Theo đó, sau khi nhận được Công văn số 67/XMCT-QLDA ngày 05/7/2018 của Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh về việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Golden Coast Resort Hải Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo.
“Giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tĩnh Gia và các ngành, đơn vị liên quan báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch Golden Coast Resort Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 8898/UBND-THKH ngày 11/8/2016; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai dự án; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ, có ý kiến tham mưu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh”, Chủ tịch Thanh Hóa chỉ đạo vào ngày 12/7.
Được biết, tại Công văn số 8898/UBND-THKH ngày 11/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với đề nghị của CTCP Xi măng Công Thanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua đó, cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch Golden Coast Resort Hải Hòa.
Nhưng dĩ nhiên không phải giãn tiến độ đến vô thời hạn, mà đề ra hạn chót: “Hoàn thành giải phóng mặt bằng và hồ sơ sử dụng đất, xây dựng, môi trường, khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2017; hoàn thành toàn bộ dự án và đi vào hoạt động chính thức trong tháng 5 năm 2019”.
Để chắc chắn hơn, khi ấy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu CTCP Xi măng Công Thanh phải có văn bản cam kết cụ thể về tiền độ thực hiện các hạng mục công trình thuộc dự án theo từng giai đoạn đầu tư, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND huyện Tĩnh Gia để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện dự án.
Ngoài ra, người đứng đầu UBND tỉnh còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và huyện Tĩnh Gia, theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kịp thời những công việc có liên quan đến dự án trên theo quy định hiện hành của pháp luật; đề xuất UBND tỉnh thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư nếu CTCP Xi măng Công Thanh không thực hiện đầy đủ các quy định và không đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Nhắc lại rằng, dự án Khu du lịch biển Golden Coast Resort của Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cách nay cả chục năm. Tuy nhiên không được triển khai đúng tiến độ đề ra. Chủ đầu tư Xi măng Công Thanh nhiều lần xin UBND tỉnh Thanh Hóa giãn tiến độ và và từng ấy lần được tỉnh này đồng ý.
Gần nhất, trước khi Thanh Hóa ra văn bản số số 8898/UBND-THKH ngày 11/8/2016, thì ngày 09/6/2016, Xi măng Công Thanh tiếp tục có Công văn số 26/CV-XMCT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Golden Coast Resort Hải Hòa.
Lần này, Thanh Hóa lại ra văn bản, thậm chí nhắc thẳng các sở ngành “làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai dự án; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ, có ý kiến tham mưu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh”…
Nhưng hãy chờ xem, Thanh Hóa sẽ làm thật hay chỉ “dọa” (?!). Và điệp khúc giãn tiến độ tại dự án Golden Coast Resort Hải Hòa sẽ còn dài đến đâu…
Xi măng Công Thanh đã “đổ” bao nhiêu tiền vào dự án? Theo báo cáo tài chính mới nhất của công ty này – BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2017 – thì tính đến ngày 30/6/2017, chi phí xây dựng cơ bản dở dang mà Xi măng Công Thanh đã chi cho Dự án Golden Coast Resort mới chỉ đạt chưa đầy 4 tỷ đồng – thực ra là rất nhỏ so với quy mô đầu tư dự kiến của dự án 20,4 ha này.
Nhìn vào báo cáo tài chính sẽ thấy một thực tế khác nữa, rằng khó có thể tin rằng Xi Măng Công Thanh có đủ nguồn lực để triển khai resort trên. Kết thúc nửa đầu 2017, công ty này tiếp tục báo lỗ 397 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ sau thuế lũy kế lên mức 979 tỷ đồng vào ngày 30/6/2017. Mức lỗ lũy kế này đã vượt quá vốn chủ sở hữu của công ty một khoản là 79 tỷ đồng. Kiểm toán báo cáo, Công ty TNHH PwC (Việt Nam) nhấn mạnh “sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”. Ấy vậy mà Ban Tổng Giám đốc Xi măng Công Thanh vẫn tỏ ra khá tự tin. Họ tự nhận xét rằng Công ty đã được ngân hàng tái cơ cấu khoản nợ dài hạn, trái phiếu thường và chi phí lãi phát sinh, đồng thời Công ty có dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh rất khả quan có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm sau. Chưa rõ nhận xét của các “sếp” Xi măng Công Thanh xác tín đến nhường nào. Chỉ biết rằng tháng 3/2018, công ty này lại có văn bản gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa xin phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ phục vụ dự án Khu du lịch biển Golden Coast Resort tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia. Họ quyết làm cho bằng được Golden Coast Resort Hải Hòa? Hay chỉ muốn hoàn thiện pháp lý để chuyển nhượng?.../. |