THAAD đã có thể vận hành thực tế, Mỹ - Hàn lại tranh cãi về kinh phí

VietTimes -- Hệ thống THAAD vừa triển khai ở sân golf Seongju, đã đi vào trạng thái chiến đấu thực tế, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo của quân đội Triều Tiên.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Sina
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Sina

Đã cơ bản hoàn thành triển khai THAAD
Theo các nguồn tin, sáng sớm ngày 26/4, quân đội Mỹ tại Hàn Quốc bắt đầu vận chuyển hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) đến sân golf Seongju, bao gồm xe phóng, hệ thống radar X, hệ thống tên lửa. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc bắt đầu triển khai toàn diện THAAD.
Do hệ thống THAAD có tính cơ động cao, các bộ phận cốt lõi chỉ cần thực hiện kết nối với nhau, cung cấp điện thì hệ thống THAAD sẽ chính thức hoàn thành triển khai. Vì vậy, THAAD thực ra đã cơ bản hoàn thành triển khai ở Hàn Quốc.
Cũng trong ngày 26/4, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương khẳng định: “Hệ thống THAAD có thể được vận hành trong vài ngày tới”. Phát biểu này đã cho thấy thời gian khởi động THAAD được “tăng tốc lớn”.
Trước đó, báo chí Hàn Quốc dự tính THAAD sẽ chỉ được khởi động, tiến hành vận hành thử vào tháng 5/2017. Nhưng, tại cuộc họp báo ngày 27/4, khi được hỏi về phát ngôn của Đô đốc Harry Harris theo đó hệ thống THAAD có thể vận hành thử hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun nhấn mạnh: “Không phải là vận hành thử, mà là vận hành thực tế”.
Theo hãng Yonhap Hàn Quốc, theo quan điểm của người phát ngôn Moon Sang-gyun thì hệ thống THAAD được vận chuyển tới sân golf Seongju đã có thể sử dụng thực tế, đã đi vào trạng thái chiến đấu thực tế, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo của quân đội Triều Tiên. Tức là trang bị THAAD ở Hàn Quốc đã có thể phát huy chức năng phòng thủ tên lửa.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn cho biết trong năm 2017, sẽ tranh thủ để hình thành khả năng phòng thủ tên lửa của THAAD một cách hoàn chỉnh. Trang bị THAAD triển khai cơ động, không cần thi công.

Mỹ cơ bản hoàn thành triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Hệ thống này đã sẵn sàng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: AFP/Yonhap
Mỹ cơ bản hoàn thành triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Hệ thống này đã sẵn sàng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: AFP/Yonhap

Mỹ yêu cầu Hàn Quốc chi 1 tỷ USD cho THAAD
Khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters Anh ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, hệ thống THAAD có tính năng tuyệt vời, có thể trực tiếp phá hủy tên lửa ở trên không; đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ Hàn Quốc chi 1 tỷ USD cho việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Theo hãng Yonhap Hàn Quốc, việc triển khai một hệ thống THAAD cần bỏ ra 1.500 tỷ Won (tương đương 1,2 tỷ USD). Việc Tổng thống Mỹ Donadl Trump “đòi tiền” cho triển khai hệ thống THAAD đã gây lo ngại cho phía Hàn Quốc.
Điều đáng chú ý là, vấn đề kinh phí triển khai THAAD nếu không được hai bên giải quyết thỏa đáng, không loại trừ khả năng ông Donald Trump rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố các nước đồng minh như Hàn Quốc cần chi trả nhiều kinh phí quốc phòng hơn.

Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở sân golf Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: News.6park.com
Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở sân golf Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: News.6park.com

Hàn Quốc: Mỹ chi trả toàn bộ
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết căn cứ vào các quy định của Hiệp định địa vị quân Mỹ tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc cung cấp đất và hạ tầng cơ sở, còn chi phí triển khai, vận hành và bảo trì hệ thống THAAD do Mỹ bỏ ra, lập trường cơ bản này không thay đổi. Do đó, lập trường của Hàn Quốc và Mỹ xuất hiện trạng thái xung đột trực tiếp.
Trong khi đó, ngày 28/4, trước khi tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng vấn đề hạt nhân Triều Tiên ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se đã có cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Khi đó, ông Yun Byung-se cũng đã trình bày rõ lập trường của Hàn Quốc với phía Mỹ về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Hàn Quốc chi 1 tỷ USD cho triển khai THAAD.
Sau khi lắng nghe lập trường của phía Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết ông sẽ báo cáo vấn đề này lên cơ quan có liên quan của Mỹ. Ông cho biết Mỹ sẽ nói rõ việc này theo một hình thức thích hợp.
Vấn đề ai chi trả kinh phí triển khai THAAD và khả năng gây hại của sóng radar trong hệ thống THAAD là vấn đề gây tranh cãi nhất của việc triển khai THAAD.
Để khống chế dư luận phản đối THAAD, trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc luôn tích cực nhấn mạnh chi phí cho THAAD là do phía Mỹ bỏ ra toàn bộ. Nhưng, hiện nay, sau khi quân đội Mỹ tại Hàn Quốc biến việc triển khai THAAD thành sự thực đã rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại “đòi tiền”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bắt đầu lo ngại.

Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở sân golf Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: News.6park.com
Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở sân golf Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: News.6park.com

Biểu tình ở Hàn Quốc
Hãng Yonhap Hàn Quốc cho rằng sau khi Hàn Quốc xuất hiện tình hình bị “đánh sau gáy”, khả năng dư luận phản đối THAAD bùng nổ là rất lớn. Có người lo ngại cho rằng lập trường phản đối THAAD ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục lan rộng do tranh cãi về vấn đề kinh phí triển khai THAAD.
Trên thực tế, ngày 29/4, tại thủ đô Seoul Hàn Quốc đã diễn ra một cuộc biểu tình phản đối THAAD. Người dân tại khu vực triển khai THAAD cho rằng, việc triển khai THAAD đã “vi phạm pháp luật”, phải “lập tức chấm dứt” – trang tin của Đài CCTV Trung Quốc cho biết.
Ngoài ra, ngày 27/4, có 2 nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc không thuộc đảng phái nào đã đến cơ quan kiểm sát trung tâm Seoul để gửi đơn kiện về vấn đề THAAD. Họ cho rằng 4 người trong đó có quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang kyo-ahn đã lạm dụng chức quyền, thiếu trách nhiệm trong công việc.
Theo tờ Kookmin Ilbo Hàn Quốc, hiện nay, đã có nhiều vụ kiện liên quan đến triển khai THAAD đang được xem xét xử lý.

Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở sân golf Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: News.6park.com
Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở sân golf Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: News.6park.com