|
Trong thời hội nhập, để làm ăn được với đối tác nước ngoài, cần chủ động và tìm hiệu các “luật chơi” FTA. Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ |
Chính vì vậy, đây có thể được xem là thời điểm quyết định để Nhà nước và doanh nghiệp đưa ra những quyết sách đúng đắn để có thể lợi dụng được đòn bẩy FTA trong khi giảm thiểu những cái giá có thể phải trả cho tiến trình tự do hóa thương mại.
Bài viết này tập trung phân tích một cách khái quát những thách thức khi thực hiện các FTA đối với Việt Nam. Cơ hội từ các FTA cũng được lồng ghép trong những phân tích này.
Tại sao FTA?
Để dễ hình dung, có thể coi WTO là một FTA mang tính toàn cầu và Việt Nam khi tham gia vào WTO đồng nghĩa với việc ký một FTA với hơn 150 quốc gia trên thế giới. Cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam dành cho hơn 150 thành viên WTO này là như nhau mà thuật ngữ gọi là mức cam kết tối huệ quốc (MFN).
Ở chiều ngược lại, mỗi một thành viên của WTO chẳng hạn như Mỹ cũng mở cửa thị trường cho Việt Nam ngang bằng với mức họ mở cửa thị trường cho tất cả các thành viên khác. Trong khi đó, nhu cầu trao đổi thương mại của Việt Nam cũng như Hoa Kỳ với hơn 150 đối tác thương mại này là không như nhau. Thực tế này dẫn đến các nước có quan hệ thương mại đáng kể có xu thế tạo lập với nhau một thị trường tự do hơn thông qua các FTA, với các cam kết mở cửa thị trường cho các nước tham gia cao hơn đáng kể so với mức cam kết MFN. Bên cạnh lợi ích thương mại, những toan tính về chính trị cũng được các quốc gia cân nhắc khi đưa ra quyết định có hay không tham gia vào một FTA cụ thể nào đó.
Việt Nam trong bản đồ tự do hóa thương mại
Với các FTA được ký kết trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã và sẽ là một phần của khối thị trường tự do rộng lớn bao gồm 10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc (Trung Quốc không có FTA với Việt Nam mà thông qua FTA với ASEAN. Trong số các FTA mà ASEAN tham gia, FTA với Trung Quốc được đánh giá là có mức độ mở cửa thị trường đáng kể nhất), Hàn Quốc, EU, châu Úc với New Zealand và Úc, Nam Mỹ với Chile, Peru và Mexico, các nước khối Nga - Kazakhstan - Belarus, Nhật Bản, Canada và Mỹ. Như vậy, cánh cửa vào các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam về nguyên tắc là đã được mở.
Bài toán lúc này là nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa trong việc khắc phục các tồn tại trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc vận dụng FTA, xác định các thách thức từ việc thực thi FTA để có những đối sách phù hợp như được phân tích sơ bộ sau đây:
Chủ động và tích cực tìm hiểu FTA
Các khảo sát do các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện đều cho thấy mức độ nhận biết về các FTA của doanh nghiệp Việt Nam vào hạng thấp nhất khu vực. |
Chủ thể chính của thương mại ngày nay là doanh nghiệp. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là chủ thể chính này tại Việt Nam dường như chưa quan tâm đúng mực đến việc tham gia và thực hiện các FTA. Các khảo sát do các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện đều cho thấy mức độ nhận biết về các FTA của doanh nghiệp Việt Nam vào hạng thấp nhất khu vực.
Điều này giải thích nhận định của Trung tâm WTO trong một báo cáo gần đây là mức độ tận dụng lợi ích FTA của các doanh nghiệp Việt Nam là rất hạn chế (ví dụ tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình dưới 30% kim ngạch). Một trong những lý do chính được nhắc tới là đa số các doanh nghiệp không biết đến các nội dung FTA đã cam kết hoặc không biết cách tận dụng các cam kết này. Một ví dụ điển hình là các doanh nghiệp tham gia vào xuất nhập khẩu lâu nay vẫn chỉ biết đến biểu thuế xuất nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành qua từng thời kỳ mà hầu như không nắm được lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam theo các cam kết FTA.
