giá. Bà mô tả một nhóm chủ sở hữu tài sản này đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
"Không thể thuê, bán hoặc trả lại", bà nói.
Sống ở Chiết Giang, bà đã chạy vạy khắp nơi kể từ khi ngừng nộp tiền 2 năm trước. Bà đã đến trụ sở của Country Garden ở Thuận Đức, Quảng Đông để bảo vệ quyền lợi của mình và nộp đơn kiện lên tòa án, nhưng tòa án nhận mà không đưa ra lời giải thích. Theo những gì bà biết, có hàng trăm người khác cũng đã cố gắng khiếu nại ở Trung Quốc nhưng không thành công, một số người nói rằng họ không dám trả lời phỏng vấn do tính nhạy cảm của vấn đề.
“Dịch bệnh khiến thu nhập giảm mạnh, việc làm khó khăn, không trả được nợ vay thế chấp, muốn bán nhà cũng không được, điều này đã giáng một đòn nặng nề vào tài chính của gia đình. Bây giờ điều tôi hy vọng nhất là có thể trả lại căn nhà, nhưng tôi cảm thấy không còn hy vọng nữa. Khó quá, bản thân họ không có tiền, làm sao họ có thể hoàn lại tiền cho chúng tôi được?”, bà Lam, hiện còn con nhỏ phải nuôi, cho hay.
Louise Loo, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Oxford Economics, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với DW rằng các dự án ở nước ngoài chiếm khoảng 10% tổng vốn của Country Garden, trong đó Forest City là dự án lớn nhất. Ngoài ra, Country Garden còn có 2 dự án tại Johor, miền nam Malaysia là Danga Bay và Central Park với kinh phí lần lượt là 18 tỉ NDT (2,52 tỉ USD) và 4,6 tỉ (644 triệu USD) cùng 2 dự án phát triển khác nằm ở các khu vực tỉnh, thành phố khác.
Tương lai nào cho "Forest City"?
Khi Country Garden Group mở rộng đầu tư sang Malaysia, đây được coi là một bước quan trọng trong quá trình tiến ra quốc tế của tập đoàn. Forest City nhắm chủ yếu vào người Trung Quốc đại lục, chính phủ Malaysia trước đây từng bày tỏ sự phản đối và không hài lòng vì nó được các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng.
Thái độ của chính phủ hiện nay đã thay đổi, Thủ tướng Anwar Ibrahim cuối tháng trước tuyên bố rằng Forest City sẽ được xếp loại là "Đặc khu tài chính" và đề xuất cung cấp cho nhân viên làm việc trong đó mức thuế thu nhập ưu đãi 15% và tạo kênh xuất nhập cảnh thuận tiện cho lao động nước ngoài, nhằm thu hút đầu tư và nhân tài quốc tế. Ngay khi thông tin này xuất hiện, thị trường đã kỳ vọng động thái này sẽ là cơ hội để thay đổi tình thế.
Phó Tổng giám đốc Forest City Syarul Izam Sarifudin cho rằng chính sách của ông Anwar phản ánh niềm tin sâu sắc của chính quyền đối với Forest City.
Tuy nhiên, không phải chủ nhà nào cũng lạc quan.
“Chính sách của Malaysia thay đổi khó lường. Chính sách có đưa ra cũng không biết sẽ thu hút được bao nhiêu người và mục tiêu có đạt được hay không cũng chưa thể biết. Tôi vẫn không có giấy chứng nhận bất động sản. Ngay cả khi nó trở thành Đặc khu tài chính, (ngôi nhà) cũng không thể biến thành hiện thực”, bà Lam cho hay.
Bất động sản đầu tiên của bà Lam đã để lại cho bà một vết thương lòng sâu sắc. Trải nghiệm này có thể đã khiến bà không chỉ mất đi số tiền tích lũy được mà còn mất niềm tin vào các công ty bất động sản Trung Quốc.
“Chẳng phải Country Garden là một trong top 500 công ty của Fortune sao? Chúng tôi mua nhà vì tin tưởng vào nó, nhưng bây giờ chúng tôi phát hiện ra đó là tuyên truyền sai sự thật. Sau khi mua Forest City, không dám nghĩ tới mua các dự án nội địa của Country Garden nữa, thật đau quá!”, bà Lam nói.
Theo Deutsche Welle