Thành công trong đổi mới ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Vai trò quan trọng của giải pháp, công nghệ

E-magazine Thành công trong đổi mới ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Vai trò quan trọng của giải pháp, công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Tầm nhìn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội không chỉ là nắm bắt công nghệ, mà còn phát triển nó theo cách phục vụ tốt nhất cho cộng đồng” - PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện - chia sẻ.

Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội là một trong số ít BV tuyến Trung ương có sự bứt phá rất nhanh và mạnh về đổi mới sáng tạo, để tạo nên những dấu ấn riêng cả trong chăm sóc sức khoẻ (CSSK) lẫn công tác đào tạo.

Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong y tế 2023 diễn ra tại Hà Nội ngày 18/10, những kinh nghiệm của PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội- được chia sẻ trong báo cáo “Vai trò của giải pháp đổi mới, sáng tạo: Góc nhìn của chuyên gia y tế” đã thu hút sự chú ý của người nghe.

Đây cũng là tham luận mở màn một Diễn đàn có rất đông chuyên gia công nghệ và y tế ở trong nước và quốc tế, báo cáo.

Theo Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, hiện nay, CSSK đã thay đổi, khi tuổi thọ tăng lên, người dân hiểu biết hơn về sức khỏe và tự chăm sóc bản thân, thì công nghệ có vai trò rất quan trọng: Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs) là cuộc cách mạng hóa việc quản lý dữ liệu bệnh nhân. Y tế từ xa đã thu hẹp khoảng cách, đảm bảo chăm sóc liên tục, bất kể vị trí.

Các thiết bị công nghệ theo dõi sức khỏe có thể đeo cho phép bệnh nhân chủ động theo dõi sức khỏe bản thân, như chỉ 1 chiếc đồng hồ đeo cũng đo được điện tâm đồ, nhịp tim, độ bão hòa oxy vv…

Việc chăm sóc bệnh nhân cũng thay đổi, từ 'y lệnh' sang 'cộng tác giữa bác sĩ và bệnh nhân', để chữa bệnh.

Trước đây, thông tin bệnh nhân cập nhật rất khó, mỗi lần đi khám, chữa bệnh (KCB) phải theo mang cả tập hồ sơ giấy tờ, nhưng nay, hồ sơ bệnh nhân đã được điện tử hóa, dễ dàng truy cập, biết được lịch sử KCB.

Chính vì thế, BV Đại học Y Hà Nội đặc biệt coi trọng vai trò của giải pháp đổi mới, sáng tạo vào hoạt động chuyên môn.

Có thể nói, Telehealth - giải pháp KCB từ xa - là một thế mạnh của BV Đại học Y Hà Nội.

tp2.jpg

Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, tháng 4/2020, BV Đại học Y Hà Nội đã trở thành đơn vị tiên phong áp dụng y tế từ xa với Trung tâm Telehealth đầu tiên ở Việt Nam, đã triển khai thường quy từ đó đến nay và ngày càng được công chúng quan tâm. Với Telehealth, việc khám bệnh là đa chuyên khoa, các BV đều có thể chia sẻ ý kiến, bệnh nhân có thể hỏi trực tiếp bác sĩ.

medical (6).jpg

Đây là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số của BV và của ngành y tế. Giải pháp này rất hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, giúp bệnh nhân được tư vấn, chẩn đoán, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh mà không cần trực tiếp đến BV. Về lâu dài, Telehealth còn là giải pháp giảm quá tải cho các BV tuyến trung ương.

Đã có rất nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống từ những cuộc hội chẩn kịp thời qua Telehealth của BV Đại học Y Hà Nội. Tôi đã từng dự một số buổi KCB từ xa tại Trung tâm Telehealth của BV này và chứng kiến các chuyên gia của BV đã không chỉ hội chẩn cho các BV trong nước, mà còn hỗ trợ các BV ở Campuchia, Lào, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: Kết quả từ Telehealth mang lại rất hữu ích cho cơ sở y tế (CSYT) tuyến dưới và bệnh nhân. Sau 3 năm triển khai Telehealth, đã có hơn 200 CSYT phối hợp thường quy với BV, chưa kể khoảng 250 CSYT đề nghị tham gia vv... Tính đến nay, đã có 248 buổi hội chẩn với 2.248 ca, 316 báo cáo khoa học và 1.200 lượt KCB.

