Ngày 1/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2023.
Nghị định 71 có 8 điểm nổi bật nhằm sửa đổi những bất cập của Nghị định 06/2016, trong đó có 1 điểm mà các nhà cung cấp dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông giải trí qua Internet) trong nước rất mong chờ, đó là xóa bỏ việc “bảo hộ ngược” doanh nghiệp OTT nước ngoài. Trước đây, các doanh nghiệp OTT không phải chịu bất cứ một sự quản lý, một điều khoản pháp lý ràng buộc nào. Với sự ra đời của Nghị định 71, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ phải chấp hành mọi điều khoản tương tự như doanh nghiệp nội.
Hiện Việt Nam có tổng cộng 19 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, trong đó thuê bao OTT là 3,9 triệu. So với năm ra đời Nghị định 06/2016 thì số thuê bao trả tiền đã tăng 29,7%. Doanh thu truyền hình trả tiền tại Việt Nam năm 2021 là 9.200 tỉ đồng, trong đó doanh thu OTT là 709 tỉ đồng.
Nghị định 71 ra đời giúp “cởi trói” cho các doanh nghiệp OTT nội địa, thúc đẩy thị trường OTT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc công ty cổ phần VieON – một trong những OTT hàng đầu Việt Nam vào thời điểm hiện tại xung quanh việc ban hành Nghị định 71.
Video ông Huỳnh Long Thủy chia sẻ về tác động của Nghị định 71 đối với doanh nghiệp OTT nội địa |
PV: Vừa qua chính phủ đã ban hành Nghị định số 71 về quản lý nền tảng thông tin xuyên biên giới. Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT, ông nhận định thế nào về Nghị định này của chính phủ?
Ông Huỳnh Long Thủy: Chúng tôi rất vui mừng khi chính phủ ban hành Nghị định 71 để quản lý ứng dụng OTT xuyên biên giới. Trước đây, các doanh nghiệp OTT nội đã chịu sự bất công bằng so với doanh nghiệp OTT nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp nội chịu sự ràng buộc của rất nhiều quy định pháp luật thì doanh nghiệp nước ngoài lại hoạt động tại Việt Nam mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào.
Doanh nghiệp OTT nước ngoài thản nhiên vi phạm hàng loạt quy định, chẳng hạn như họ không nộp thuế, rồi đưa lên nền tảng những nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam…
Với Nghị định 71 vừa ban hành, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn việc quản lý, mang lại sự công bằng giữa doanh nghiệp OTT trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
PV: Bên cạnh việc tạo ra sự công bằng thì ông thấy Nghị định 71 có tạo thêm động lực gì cho doanh nghiệp trong nước không?
Ông Huỳnh Long Thủy: Khi có sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài thì các nội dung đưa lên nền tảng sẽ chịu sự ràng buộc giống nhau. Trước đây khi chưa chịu sự ràng buộc, OTT ngoại đưa lên những nội dung 18+, nội dung phản cảm, gây tò mò để thu hút thuê bao. Giờ đây khi doanh nghiệp OTT ngoại phải tuân thủ các chính sách về nội dung thì doanh nghiệp OTT nội sẽ có điều kiện phát triển hơn.
PV: Các nền tảng OTT ngoại thường lấy lý do là khó tìm được đại diện, khó mở được văn phòng tại Việt Nam. Đứng ở góc độ một doanh nghiệp OTT, ông nhận thấy việc mở một văn phòng đại diện, chịu sự quản lý của nhà nước Việt Nam có phải là việc khó khăn hay không?
Ông Huỳnh Long Thủy: Là một doanh nghiệp tư nhân đang phát triển dịch vụ OTT ở Việt Nam, tôi thấy nhà nước có những chính sách rất cởi mở và dễ dàng cho việc đăng ký hoạt động, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, số hóa nội dung.
Với chính sách hiện nay thì tôi thấy doanh nghiệp OTT nước ngoài cũng không khó khăn gì để xin giấy phép hoạt động cũng như thiết lập văn phòng tại Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!