Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Thương mại Thái Hưng (Thái Hưng) tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng, chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2003.
Đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Thái Nguyên, Công ty Thái Hưng không chỉ là doanh nghiệp thép có tiếng ở địa phương mà còn được biết tới là “ông trùm” gang thép của cả nước với 25 năm trong lĩnh vực này. Trên trang chủ, Thái Hưng cho biết là nhà phân phối thép lớn nhất miền Bắc của một số thương hiệu thép, chiếm 13% thị phần thép của cả nước.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Thái Hưng mang nhiều nét của một công ty gia đình. Tính tới tháng 10/2016, quy mô vốn điều lệ của Thái Hưng được nâng lên mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân.
Trong đó, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải cùng với hai người con là ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Vinh sở hữu tới 66,697% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại đều do những cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Nguyên nắm giữ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, còn bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1972) đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Thái Hưng.
"Ông trùm" gang thép Thái Nguyên - CTCP Thương mại Thái Hưng mang dáng dấp của công ty gia đình (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: thaihung.com.vn)
|
Thái Hưng còn là cổ đông lớn của nhiều công ty thép như: CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã CK: TIS), CTCP Thép Việt Ý (Mã CK: TIS).
Hồi tháng 4/2019, ông Nguyễn Văn Tuấn bất ngờ rời ghế Chủ tịch HĐQT Tisco. Bên cạnh đó, Thái Hưng cũng có nhiều động thái thoái bớt vốn tại doanh nghiệp này nhưng không thành.
Cuộc chơi địa ốc
Ngoài lĩnh vực thép thương mại, Thái Hưng còn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi là chủ đầu tư dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City - tên thương mại: Crown Villas). Dự án có quy mô hơn 35 ha, tổng mức đầu tư là 2.100 tỷ đồng.
Tháng 6/2019, Thái Hưng đã sử dụng các quyền sử dụng đất thuộc các tiểu khu Iris, Hermes, Hellios của dự án này làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu 350 tỷ đồng phát hành cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Số trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cho kỳ đầu tiên là 11%/năm.
Tuy nhiên, đây chưa phải là thương vụ trái phiếu đầu tiên của Thái Hưng. Ngày 29/9/2016, công ty đã phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Thái Hưng đã thanh toán tổng cộng hơn 146 tỷ đồng cho lô trái phiếu này.
Chỉ ít tháng sau khi Thái Hưng phát hành trái phiếu cho MSB, tháng 8/2019, truyền thông trong nước đưa tin cho biết Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu thanh tra quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại dự án Thái Hưng Eco City.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ bổ sung nội dung thanh tra, xử lý những phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc thu hồi đất của CTCP luyện cán thép Gia Sàng cho Thái Hưng thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án Thái Hưng Eco City (tại Thái Nguyên). Thời hạn báo cáo kết quả thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến khu đất triển khai dự án này trong Quý 4/2019.
Chưa rõ kết quả thực hiện thanh tra ra sao, chỉ biết rằng, trong tháng 11/2019, Thái Hưng đã thực hiện bàn giao căn hộ Tiểu khu Iris và mở bán đợt 2 khu đô thị Crown Villas (tên thương mại của Thái Hưng City).
Bà Nguyễn Thị Vinh-TGĐ Công ty, đại diện chủ đầu tư phát biểu tại buổi lễ bàn giao căn hộ Tiểu khu Iris và mở bán đợt 2 khu đô thị Crown Villas (Nguồn: thaihung.com.vn)
|
Theo dữ liệu của VietTimes, trong năm 2019, Thái Hưng báo lãi sau thuế hơn 100,47 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn của Thái Hưng đạt hơn 1.863,9 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 3 lần. Do đó, theo tính toán, tổng quy mô nguồn vốn (tổng tài sản) của Thái Hưng đạt trên 7.455,6 tỷ đồng.
Những chuyển biến của Thái Hưng chưa dừng lại ở đó, bởi theo ghi nhận của VietTimes, doanh nghiệp này đã bổ sung thêm mục “dành cho cổ đông” trên trang chủ.
Dù thông tin ở mục này vẫn còn khá khiêm tốn, song nó cho thấy, cơ cấu sở hữu của Thái Hưng không chỉ có các thành viên trong gia đình của ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Vinh - những người con của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải.
Về nguồn gốc của khu đất Thái Hưng Eco City Năm 2008, CTCP Luyện Cán Thép Gia Sàng thực hiện thế chấp 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty cùng tài sản gắn liền trên đất để thực hiện vay vốn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên. Các khu đất có diện tích 226.861,7 m2, đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng đến năm 2047, nguồn gố sử dụng đất là nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm Sau đó, do không trả nợ được vốn vay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đã tiến hành khởi kiện CTCP Luyện Cán thép Gia Sàng. Ngày 5/5/2014, Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-CCTHA, kê biên máy móc, thiết bị dây truyền sản xuất của CTCP Luyện Cán Thép Gia Sàng. Tới ngày 15/5/2014, cơ quan này đã kê biên 134 loại tài sản, được thẩm định giá hơn 39,81 tỷ đồng. Ngày 21/7/2014, số tài sản trên được bán đấu giá thành công với giá 35,85 tỷ đồng, người mua trúng giá là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Viettech (Viettech). Đến ngày 25/8/2014, Chi nhánh Thẩm định giá và Đấu giá Việt Bắc đã chuyển số tiền của người mua trúng đấu giá (Viettech) thanh toán vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Nhưng do không hoàn tất các thủ tục để thực hiện bàn giao tài sản, ngày 29/2/2016, Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Thái Nguyên và Viettech đã thỏa thuận không tiếp tục hợp đồng. Ngày 18/3/2016, Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Thái Nguyên ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án, theo đó, bổ sung quyết định cưỡng chế kê biên tài sản số 31/QĐ-CCTHA nêu trên. Các tài sản sau đó được thẩm định giá có giá trị là 56,77 tỷ đồng. Ngày 24/5/2016, Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Thái Nguyên và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên ký Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản. Đơn vị tổ chức đấu giá sau đó đã ban hành quy chế đấu giá, trong đó có điều kiện: “Có hồ sơ năng lực đáp ứng yêu cầu của bên có tài sản. Trong đó, cam kết không được tháo dỡ máy móc, thiết bị, dây truyền sản xuất. Cam kết phục hồi nhà máy, đưa nhà máy đi vào tái sản xuất và có phương án thực hiện cam kết đó…” Quá trình bán đấu giá có 1 khách hàng đăng ký và trúng đấu giá là CTCP Thương mại Thái Hưng với giá 56,82 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm 50 triệu đồng). Sau thời gian bàn giao cho Thái Hưng, đến tháng 6/2017, Nhà máy cán thép ngừng hoạt động do không mai lại hiệu quả. Đến ngày 20/9/2017, Thái Hưng có văn bản xin cả tạo, nâng cấp, di chuyển nhà máy cán thép Gia Sàng để phù hợp với quy mô nâng cấp mở rộng sản xuất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đô thị. Ngày 16/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3007/QĐ-UBND chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 dự án Khu đô thị mới Thái Hưng Eco City./. |