Loại tên lửa Klub đã chứng tỏ khả năng tấn công từ xa với mục tiêu trên đất liền qua các màn trình diễn của tàu tên lửa ở biển Caspi và tàu ngầm Kilo bắn vào quân IS ở Syria. Tên lửa diệt hạm Onyx (tầm bắn 300 km) với phiên bản xuất khẩu Yakhont được một số nước đang sử dụng như Việt Nam (trong hệ thống tên lửa bờ biển Bastion), Ấn Độ, Trung Quốc.
Riêng hệ thống tên lửa diệt hạm có tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh Zircon-S thì chưa ai thấy hình dáng như thế nào. Phía Nga chỉ nói loại tên lửa này đang thử nghiệm và sẽ lắp trên tuần dương hạm Peter Đại đế. Các tên lửa này sẽ thay thế loại tên lửa diệt hạm Granit đang có trên tàu chiến này.
Đài truyền hình quân đội Nga cho biết theo kế hoạch tàu Peter Đại đế sẽ trang bị 10 giàn phóng thẳng đứng loại 3C-14, có thể phóng được cả 3 loại tên lửa Onyx, Klub và Zircon.
Một số thông tin ít ỏi cho biết Zircon là loại tên lửa diệt hạm bội siêu thanh, có tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh (hơn 6.000 km/giờ), tầm bắn 400 km, được tập đoàn quốc phòng NPO phát triển từ năm 2011.
Mùa hè 2015 có tin hệ thống Zircon-S đã sẵn sàng để thử nghiệm, và nay Zircon được cho là đã hoàn tất thử nghiệm. Loại tên lửa này được cho sẽ vượt qua mọi hệ thống phòng thủ của đối phương do tốc độ quá lớn của nó và thậm chí chống được cả gây nhiễu điện tử.
Một phiên bản xuất khẩu của Zircon là BrahMos II (Ấn Độ và Nga hợp tác) được giới thiệu, và có lẽ phải sau năm 2020 mới có thể đi vào sản xuất. BrahMos là tên lửa diệt hạm siêu thanh do Nga - Ấn hợp tác chế tạo trên cơ sở tên lửa Onyx, có thể phóng từ tàu chiến, tàu ngầm và máy bay, tốc độ gấp 2,8 lần âm thanh (3.400 km/giờ). Loại tên lửa hành trình bay nhanh nhất thế giới này có thể bay cao tới 15 km hoặc bay sát mặt biển 10 m, mang đầu đạn thông thường từ 200 - 300 kg.
Dự kiến mùa hè 2016 Ấn Độ sẽ thử nghiệm phóng BrahMos từ tiêm kích Su-30MKI. Việt Nam được cho là quan tâm đến loại tên lửa diệt hạm siêu thanh này.
Tuần dương hạm hạt nhân Peter Đại đế của Nga, soái hạm Hạm đội Phương Bắc - Ảnh: Hải quân Nga |
Tàu Peter Đại đế thuộc lớp tàu 1144 Orlan (còn gọi là lớp Kirov, tàu tuần dương chạy động cơ hạt nhân) đóng năm 1986, hạ thủy năm 1989 ở xưởng đóng tàu tại Baltic. Ban đầu tàu mang tên Kuibyshev, rồi Yuri Andropov và đến năm 1992 mang tên Peter Đại đế. Năm 1998 tàu hoàn tất, gia nhập Hải quân Nga.
Tàu dài 262 m, ngang rộng nhất 28,5 m, lượng choán nước 25.860 tấn (bằng 1 tàu sân bay cỡ nhỏ). Tàu có 2 động cơ hạt nhân, công suất 140.000sức ngựa (103 MW). Trên tàu có 635 người gồm 235 sĩ quan, 400 thủy thủ.
Tàu Peter Đại đế được thiết kế để chiến đấu với nhóm tàu sân bay đối phương, nên mang theo kho vũ khí cực kỳ hùng hậu với 20 dàn phóng tên lửa diệt hạm P-700 Granit, tên lửa phòng không S-300FM (48 ống phóng thẳng đứng), 6 dàn pháo - tên lửa phòng không tầm gần Dirk hoặc Dagger (16 nòng), 10 ống phóng ngư lôi loại 533 mm (20 quả), 1 pháo hạm AK-130, 2 dàn phóng bom chống ngầm, và 3 trực thăng Ka-27.
Nga còn 1 tàu tuần dương hạt nhân như vậy là chiếc Đô đốc Nakhimov đang sửa chữa ở xưởng Sevmash, St.Petersburg từ cuối năm 2014.
Theo Thanh Niên