Vietjet - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam đã trở thành hãng hàng không (tính cả truyền thống và giá rẻ) lớn thứ hai Đông Nam Á, tính theo giá trị vốn hóa, đang tạo ra một mạng lưới đường bay quốc tế, mở rộng hoạt động ra ngoài khu vực Asean.
Nhật Bản hiện là thị trường chiến lược mà Vietjet hướng đến. Kể từ ngày 8/11, Vietjet bắt đầu cung cấp các đường bay giữa Hà Nội và cảng hàng không Kansai, gần Osaka.
Tháng 12 tới, Vietjet cũng sẽ tiếp tục mở thêm đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh tới sân bay thuộc khu vực Osaka, và một tuyến nữa - giữa Hà Nội với sân bay Narita, Tokyo. Những tuyến bay tới Haneda, Tokyo; sân bay Chubu gần Nagoya và sân bay Fukuoka cũng đang được thiết lập.
Dẫn lời trên Nikkei, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay hãng hàng không này đang đón đầu xu thế, khi mà nhu cầu qua lại Nhật Bản để kinh doanh hay du lịch của người Việt Nam đang ngày càng tăng - và ngược lại.
"Giá vé mà hãng hàng không giá rẻ này đề ra khá cạnh tranh. Cụ thể, vé khứ hồi từ Hà Nội tới sân bay Kansai sẽ vào khoảng 300 USD - tức là chỉ bằng 1/3 so với con số tương ứng của Vietnam Airlines", Nikkei viết.
Quan hệ đối tác giữa Vietjet và Japan Airlines (JAL) bắt đầu vào tháng 7/2017, đây được xem như chìa khóa để hãng hàng khôn giá rẻ của Việt Nam vươn ra thế giới.
Vietjet đã bắt đầu những chuyến bay liên doanh trong nội địa Việt Nam với JAL vào cuối tháng 10, cho phép JAL quyền sử dụng các máy bay của mình. Các kế hoạch đang tiếp theo được lập ra để có một thỏa thuận bay liên doanh trên các chuyến bay đường dài từ Nhật Bản tới Mỹ của JAL.
Máy bay của Vietjet tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
|
Vietjet hiện đang cung cấp dịch vụ bay tới 9 nước và các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Hãng hàng không này đang khẩn trương hoàn tất kế hoạch mở thêm những đường bay mới - tới Ấn Độ, Nga và Australia. Ngoài ra, Vietjet cũng đang cân nhắc quan hệ đối tác với các hãng châu Âu.
Sự mở rộng của Vietjet có thể xem như hệ quả của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một trong 11 nước thành viên. Một nhân tố khác là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, điển hình là Samsung Electronics.
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý III/2018 của Việt Nam ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước - một tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở Đông Nam Á. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của đất nước 100 triệu dân cũng đang tăng lên. Số lượng người Việt Nam đi nước ngoài tăng từ 10% tới 15% trong mỗi năm, và đã đạt mốc 7,5 triệu lượt vào năm 2017.
Về thị trường, Vietjet chỉ phải cạnh tranh với 2 đối thủ nội địa: Vietnam Airlines, cùng chi nhánh hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines. "Chỉ có 3 hãng hàng không tại Việt Nam và thỏa thuận này tạo điều kiện cho lợi nhuận trong nước", một công ty môi giới đánh giá.
Năm ngoái, Vietjet đã vượt qua Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không có thị phần vận chuyển nội địa lớn nhất Việt Nam. Và hiện tại, có vẻ như Vietjet Air đang tiếp đà phát triển để vươn ra nước ngoài, với nguồn lực tài chính mở rộng.
"Sức mạnh của Vietjet nằm ở việc tập trung cắt giảm chi phí", Nikkei bình luận.
Không chỉ là cắt những dịch vụ đi kèm mà hãng còn mua những chiếc máy bay tiết kiệm nhiên liệu hàng đầu. Chi phí bình quân cho mỗi ghế của Vietjet (chưa tính nhiên liệu) là 2,25 cent/km - thấp nhất trong các hãng hàng không trên toàn cầu. Lợi nhuận biên ròng của Vietjet là khoảng 11%, vượt qua hãng hàng không cao cấp Singapore Airlines.
Vietjet nhắm tới việc tạo ra sự khác biệt. Bữa ăn trên chuyến bay tạo ra chi phí lớn hơn thường không được các hãng hàng không giá rẻ cung cấp. Nhưng "chiêu" nổi tiếng nhất của hãng có lẽ là việc các vũ công mặc bikini biểu diễn trên chuyến bay. Với những dịch vụ như vậy, doanh thu của hãng đã tăng 160% trong 3 năm.
Vietjet cũng hấp dẫn các nhà đầu tư chứng khoán. Giá trị vốn hóa của hãng đã vượt qua AirAsia - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á của Malaysia. Chỉ có Singapore Airlines là có giá trị thị trường lớn hơn Vietjet trong các hãng hàng không Đông Nam Á./.