Thách thức Nga, Mỹ cấp “hàng” đặc biệt cho Kiev

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (25/3) chính thức tiếp nhận 10 chiếc xe bọc thép đầu tiên từ Mỹ. Diễn biến này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu kêu gọi Tổng thống Barack Obama cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev.
Tổng thống Poroshenko đã nhận được những chiếc xe bọc thép đầu tiên từ Mỹ
Tổng thống Poroshenko đã nhận được những chiếc xe bọc thép đầu tiên từ Mỹ

Trong bộ quân phục, Nhà lãnh đạo Ukraine đã nói lời cảm ơn Washington về 10 chiếc xe bọc thép Humvees. Đây là những chiếc xe bọc thép đầu tiên trong số 30 chiếc mà Washington cam kết cung cấp cho Ukraine. Những chiếc xe này đã đến Sân bay Quốc tế  Boryspil ở thủ đô Kiev.
 
Mỹ có kế hoạch cung cấp 200 xe bọc thép Humvees thông thường cùng với các bộ đàm, hệ thống radar chống súng cối và các thiết bị quân sự không gây sát thương khác trị giá 75 triệu USD cho chính quyền Ukraine.
 
Hôm 23/3, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu một nghị quyết với số phiếu ủng hộ 348/48 để gây áp lực với Tổng thống Obama trong việc cung cấp vũ khí phòng vệ gây sát thương cho Kiev nhằm giúp quân đội của nước này chống lại cái mà họ gọi là “cuộc xâm lược” từ Nga.
 
Tổng thống Obama đến nay vẫn chần chừ chưa muốn cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev nhưng nghị sĩ Đảng Dân chủ của Hạ viện Mỹ - ông Eliot Engel – người chủ trì nghị quyết, đã nói với các đồng nghiệp rằng, đã đến lúc phải ngừng xem cuộc khủng hoảng ở Ukraine “như là một cuộc xung đột ở xa xôi đâu đó”.

Xe bọc thép Humvee từng là phương tiên đa dụng và có tính cơ động cao của quân đội Mỹ. Được sản xuất vào những năm 1980, xe bọc thép Humvee là phương tiện cơ động cao, được trang bị hỏa lực mạnh và kiêm thêm chức năng chở lính. Quân đội Mỹ dùng nhiều xe loại này trong các cuộc chiến vùng Vịnh, ở châu Phi hay ở Afghanistan. Hiện nay, phương tiện bọc thép Humvee đang dư thừa trong kho vũ khí của Lầu Năm Góc. Trong khi đó, các hệ thống radar mà Mỹ cấp cho Kiev có thể phát hiện vị trí súng cối của đối phương.

 

Mỹ doạ cấp vũ khí sát thương cho Kiev nếu thoả thuận Minsk đổ vỡ

 

Ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki tiếp tục lên tiếng đe doạ, Mỹ có thể cấp vũ khí “không mang tính tấn công” cho Kiev nếu thỏa thuận Minsk về hòa giải ở Ukraine đổ vỡ.

 

Vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Kiev sẽ mang tính phòng vệ chứ không phải tấn công, bà Psaki nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Dozhd.

 

Việc Washington luôn nhăm nhe ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev không khỏi khiến Moscow lo ngại.

 

Nga liên tục nhấn mạnh, việc chính quyền Obama cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev sẽ làm trầm trọng thêm cuộc ckhungr hoảng ở Ukraine. Điều này sẽ đ ingược lại với cam kết của Washington về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Một số nước Châu Âu cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về việc tình hình Ukraine sẽ thêm nghiêm trọng nếu phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev trong khi Nga được cho là đứng về phía lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

 

Nghị sĩ Đức hoài nghi ý định của Mỹ ở Ukraine

 

Mỹ luôn miệng tuyên bố ủng hộ chính quyền Kiev xây dựng nền dân chủ ở Ukraine. Tuy nhiên, nghị sĩ Đức Sahra Wagenknecht trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền hãng tin Sputnik gần đây đã nói rằng, khi Mỹ nói về việc ủng hộ dân chủ và nhân quyền, Washington trên thực tế là đang theo đuổi các lợi ích và quyền lợi kinh tế riêng bằng cách tìm cách tiếp cận các nguồn lực tự nhiên và Ukraine không phải là một ngoại lệ.

 

"Người ta đều biết một con trai của Phó Tổng thống Mỹ đang làm việc trong ban giám đốc của tập đoàn khí đốt của Ukraine”, Phó Chủ tịch Đảng Cánh Tả của Đức cho biết.

 

"Người ta cũng biết Mỹ cùng với các công ty của Anh đang rất quan tâm đến trữ lượng khí đốt và đá phiến sét của Ukraine. Các tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia cũng muốn tiếp cận đất đai màu mỡ ở Ukraine”, bà Wagenknecht cho hay.

 

Theo vị nghĩ sĩ Đức, mục tiêu của Mỹ là khai thác các nguồn lực tự nhiên ở Ukraine. “Tôi nghi ngờ việc Mỹ quan tâm đến các lợi ích của Ukraine hay thực sự muốn giúp củng cố hòa bình và các chính sách xã hội ở nước này”, vị chính khách đến từ đảng đối lập hàng đầu của Đức đã không ngại ngần cho biết như vậy.

 

Bà Wagenknecht khẳng định, Ukraine sẽ không có tương lai nếu cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga.

 

Bà Wagenknecht nhấn mạnh, bà ủng hộ các nỗ lực của chính phủ Đức trong việc đảm bảo thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk ở Ukraine. Tuy nhiên, “có ai đó đang cố tìm cách phá hoại thỏa thuận này và tiến trình hòa bình. Trước hết, tôi muốn nói đến những người đang muốn cung cấp vũ khí và đưa cố vấn quân sự từ Mỹ và Anh” vào Ukraine.

 

"Vũ khí đã được gửi đi và số lượng có thể tăng lên. Điều này sẽ phá hoại tiến trình hòa bình thay vì thúc đẩy nó”, nữ chính khách Đức cho biết. Rõ ràng, có những thế lực rất mạnh ở Mỹ đang tìm cách phá hoại tiến trình hòa bình và khích động chiến tranh, bà Wagenknecht nói thêm. Theo: VnMedia