Telio giải thể, VNG "mất trắng" khoản đầu tư 500 tỷ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thua lỗ, Telio đã phải giải thể do không thể huy động thêm vốn hoặc tìm được bên mua lại.

Telio từng huy động hơn 50 triệu USD

Theo Tech in Asia, nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong đã xác nhận với họ rằng startup thương mại điện tử B2B Telio đã chính thức ngừng hoạt động vào cuối năm 2024. Nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do Telio không thể huy động thêm vốn hoặc tìm được đối tác mua lại.

Ông Bùi Sỹ Phong cho biết, Telio đã chấm dứt hoạt động tại Việt Nam từ cuối tháng 11/2024 và hoàn tất quá trình giải thể pháp nhân vào tháng 12 cùng năm.

Hồi tháng 8/2024, vị nhà sáng lập này từng chia sẻ rằng công ty đã giảm lỗ hàng tháng xuống còn 280.000 USD, tức giảm 80% so với mức lỗ cao nhất từng ghi nhận là 1,4 triệu USD.

Ban đầu, Telio đặt mục tiêu đạt lợi nhuận EBITDA vào giữa năm 2026, với kế hoạch huy động từ 10 - 15 triệu USD vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, cả dòng vốn lẫn các thương vụ M&A mà công ty kỳ vọng đều không thành công.

VNG1.JPG
VNG là một trong những nhà đầu tư lớn của Telio. Ảnh: VNG.

Ra đời năm 2019, Telio tập trung kết nối các cửa hàng bán lẻ nhỏ, đặc biệt là tiệm tạp hoá, với các thương hiệu và nhà bán buôn. Đây là một trong những startup tiên phong tại Việt Nam trong việc số hóa mô hình kinh doanh của nhóm cửa hàng này, tương tự như warung tại Indonesia hay sari-sari store ở Philippines. Trong một giai đoạn, Telio từng được đánh giá là đối thủ trực diện của Vinshop.

Trải qua năm vòng gọi vốn, Telio đã thu hút khoảng 52,5 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG.

Từ giữa năm 2022, công ty đã bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm chi phí, tập trung vào việc tối ưu hoá cũng như đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đồng thời tránh những mặt hàng có biên lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, những động thái này diễn ra quá muộn, bởi trong hai năm đầu tiên, Telio đã mở rộng quá nhanh.

Theo ông Bùi Sỹ Phong, quy mô của công ty không cho phép theo đuổi chiến lược biên lợi nhuận cao nhưng khối lượng bán thấp.

Tại thời điểm đóng cửa, doanh thu hàng tháng của Telio dao động trong khoảng 2,5 - 3 triệu USD. Dù vậy, do nguồn tiền đã cạn kiệt, công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dừng hoạt động.

VNG "mất trắng" khoản đầu tư 500 tỷ?

Báo cáo tài chính cho thấy VNG đã rót tới 500 tỷ đồng vào Telio. Tuy nhiên, trước tình trạng thua lỗ kéo dài của startup này, giá trị khoản đầu tư của VNG đến giữa năm 2024 chỉ còn hơn 200 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2024, cùng thời điểm Telio tuyên bố phá sản, toàn bộ khoản đầu tư 500 tỷ đồng của VNG cũng không còn xuất hiện trong báo cáo tài chính.

Không chỉ Telio, VNG cũng gặp nhiều thách thức với các khoản đầu tư khác. Theo báo cáo tài chính mới nhất, công ty đã mất hơn 500 tỷ đồng khi đầu tư vào Tiki Global, 33 tỷ đồng vào Rocketeer, 143 tỷ đồng vào Ecotruck và 35 tỷ đồng vào Beijing Youtu.

VNG2.JPG
VNG lỗ 3 năm liên tiếp trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: VNG.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2024, Công ty Cổ phần VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.613 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 982 tỷ đồng, tăng hơn 30%.

Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng tổn thất từ các khoản đầu tư vào công ty liên kết cũng như tổn thất tài sản, VNG báo lỗ sau thuế hơn 421 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2024, doanh thu của công ty đạt 9.505 tỷ đồng, trong đó, mảng trò chơi trực tuyến – do VNGGames đảm nhiệm, tiếp tục đóng vai trò chủ lực với gần 6.440 tỷ đồng.

Ngoài ra, hai mảng khác có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng gồm: dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet (1.836 tỷ đồng) và quảng cáo trực tuyến (934 tỷ đồng).

Trong năm, VNG đã trích lập hơn 314,5 tỷ đồng suy giảm giá trị trò chơi trực tuyến. Kết quả là mức lỗ của công ty giảm từ 2.317 tỷ đồng năm trước xuống còn 1.018 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp VNG ghi nhận lỗ sau thuế trên 1.000 tỷ đồng.