Sự hỗ trợ của công nghệ đã đưa việc chăm sóc bệnh nhân vượt qua bức tường BV, khi Telehealth cho phép bệnh nhân không cần bước ra khỏi nhà mà vẫn nhận được tư vấn, được chẩn đoán chuyên môn thông qua cuộc gọi video bảo mật hoặc ứng dụng di động chuyên dụng.

Cũng theo PGS. Hiếu, BV Đại học Y Hà Nội đang có kế hoạch chăm sóc trực tuyến, điều trị theo cá nhân, cung cấp trên môi trường kỹ thuật số. Nhân viên y tế sẽ thông tin cho bệnh nhân về tình trạng bệnh, dùng thuốc, chăm sóc hằng ngày, hỗ trợ theo dõi sức khỏe từ xa liên tục.

Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong y tế, điều mà PGS. Nguyễn Lân Hiếu tâm đắc là việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo y khoa liên tục (CME). Bởi, khi vấn đề CSSK đang phát triển, sự đổi mới không chỉ tập trung vào việc điều trị, mà còn cần định hình lại việc học tập.

tp3.jpg

Hiện chúng ta mới chú ý tới công nghệ số trong khám và điều trị, mà chưa quan tâm đổi mới trong đào tạo nhân viên y tế, trong khi đổi mới trong đào tạo sẽ thay đổi nền y tế quốc gia.

PGS. Nguyễn Lân Hiếu cho hay, việc áp dụng công nghệ đã tác động, làm thay đổi CME, mang lại nhiều thú vị bất ngờ: Luật KCB sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024 quy định mỗi bác sĩ cần 25 CME/năm để duy trì chứng chỉ hành nghề. Và công nghệ đã làm nở rộ phong trào học từ xa. Có tới 70% bác sĩ ở cơ sở muốn học lại. Đáng chú ý là học viên ngày càng thích học CME, thậm chí thu hút cả bên thứ ba, khi số công ty được đăng ký học cũng nhiều hơn.

Nguyen Lan Hieu quote.jpg

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ thêm: BV đã phối hợp với các công ty công nghệ, nền tảng quản lý học viên thông minh để thiết kế chương trình CME với tiêu chí: FEF (Fun, Effective, Free): Vui vẻ, hiệu quả, miễn phí.

Các bài giảng đều có ca lâm sàng, câu hỏi của giảng viên và người học để cùng thảo luận, trao đổi công khai, kiểm tra cuối chương trình, cấp chứng nhận CME cho người học. Học viên có thể phản hồi về chương trình để các chuyên gia thiết kế bài giảng tốt hơn. Sau mỗi buổi đào tạo, trải nghiệm học tập được nâng cao, việc thu thập kiến thức kéo dài, được lưu lại trong phần mềm để có thể tra cứu bất cứ lúc nào. Hiện, BV có 4 chuyên ngành CME với hơn 900 người tham gia.

Đối với CME, các phương pháp tiếp cận sáng tạo và phong phú hơn: Ngoài các hội thảo truyền thống, còn có thể tận dụng các nền tảng trực tuyến và hợp tác toàn cầu. Lộ trình học tập được cá nhân hóa, sử dụng AI và hệ thống học tập thích ứng.

Từ kinh nghiệm thực tế, PGS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: Việc đào tạo trực tuyến có góc nhìn rộng hơn, vượt xa giảng dạy lý thuyết cổ điển. Khi chuyên môn kết hợp với sự đổi mới, tương lai của giáo dục y tế sẽ được định hình lại.

Đặc biệt, PGS. Nguyễn Lân Hiếu đã chia sẻ một kinh nghiệm rất đáng quan tâm trong lựa chọn giải pháp công nghệ để thay đổi CSSK, mà tôi nghĩ, các BV đang lo âu về kinh phí đầu tư cho đổi mới cần tham khảo để … bớt lo âu.

tp3-sua.jpg

Theo người đứng đầu BV Đại học Y Hà Nội: “AI, Blockchain và VR là những từ thông dụng thống trị câu chuyện công nghệ CSSK. Nhưng các giải pháp đổi mới không phải lúc nào cũng theo đuổi xu hướng công nghệ mới nhất. Trái lại, việc khám phá các công nghệ chưa được khai thác, bị đánh giá thấp, có khi lại hiệu quả hơn trong bối cảnh cụ thể”.

