Bằng một cơ duyên nào đó, người viết đã mua cuốn sách “Quản lý hiệu quả tài sản công” được viết bởi hai tác giả là các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế là Dag Detter và Stefan Folster. Cuốn sách đã đưa ra nhiều dẫn chứng và lập luận về những ý tưởng quản lý tài sản công sao cho phát huy được hiệu quả, tối đa hóa giá trị tiềm năng của khối tài sản khổng lồ mà thậm chí chính phủ tại các nước cũng chưa thể đo đếm hết được.
Một trong những hình mẫu tiên phong về cách thức quản lý hiệu quả tài sản công được nhắc tới nhiều trong cuốn sách là cái tên Temasek Holdings (Temasek) của Singapore.
Trước khi giành độc lập năm 1965, đất nước Singapore cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, từng là thuộc địa của Anh, sau đó sáp nhập vào Malyasia, rồi mới được tách riêng thành nước Cộng hòa Singapore.
Giữa bối cảnh rối ren của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và khu vực, Chính phủ Singapore đã chủ động trong việc thành lập các doanh nghiệp quốc doanh như là một phần của kế hoạch công nghiệp hóa nhằm vực dậy nền kinh tế quốc gia.
Các lĩnh vực trọng yếu được các doanh nghiệp quốc doanh hướng tới là: chế tạo, tài chính, thương mại, vận tải, đóng tàu và dịch vụ.
Những công ty đầu tiên được biết tới là các xưởng đóng tàu Keppel, Sembawang và Jurong (khuyến khích Singapore phát triển thành một trung tâm đóng tàu và sửa chữa lớn).
Hãng tàu Neptune Orient Lines cũng được thành lập, đây là công ty vận chuyển đường biển nhằm tận dụng vị trí chiến lược của quốc đảo, nằm trên một trong những con đường nhiều tàu bè nhất thế giới, nối giữa Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và Đông Á.
Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng thành lập hai công ty chủ quản (holdings company) nữa là MND Holdings và Sheng-Li Holdings (nay là Singapore Technologies - đảm nhiệm các công ty cổ phần liên quan đến lĩnh vực quốc phòng) nhưng sau đó cả hai công ty này đều được hợp nhất vào Temasek.
Nếu như chỉ dừng lại ở việc thành lập các doanh nghiệp quốc doanh nắm giữ các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia như phổ biến tại thời kỳ đó, có lẽ, chúng ta đã không được chứng kiến sự thành công vượt bậc của Singapore như ngày hôm nay.
Năm 1972, ông Ngô Khánh Thụy (Goh Keng Swee), Phó Thủ tướng lúc bấy giờ, được coi là người sáng lập Temasek và thường được gọi là “kiến trúc sư kinh tế” của Singapore, đã viết trong một luận văn về phát triển kinh tế rằng: Nhiều nước thuộc thế giới thứ ba hay cho rằng các chính trị gia và công chức có thể thực hiện song toàn chức năng của một doanh nhân. Nhưng thực tế, lại có quá nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Và rồi sau đó 2 năm (1974), Temasek Holdings (Temasek), một công ty theo mô hình công ty chủ quản đã được chính thức thành lập tại Singapore để quản lý sở hữu nhà nước trong những ngành chiến lược, mà trước đó được đặt dưới quyền Bộ Tài chính của nước này.
Temasek được thành lập và thiết kế để tách chức năng điều tiết và lập pháp của Chính phủ khỏi vai trò của một cổ đông của các “thực thể mang tính thương mại”, ở đây chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, Temasek sẽ không tham gia vào các hoạt động đầu tư của các công ty mà sẽ thực hiện vai trò hỗ trợ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị và đào tạo đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao.
Thống kê một số chỉ tiêu kết quả hoạt động của Temasek tới năm 2018 (Nguồn: Temasek Reivew 2018)
|
Kể từ khi ra đời, Temasek đã nhanh chóng cho thấy được hiệu quả hoạt động và các cơ hội đầu tư tại Singapore nhanh chóng trở nên “chật hẹp” so với nhu cầu phát triển của công ty này.
Temasek vẫn còn gây nhiều tranh cãi
Sự thành công là không thể bàn cãi nếu xét đến tốc độ tăng trưởng quy mô danh mục đầu tư và các khoản cổ tức thu về tới hàng tỷ USD mỗi năm. Nhưng Temasek vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Một trong những vấn đề đó là mối liên hệ giữa công ty này và các chính trị gia.
Năm 2002, Đệ nhất phu nhân Singapore, bà Ho Ching đã gia nhập Temasek với vị trí giám đốc. Sau đó, bà đã được giao đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành (CEO) của quỹ vào tháng 1/2004.
Temasek đã tiến hành những cuộc “thử nghiệm” đột phá, gây ra nhiều sự chú ý của dư luận mà điển hình là cuộc bổ nhiệm CEO ngoại quốc diễn ra vào năm 2009, dù chưa thực sự đem lại kết quả rõ rệt.
Cụ thể, ngày 6/2/2009, ông Charles “Chip” Goodyear, cựu CEO của BHP Billiton, công ty khai khoáng lớn nhất hành tinh, đã trở thành CEO (được chỉ định) ngoại quốc đầu tiên của Temasek.
Vụ bổ nhiệm ngay lập tức được chào đón như là bước đi khác thường tại công ty đầu tư lớn và nổi tiếng nhất Châu Á vì Temasek do Nhà nước Singapore nắm 100% vốn sở hữu, còn Goodyear thì không phải là người Singapore và cũng không phải là chính trị gia, ông chỉ đơn giản là một giám đốc kinh doanh nổi tiếng người Mỹ, đến từ Lousiana.
Mục đích của thuê người ngoài quản lý các tài sản thương mại là để giúp Chính phủ có thời gian chú tâm hơn vào những vấn đề kinh tế bao trùm, trong khi vẫn khuyến khích một công ty chủ quản độc lập và có kỷ luật thương mại với mục tiêu là lợi nhuận bền vững và lâu dài.
Được biết, Goodyear đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hóa, làm người ta suy đoán rằng việc bổ nhiệm ông là nhằm giúp Temasek xâm nhập các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và năng lượng ngay khi nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng đã mở ra những cơ hội mới lúc bấy giờ.
Mặc dù tới tháng 7/2009, việc bổ nhiệm này đã bị bãi bỏ nhưng ông Goodyear cũng đã kịp để lại một số dấu ấn với việc đáp trả quan niệm quốc tế coi Temasek như là một quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund – SWF).
“Đừng nhầm lẫn Temasek với các quỹ đầu tư quốc gia. Những quỹ này sử dụng các khoản dự trữ bằng tiền mặt. Ví dụ, chúng tôi có GIC (Tập đoàn Đầu tư của Chính phủ Singapore), được thành lập để đầu tư tiền tiết kiệm của quốc gia. Với tư cách là một công ty đầu tư, chúng tôi không giữ tiền tiết kiệm. Chúng tôi được thành lập để quản lý danh mục đầu tư, đầu tư các quỹ của cổ đông và gây quỹ để phát triển danh mục đầu tư” – ông Goodyear bình luận.
Dù vẫn gây ra nhiều tranh cãi, Temasek đã thành công trong việc hợp nhất tất cả các tài sản thương mại do Chính phủ Singapore sở hữu, nếu không kể các công ty cổ phần bất động sản lớn, biến công ty trở thành quỹ của cải quốc gia (national wealth fund – NWF) có trọng tâm duy nhất khi so sánh với các nước châu Á khác, những nước có xu hướng thành lập nhiều NWF, ví dụ là Malaysia và Adu Dhabi./.