Fox News hôm qua dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều động một hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại cùng một hệ thống radar đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một quan chức Mỹ lên tiếng xác thực độ chính xác của các bức ảnh. Tướng David Lo, người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho hay một số nguồn cấp điện cho tên lửa cũng được thiết lập trên đảo.
Theo bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa vũ khí tới Hoàng Sa. Nhưng việc điều động tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm là "bước phát triển đáng chú ý".
Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Hà Nội, Bắc Kinh liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây.
"Nếu chúng thực sự được triển khai thì đây dường như là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm phản ứng lại các hoạt động tự do hàng hải", bà Rapp-Hooper nói.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay tên lửa Trung Quốc đưa tới đảo Phú Lâm là hệ thống phòng không HQ-9, tầm bắn 200 km. Khi đi vào hoạt động, nó sẽ tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
HQ-9 sở hữu nhiều đặc điểm tương tự hệ thống phòng không hiện đại S-300 của Nga. Nó cũng có thể tích hợp vào một mạng lưới phòng không lớn hơn, đồng thời sử dụng các cảm biến chủ động và bị động để xác định mục tiêu.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: ausairpower.net |
Theo bình luận viên Daniel Hurst từ Guardian, việc tên lửa và radar Trung Quốc xuất hiện ở Hoàng Sa sẽ một lần nữa thổi bùng lên căng thẳng vốn đã dâng cao trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong cuộc gặp với đại diện 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kêu gọi các bên liên quan giảm căng thẳng, dừng cải tạo đất, ngừng quân sự hóa khu vực có tranh chấp và giải quyết bất đồng bằng phương pháp hòa bình.
Việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm cũng buộc thế giới phải đặt ra những mối hoài nghi về tuyên bố không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh nhiều lần đưa ra trước đây, ông Felix Chang, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, nhận định.
Vị trí đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồ họa: Guardian |
Quan sát viên Tyler Rogoway từ trang tin Foxtrot Alpha đánh giá vụ việc lần này chỉ là khởi đầu cho những động thái quân sự hóa dồn dập hơn trong tương lai của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đang ngày đêm bồi đắp phi pháp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo. Nước này cũng đã hoàn tất việc xây dựng trái phép một đường băng trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Rogoway, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ điều những vũ khí tương tự hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm đến các thực thể này trong vài tháng hoặc vài năm tới.
Hiện tại, vũ khí phù hợp nhất mà Trung Quốc có thể chuyển đến các đảo nhân tạo chính là những hệ thống tên lửa, ví dụ như tên lửa đất đối không hay tên lửa chống hạm, bởi các hệ thống này dễ lắp đặt và không yêu cầu những trang thiết bị quá tinh vi, cầu kỳ đi kèm, Rogoway nhận xét.
"Điều chắc chắn là chúng ta còn rất ít thời gian để ngăn chặn Trung Quốc thôn tính Biển Đông", ông Rogoway nhấn mạnh. "Một khi nước này hoàn thành quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo thì hy vọng quay ngược đồng hồ để làm lại là rất ít ỏi".
Theo VnE