Với từng tổ chức và khu vực, CSSK đều có thể có những thách thức riêng. Do đó, các giải pháp công nghệ được thiết kế riêng sẽ mang lại kết quả tốt hơn cách tiếp cận ‘một dùng cho tất cả’.

“Không thể lấy công nghệ của BV này áp dụng sang BV khác, hay của BV châu Âu, Hoa Kỳ lắp vào Việt Nam được, mà cần cá thể hoá từng BV. “May đo riêng” cho từng BV sẽ mang hiệu quả hơn” - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội nếu quan điểm.

Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các chuyên gia CSSK, nhà phát triển công nghệ với bệnh nhân và các BV rất quan trọng, vì đem đến những đổi mới hiệu quả nhất.

bv dhy 3.jpg

Tuy nhiên, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cũng lưu ý rằng, các công nghệ này không chỉ mới mà phải bền vững, có thể mở rộng quy mô để mang lại lợi ích cho dân số lớn hơn. Một BV có phần mềm mà không kết nối, không mở ra được thì không có giá trị. Nên tập trung vào các công nghệ có giá cả phải chăng, có khả năng thích ứng và tác động lâu dài. Sự đổi mới CSSK thực sự nằm ở việc nhận ra tiềm năng chưa được khai thác, thúc đẩy sự hợp tác và đảm bảo tác động lâu dài.

“Tận dụng dữ liệu để tăng cường chăm sóc bệnh nhân” là phương châm của BV. Việc triển khai các hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử không chỉ thân thiện với người dùng, mà còn giàu tính năng, nâng cao trải nghiệm của cả bác sĩ và bệnh nhân. Bên cạnh đó là triển khai AI và học máy để chẩn đoán y tế chính xác, giảm sai sót của con người và tối ưu hóa kế hoạch điều trị.

Đặc biệt, BV coi trọng sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để dự đoán sự bùng phát dịch bệnh, diễn biến sức khỏe của bệnh nhân và các biện pháp chăm sóc phòng ngừa phù hợp. Bên cạnh đó là sự hợp tác với các chuyên gia công nghệ để nâng cao năng lực về AI và dữ liệu lớn, tập trung vào các ứng dụng thực tế trong BV.

"Tại BV Đại học Y Hà Nội, mỗi byte dữ liệu là một cơ hội để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân” - PGS. Nguyễn Lân Hiếu “bật mí”.

tp4.jpg

Đúc kết kinh nghiệm từ thành công trong đổi mới sáng tạo của BV Đại học Y Hà Nội đã được PGS. Nguyễn Lân Hiếu “gói gọn” trong 4 tầm nhìn. Đó là:

BV tin tưởng vào việc kết hợp dịch vụ CSSK truyền thống với các giải pháp tiên tiến, đảm bảo mọi bệnh nhân đều nhận được dịch vụ chăm sóc tiên tiến.

Cống hiến cho việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp nội bộ phù hợp với nhu cầu nhân khẩu học và khu vực của bệnh nhân; nghiên cứu, phát triển các giải pháp nội bộ phù hợp với nhu cầu nhân khẩu học và khu vực của bệnh nhân.

Thay vì chỉ áp dụng các công nghệ mới, trọng tâm của BV là tích hợp những công nghệ phù hợp với giá trị cốt lõi và nhu cầu của bệnh nhân với việc ưu tiên các giải pháp bền vững và có thể nhân rộng.

BV hợp tác với các bên đi đầu về công nghệ và các tổ chức y tế toàn cầu để mang đến các giải pháp đẳng cấp thế giới cho cộng đồng.

Tầm nhìn của BV Đại học Y Hà Nội không chỉ là nắm bắt công nghệ, mà còn phát triển nó theo cách phục vụ tốt nhất cho cộng đồng - PGS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.