Do đó, các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu và phổ biến các quy định liên quan của các FTA theo các ngành hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Huy động nguồn lực tham gia vào công tác nghiên cứu và phổ biến, đặc biệt là nguồn lực từ các phòng thương mại, hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ. Việc phổ biến không chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền truyền thống là xuất bản các ấn phẩm và tổ chức hội thảo. Cần phải có sự tham gia chủ động và chuyên sâu từ phía cộng đồng các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội và các doanh nghiệp đầu ngành. Bố cục của các FTA về cơ bản là tương tự nhau, các cam kết phân chia theo từng ngành hàng cụ thể. Do đó, các hiệp hội đại diện cho từng ngành nên có những nghiên cứu nghiêm túc các cam kết liên quan đến ngành hàng của mình, với sự tham gia sâu rộng từ các doanh nghiệp thành viên. Một chương trình tuyên truyền mang tính tương tác cao chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tích cực hơn trong việc tìm hiểu FTA, từ đó để kịp thời tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại.
Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Một trong những hạn chế vẫn được nói đến lâu nay là khả năng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc tham gia FTA, ngoài tác động về thương mại, có thể dự đoán đầu tư sẽ là một làn sóng lớn thứ hai khi mà các công ty đa quốc gia đã và sẽ có kế hoạch chuyển sản xuất đến Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan các nước tham gia FTA dành cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam). Làn sóng đầu tư này sẽ tạo ra nhu cầu mới đối với các ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang gặp khó khăn trong việc trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn FDI lớn như Samsung hay ở khía cạnh khác như cung cấp thực phẩm cho Walmart.
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam chỉ có 33%, thấp hơn đáng kể mức 43% tại Indonesia và 55% tại Thái Lan. Do đó, doanh nghiệp có thể chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận các doanh nghiệp lắp ráp FDI để tìm hiểu về nhu cầu và khả năng cung ứng của mình. Các cơ quan nhà nước cũng có thể có các hỗ trợ cần thiết cho việc tiếp cận này của doanh nghiệp.
Việc tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng là tình huống hai bên cùng thắng (win-win) khi mà tỷ lệ nội địa hóa là điều các doanh nghiệp FDI cũng mong muốn có được bởi hai nguyên nhân: thứ nhất là tiết kiệm chi phí từ việc thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng sản xuất trong nước, thứ hai là tăng khả năng đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được ưu đãi về thuế quan. Việc không thể tham gia được vào chuỗi cung ứng để tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất và tiếp tục xuất nguyên liệu thô thực sự là con đường ngắn nhất dẫn đến cái bẫy tự do hóa thương mại.
Xác định được các nhu cầu mới
Việc nghiên cứu các cam kết của FTA có thể giúp doanh nghiệp xác định được các nhu cầu mới tạo ra từ các FTA này. Chẳng hạn Việt Nam là đối tác thương mại duy nhất mà Hàn Quốc cam kết mở cửa các mặt hàng được xem là nhạy cảm với quốc gia này như tỏi, gừng, mật ong với lộ trình xóa bỏ thuế quan từ 10-15 năm trong khi thuế nhập khẩu hiện hành đối với các mặt hàng này dao động từ 241-420. Một ví dụ khác, Việt Nam là nước duy nhất ký FTA với Liên minh hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus chắc chắn sẽ tạo lợi thế đáng kể cho hàng hóa Việt Nam khi thâm nhập thị trường các quốc gia này. Như vậy, việc nắm vững được các cam kết FTA sẽ giúp doanh nghiệp vận dụng trong việc tìm hiểu thị trường, đánh giá được các nhu cầu và tạo ra thị trường ngách (niche markets) cho hàng hóa của mình.
Thách thức của các FTA thế hệ mới
FTA với EU và TPP được xem là các FTA thế hệ mới khi phạm vi quy định vượt ra ngoài việc cắt giảm thuế quan truyền thống. Đáng chú ý là các FTA thế hệ mới này còn quy định về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như quy định về lao động và môi trường. Chẳng hạn TPP có cơ chế rà soát và giám sát việc thực thi cam kết của Việt Nam trong chương về lao động và cho phép Hoa Kỳ thu lại hoặc tạm ngưng các ưu đãi về thuế quan đối với Việt Nam nếu Việt Nam không thực hiện được các cam kết liên quan của mình trong thời hạn năm năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các quy định về phát triển bền vững cũng như các quy định về hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ chặt chẽ hơn trong các FTA thế hệ mới được đưa vào với những mục đích cao đẹp. Tuy nhiên, việc thực thi trong ngắn hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Đáng quan ngại hơn là việc các nước có xu hướng tìm cách tận dụng các vấn đề này như là những biện pháp bảo hộ cuối cùng sau khi hàng rào thuế quan gần như được hoàn toàn xóa bỏ.
(*) Ông Nguyễn Hải hiện đang làm việc cho Công ty Luật Mayer Brown JSM và bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.