Thái Lan quyết liệt vào cuộc điều tra sau vụ sập tòa nhà 30 tầng ở Bangkok

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến sáng 2/4, số người chết trong tòa nhà Văn phòng Kiểm toán tại Bangkok bị sập hôm 28/4 đã tăng lên 15. Sứ quán Trung Quốc cho biết sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp có liên quan tích cực hợp tác với cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan.

Công tác cứu hộ tòa nhà Văn phòng Kiểm toán bị sập đang rất khẩn trương. Ảnh: AFP.
Công tác cứu hộ tòa nhà Văn phòng Kiểm toán bị sập đang rất khẩn trương. Ảnh: AFP.

Các nhân viên cứu hộ tiếp tục dọn dẹp đống đổ nát tại hiện trường vụ sập tòa nhà. Một tổ chức cứu hộ cho biết có ít nhất 5 thi thể khác đã được phát hiện thấy trong đống đổ nát, nhưng họ không thể đưa ra được nên hiện chưa được tính vào số người chết, ngoài ra 72 người khác vẫn mất tích.

Nhân viên Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc số 10 ở Thái Lan bỏ trốn

Tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Thái Lan bị sập vào ngày 28/3, được Chi nhánh Thái Lan của Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc số 10 (Cục 10) và Công ty Phát triển Italy - Thái Lan (ITD) cùng xây dựng. Tổng công ty Công trình Đường sắt Trung Quốc (CREC), công ty mẹ của Cục 10, là đơn vị chính thực hiện sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Tổng dự án trị giá 2,136 tỷ baht (59,3 triệu USD), dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2026.

Sự sụp đổ nhanh chóng của tòa nhà Văn phòng Kiểm toán quốc gia đã gây ra sự nghi ngờ lớn trong công chúng Thái Lan về chất lượng dự án và trách nhiệm của các cơ quan quản lý của nhà nước, chính quyền Thái Lan buộc phải mở cuộc điều tra. Thực ra, ông Mana Nimitmongkol, chủ tịch Tổ chức chống tham nhũng của Thái Lan, cho biết ngay từ tháng 1 năm nay, Văn phòng Kiểm toán Thái Lan đã đe dọa sẽ chấm dứt dự án xây dựng này do tiến độ thi công chậm trễ nghiêm trọng.

Hinh anh tai lieeu bi lay di.jpg
Những người Trung Quốc bị dân chúng nghi là nhân viên Cục 10 Đường sắt tẩu tán tài liệu ghi hình và báo cảnh sát bắt giữ. Ảnh: SingTao.

Theo tờ Thai Enquirer ngày 31/3, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ chỉ đạo hướng điều tra nhắm vào việc Chi nhánh Thái Lan của Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc số 10 (Cục 10) có hoạt động bất hợp pháp hay không.

Theo thông tin công khai, Cục 10 nắm giữ 49% cổ phần tại Chi nhánh Thái Lan của Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc số 10. Đây là mức cổ phần tối đa mà chính quyền Thái Lan cho phép các công ty nước ngoài nắm giữ; 51% cổ phần còn lại do các cổ đông Thái Lan nắm giữ.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho biết cuộc điều tra tập trung vào việc liệu công ty này có sử dụng các đại diện là người Thái để điều hành hoạt động kinh doanh của mình như một bình phong cho các hoạt động thương mại của công ty nước ngoài này hay không. Nếu phát hiện hoạt động này thực sự thuộc loại kinh doanh bất hợp pháp, các hình phạt nghiêm khắc sẽ được áp dụng, bao gồm cả việc xét xử hình sự các bên liên quan.

Thai Enquirer cho biết Đội điều tra đường sắt Thái Lan và các cơ quan thực thi pháp luật đã đến Chi nhánh Thái Lan của Cục 10 Đường sắt Trung Quốc tại quận Thong Kru, Bangkok, nhưng phát hiện văn phòng đã đóng cửa và trống rỗng, không một bóng người. Các cuộc gọi đến số điện thoại đã đăng ký của công ty, bao gồm cả điện thoại cố định và điện thoại di động, đều không thực hiện được.

Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin, 4 người đàn ông Trung Quốc đã lợi dụng sự hỗn loạn để đánh cắp 32 tài liệu từ tòa nhà bị sập và đã bị chính quyền bắt giữ. Cư dân mạng nghi ngờ rằng đây có thể là nỗ lực của Cục 10 nhằm tiêu hủy các chứng cứ vi phạm của mình.

Chính quyền Thái Lan gần đây đã công bố kết quả điều tra sơ bộ, chỉ ra rằng có ít nhất hai loại thép trong các vật liệu xây dựng tòa nhà không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Một trong số đó là của Xinkeyuan, một nhà máy thép địa phương do người Trung Quốc làm chủ đã bị đóng cửa vào năm ngoái.

Cư dân mạng Trung Quốc nghi ngờ rằng Tập đoàn Đường sắt số 10 có thể đã áp dụng phương pháp "cắt giảm chi phí" vào thị trường nước ngoài và nghi ngờ mạnh mẽ rằng bản thân thiết kế của tòa nhà cũng không đạt tiêu chuẩn.

Bo truong Giao thong.jpeg
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Suriya Jungrungreangkit ra lệnh thanh tra triệt để dự án đường sắt cao tốc do liên doanh CREC-ITD xây dựng.
Ảnh: 52hrtt.

Liên doanh CREC - ITD có liên quan đến dự án đường sắt

Theo Đông Phương ngày 2/4, ông Suriya Jungrungreangkit, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan đã ra lệnh cho Cục Đường sắt quốc gia Thái Lan thanh tra triệt để dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc-Thái Lan để đảm bảo rằng tất cả các giai đoạn xây dựng và vật liệu sử dụng đều phù hợp các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.

Cuộc thanh tra sẽ tập trung vào Giai đoạn Một của dự án, kéo dài từ Bangkok đến Nakhon Ratchasima, với tổng chiều dài 250,77 km. Giai đoạn này có 14 hợp đồng xây dựng dân dụng đã được ký và việc xây dựng được bắt đầu tiến hành dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Prayut Chanocha. Ông Suriya chỉ ra rằng sau vụ sập tòa nhà Văn phòng Kiểm toán quốc gia do liên doanh giữa Công ty Phát triển Italy - Thái Lan và Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc số 10 (Thái Lan) xây dựng, người dân đã bày tỏ lo ngại về chất lượng các dự án xây dựng của liên doanh này.

Cuc 10 ki hop dong du an duong sat cao toc.jpeg
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc số 10 (phải) ký kết với Cục Đường sắt Thái Lan hợp đồng xây dựng dự án đường sắt cao tốc, tháng 7/2023. Ảnh: Sohu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan lên tiếng

Cũng theo Đông Phương ngày 2/4, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan đã ra tuyên bố nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty Trung Quốc khi tiến hành sản xuất và kinh doanh ở nước ngoài phải tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của địa phương, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và mang lại lợi ích xã hội cho nước sở tại.

Phía Trung Quốc rất đau buồn trước vụ sập tòa nhà đang được xây dựng có sự tham gia của các công ty Trung Quốc, gây ra thương vong nghiêm trọng, bày tỏ lời chia buồn và thăm hỏi tới các nạn nhân, người bị thương và gia đình họ.

Trung Quốc đã bố trí các chuyên gia cứu hộ động đất và những người cứu hộ tình nguyện đến Thái Lan để hỗ trợ công tác cứu hộ do chính phủ Thái Lan tổ chức, đồng thời phối hợp các doanh nghiệp Trung Quốc tại Thái Lan cung cấp cần cẩu hạng nặng và các thiết bị cơ khí khác để tham gia cứu hộ.

Ở giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ và trợ giúp toàn diện theo nhu cầu của phía Thái Lan và chỉ đạo các công ty Trung Quốc có liên quan tích cực hợp tác với cuộc điều tra do chính phủ Thái Lan tiến hành; đồng thời tin rằng cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan sẽ đưa ra kết luận khoa học và công bằng.

Theo LTN, Đông Phương