Cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào khu vực Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972 của Mỹ đã bị thất bại hoàn toàn, với 81 máy bay bị bắn hạ trong đó có 34 máy bay B-52. Nhiều năm sau, Chuẩn tướng quân đội Anh Peter McDonad, trong cuốn “Tướng Giáp, người chiến thắng ở Việt Nam” đã nêu một trong những nguyên nhân quân dân Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch đường không có một không hai này trong lịch sử chiến tranh nằm ở hệ thống phòng không lợi hại.
Theo ông McDonad, hệ thống phòng không mà Việt Nam Dân chủ cộng hòa tạo ra phức tạp, lợi hại đến mức được các chuyên gia lớn nhất thế giới (chính là các chuyên gia Mỹ) đánh giá là có thể sánh với mạng lưới tinh vi của NATO để phòng thủ cho Tây Âu.
Hình một chiếc B-52G chụp nhiều năm sau Chiến tranh Việt Nam. Loại phi cơ ném bom này được cho là có 'tuổi thọ' cao.
|
Với những vũ khí được hợp nhất cao, Việt Nam có thể chiến đấu với máy bay Mỹ từ mặt đất lên độ cao 10.000 feet (khoảng 30km). Nòng cốt là tên lửa SAM-2 kèm theo hệ thống điều khiển của Nga. Thứ hai là máy bay MiG-21 cũng của Nga, loại máy bay đánh chặn bay nhanh do các phi công Việt Nam điều khiển. Hỗ trợ chúng là khoảng 4.000 súng các cỡ từ 12,7mm đến 100mm, 2.000 khẩu trong số này được triển khai để bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng. Việc bắn số súng này và phóng tên lửa ở trên dưới 200 trận địa tên lửa, điều khiển các radar cùng với các máy bay chiến đấu được phối hợp thông qua 3 trạm điều hành lớn ở Bạch Mai, Phúc Yên và Kép. Chỉ huy toàn bộ mạng lưới phòng không này là một trung tâm điều khiển đặt ở sân bay Bạch Mai. Có khoảng 125.000 nam nữ hoạt động trong mạng lưới phòng không này, cộng với một số cố vấn Liên Xô.
Lực lượng phòng không Việt Nam bắn trả trước đợt tấn công của không quân Mỹ năm 1972. Trong 12 ngày đêm này, phi cơ B-52 đã được sử dụng và đã thả 17 ngàn tấn bom xuống Hà Nội và Hải Phòng.
|
Mặc dù theo tiêu chuẩn ngày nay, SAM-2 là lạc hậu, nhưng thời đó nó là loại vũ khí đáng gờm. Cơ động cao, các bệ phóng có thể di chuyển nửa giờ sau khi bắn và vào lại vị trí sau 1 giờ. Sự linh hoạt làm cho rất khó phát hiện vị trí. Một thủ thuật để bộ đội Việt Nam giành lợi thế là các trắc thủ phóng một tên lửa không điều khiển và bật radar điều khiển nó ở thời điểm cuối cùng (gọi là bật tắt ngắt quãng, NĐS), cho phép đủ thời gian cho tên lửa hướng vào mục tiêu nhưng không đủ lâu để cho những tên lửa chống SAM-2 mà máy bay Mỹ mang theo có thể định vị và tiêu diệt nó. Một thủ thuật nữa là phóng ít nhất 2 quả SAM-2 tiếp nối nhau. Quả đầu tiên bắn cao, buộc máy bay Mỹ dùng thiết bị điện tử để lẩn tránh. Trong khi máy móc phòng thủ bận làm việc, quả đạn bắn sau đi theo đường của quả thứ nhất cho đến khi khóa được mục tiêu và tiêu diệt nó.
Súng phòng không của Việt Nam thời kỳ Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng.
|
Máy bay MiG được những người dẫn đường mặt đất dẫn dắt đến chỗ các máy bay Mỹ. Bằng việc nghiên cứu màn hình radar và theo dõi sự tập kết của lực lượng oanh kích khi những máy bay này tập hợp trên bầu trời, bộ đội Việt Nam có thể nhanh chóng có được dấu hiệu tốt về đường bay, mục tiêu và thời điểm bắt đầu ném bom, giúp họ có hành động ngăn chặn. Radar của họ cảnh báo trước khoảng 45 phút, đủ thời gian để máy bay MiG bay lên bầu trời và vào trận ở cách xa mục tiêu, trong khi máy bay Mỹ còn bận xoay xở với những quả bom cùng nhiên liệu.
Những viên đạn cỡ nhỏ bắn vào máy bay bay thấp cũng hiệu quả đáng ngạc nhiên trong việc bắn rơi máy bay phản lực bay nhanh. Vết thủng nhẹ nhất ở vỏ kim loại của máy bay đang bay với tốc độ cận âm thanh cũng đủ để nó toạc ra. Lực lượng dân quân Việt Nam, với “tay cày tay súng”, già trẻ, gái trai ở mọi nơi, đã tích cực tham gia bắn máy bay Mỹ. Họ phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không và không quân để hình thành một mạng lưới các lực lượng nhiều tầm nhiều hướng, có thể di chuyển và chiến đấu trong mọi điều kiện, bao phủ một vùng rộng lớn nhưng tập trung bảo vệ một số mục tiêu quan trọng. Sử dụng vũ khí bộ binh, dân quân đã bắn rơi nhiều máy bay phản lực hiện đại Mỹ, bắt sống nhiều phi công. Bắn máy bay địch ở tầm thấp rõ ràng là hình thức nghệ thuật chiến tranh mới trong cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không. Trong khi đó, không quân Mỹ có quá nhiều mục tiêu, và vì thế mà họ phải phân tán lực lượng. Họ sử dụng các máy bay trị giá hàng triệu USD để tấn công một cầu phao bằng tre.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông R.Mắc Na-ma-ra ngày 23-6-1997. Ảnh AP.
|
Trong suốt 12 ngày đêm - cũng như trong suốt cuộc chiến tranh, tất cả mọi người Việt Nam chia sẻ với nhau sự nguy hiểm. Tất cả mọi người sống ở một mức sống cơ bản đủ để tồn tại. Khẩu phần gạo cho mỗi người dưới nửa cân mỗi ngày, số lượng vải vóc là 3 mét cho mỗi người một năm, đủ may 2 sơ mi và một quần dài. Trong hoàn cảnh nhiều đàn ông lên đường nhập ngũ, hầu hết công việc ở miền Bắc do phụ nữ và những đàn ông yếu sức khỏe đảm trách. Các nguồn sản xuất được phân tán ra đôi khi hàng chục nơi để giảm đến mức tối thiểu tổn thất khi một trong số này bị ném bom. Các gia đình cũng phải tách ra với lí do như vậy.
Trong chiến dịch kéo dài 12 ngày đêm đó, Mỹ đã huy động 199 chiếc B-52 (50% lực lượng không quân chiến lược) và 999 chiếc máy bay chiến thuật. Máy bay B-52 đã ném 35.544 tấn bom vào 734 mục tiêu; máy bay F-111 ném 1.424 tấn vào 139 mục tiêu; máy bay F-4 là 2.271 tấn vào 245 mục tiêu; máy bay A-7 ném 1.702 tấn vào 226 mục tiêu, tổng cộng là 40.941 tấn. Thế nhưng, cái mà Mỹ thu được chỉ là sự chứng minh rằng nước Mỹ không thể bị coi thường. Ông McDonad kết thúc bằng việc trích dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ellsworth Bunker: “Tôi nghĩ rằng cuộc ném bom đó là cái gì đó chúng ta không phải làm".
Nguyễn Đăng Song
(lược thuật)