Thành phố đầu tiên ban hành Khung năng lực công dân số

Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên ban hành Khung năng lực công dân số, góp phần hình thành "công dân số", thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất và tạo động lực mới cho địa phương.
Đà Nẵng thông qua Khung năng lực công dân số, tạo nền tảng xây dựng nền tảng xã hội số

Khung năng lực số gồm 5 lĩnh vực

Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, UBND TP vừa thông qua Khung năng lực số cho công dân và giao cho Sở TT&TT TP tổ chức triển khai áp dụng cho công dân trên địa bàn.

Nền tảng Công dân số-My Portal được Đà Nẵng xây dựng nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ công trực tuyến

Theo lãnh đạo Sở TT&TT, khung năng lực số cho công dân trên địa bàn TP Đà Nẵng được tham khảo từ khung năng lực số DigComp của Ủy ban châu Âu, đồng thời được chọn lọc, xây dựng lại những nhóm lĩnh vực; các tiêu chuẩn cụ thể của từng năng lực số phù hợp với thực tế của địa phương.

Tham khảo từ mô hình DigComp, khung năng lực số cho công dân Đà Nẵng bao gồm 5 lĩnh vực: Thông tin và dữ liệu; Truyền thông và cộng tác; Tạo lập nội dung số; Bảo vệ và An toàn; Môi trường kỹ thuật số; chi tiết với 17 năng lực số thành phần.

Trong đó, mỗi năng lực số thành phần sẽ mô tả cụ thể tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, thái độ và được đánh giá theo 5 mức độ, 4 thông thạo với thang 100 điểm: Bắt đầu (dưới 20 điểm), cơ bản (từ 20-40 điểm), khá (từ 40-60 điểm), cao (từ 60-80 điểm) và nâng cao (từ 80 điểm trở lên).

Mức độ thành thạo tổng thể của công dân được xác định dựa trên điểm trung bình tổng của các nhóm lĩnh vực và phân loại theo các khoảng đánh giá như trên.

“Năng lực số là khả năng hiểu biết, truy cập, sử dụng, tạo ra thông tin số một cách an toàn và phù hợp thông qua các ứng dụng, công cụ kỹ thuật số nhằm phục vụ trong công việc và cuộc sống hàng ngày của người dân.

Khung năng lực số cho công dân là tập hợp các tiêu chí cụ thể về kiến thức (knowledge), kỹ năng (skills) và thái độ (attitudes) của các nhóm năng lực số; giúp người dân tham gia chủ động và an toàn trong các hoạt động trên môi trường số”, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết.

Khung năng lực số cho công dân trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ áp dụng cho toàn bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP. Trong quá trình triển khai, sẽ cập nhật, điều chỉnh, bổ sung khi có phát sinh, thay đổi trong quá trình sử dụng thực tế.

Nền tảng xây dựng xã hội số

Với quyết định ban hành Khung năng lực số cho Công dân, Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên ban hành Khung năng lực công dân số, góp phần hình thành "công dân số", thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất và tạo động lực mới cho địa phương.

Cổng Dịch vụ dữ liệu mở, một trong những hợp phần trong tiến trình xây dựng xã hội số và Chính phủ số mà Đà Nẵng đang theo đuổi

Việc ban hành Khung năng lực số cho Công dân trên địa bàn nhằm thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng xác định "người dân, doanh nghiệp" là trung tâm của triển khai chuyển đổi số và mục tiêu là “hình thành công dân số”.

Công dân số là yếu tố then chốt và quyết định thành công trong triển khai 3 trụ cột chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Để trở thành công dân số, mỗi cá nhân cần có năng lực số, kỹ năng số để phục vụ đời sống, làm việc, trong các quan hệ giao tiếp và hoạt động kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, khung năng lực số cho công dân là cơ sở để cơ quan, địa phương xây dựng và triển khai tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân hiệu quả hơn; áp dụng các chính sách, giải pháp, hỗ trợ trang bị công cụ số cần thiết cho người dân; đặc biệt là triển khai các ứng dụng, hệ thống chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân,… góp phần thúc đẩy triển khai thành công chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Thông qua các tiêu chí trong khung năng lực số, công dân TP biết, nắm rõ hơn về các kỹ năng số để tương tác, kết nối, làm việc trên môi trường số từ đó chủ động tham gia các khoá học, tập huấn và trang bị công cụ nhằm cải thiện năng lực số.

Tham khảo từ các mô hình tiên tiến trên thế giới

Mô hình khung năng lực số DigComp của Ủy ban châu Âu mà Đà Nẵng tham khảo được xây dựng từ năm 2017.

Khung năng lực số cho công dân của châu Âu, được gọi tắt là “DigComp 2.0”. Khung năng lực số này được xem là “công cụ” thúc đẩy năng lực số của công dân. Khung năng lực số này được chia thành 5 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có các năng lực thành phần; phiên bản hiện nay DigComp 2.2 năm 2022 gồm: Thông tin và dữ liệu; Truyền thông và cộng tác; Tạo lập nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; với 21 năng lực thành phần cùng 4 mức thông thạo gồm: Cơ bản, trung bình, cao và đặc biệt cao.