Thái Lan thắt chặt các quy định về quảng cáo tiền mã hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Thái Lan (SEC) đã đưa ra các quy định mới về quảng cáo tiền mã hóa sau khi ngành này chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng.
Biển quảng cáo tiền mã hóa Zipmex được treo tại một địa điểm công cộng ở Bangkok, Thái Lan.
Biển quảng cáo tiền mã hóa Zipmex được treo tại một địa điểm công cộng ở Bangkok, Thái Lan.

Quy định mới của SEC Thái Lan yêu cầu các quảng cáo phải hiển thị cho người xem thấy những rủi ro trong đầu tư tiền mã hóa. Quảng cáo phải cung cấp một cái nhìn cân bằng về những rủi ro tiềm ẩn cũng như lợi nhuận có được.

Thông tin về các điều khoản trong quảng cáo cũng phải được cung cấp cho cơ quan quản lý.

"Các nhà khai thác phải cung cấp thông tin chi tiết về quảng cáo và mức chi tiêu, kể cả việc sử dụng hình ảnh những người có ảnh hưởng (KOL) và blogger," SEC Thái Lan cho biết, đồng thời nói thêm rằng các nhà khai thác có 30 ngày để tuân thủ các quy tắc mới.

Các công ty tiền mã hóa ở Thái Lan quảng cáo rất nhiều trên các phương tiện kỹ thuật số. Các biển quảng cáo quảng bá ngành công nghiệp này cũng có thể được nhìn thấy khắp thủ đô Bangkok.

Cơ quan quản lý của Thái Lan trong những ngày gần đây cũng đã đưa ra các khoản tiền phạt đối với các công ty tiền mã hóa trong thời điểm hoạt động của nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá trị của các loại tiền kỹ thuật số trên toàn cầu.

Vài ngày trước, ông Samret Wajanasathian, Giám đốc điều hành của Công ty tiền mã hóa Bitkub, đã bị phạt 8,5 triệu baht (231.670,75 USD) vì hành vi giao dịch nội bộ. Samret đã nói rằng ông ấy sẽ kháng cáo quyết định.

Tháng trước, công ty cho vay tài sản lớn thứ tư của Thái Lan, SCBX Pcl, đã hủy bỏ thương vụ mua lại Bitkub trị giá 500 triệu USD, vì lo ngại về những quy định siết chặt hơn trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Công ty đổi thủ của Bitkub là Zipmex cũng đã bị phạt 1,92 triệu baht hôm 31/8 vì tạm dừng dịch vụ rút tiền hồi cuối tháng 7 gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Việt Nam nghiên cứu, thí điểm tiền mã hóa

Trong khi đó tại Việt Nam, nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền mã hóa nào là đơn vị thanh toán hợp pháp. Thực tế thì gần đây Việt Nam đã được nhắc đến khá nhiều trong cộng đồng người chơi tiền mã hóa quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2020 và tính riêng đối với đồng Bitcoin, các nhà đầu tư của Việt Nam đã thu về mức lợi nhuận 0,4 tỉ USD (gần 9000 tỉ đồng) - theo báo cáo của Chainalysis. Dự án game NTF với đồng tiền mã hóa Axie Infinity (AXS) của nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung từng đạt giá trị vốn hóa tới 4,4 tỉ USD, lọt top 50 các đồng tiền mã hóa có giá trị cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, do tiền mã hóa chưa được công nhận tại Việt Nam nên các nhà đầu tư chủ yếu thực hiện các giao dịch trên các sàn giao dịch quốc tế hoặc trên các cộng đồng người chơi trên mạng xã hội.

Vào tháng 7/2021, Thủ tướng chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền mã hóa. Thời gian thí điểm là từ 2021 đến 2023. Nếu việc thí điểm thành công và tiền mã hóa được công nhận tại Việt Nam, thì nhà đầu tư sẽ có những hành lang pháp lý để bảo vệ, hạn chế rủi ro khi tham gia vào cuộc chơi công nghệ mới mẻ này.