Theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn như ACC định kỳ phải thực hiện công bố thông tin về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh nhằm đảm bảo công bằng và gia tăng sự giám sát hiệu quả hoạt động.
Tuy vậy, khó có thể cập nhập thông tin về tình hình hoạt động của ACC ngay kể cả khi truy cập cổng thông tin doanh nghiệp Bộ Kế hoạch & Đầu tư (theo quy định Nghị định số 81/2015/NĐ-CP) hay website chính thức của ACC.
Báo cáo tài chính quý II/2018 là thông tin hiếm hoi của ACC mà VietTimes có thể tiếp cận được.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần từ bán hàng và dịch vụ đạt 670,2 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, doanh thu từ hợp đồng xây dựng luôn chiếm tỷ trọng trên 85%, 16% từ bán hàng hóa, còn lại từ cung cấp dịch vụ. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế lại ghi nhận tăng trưởng 24% từ 10 tỷ đồng lên 12,4 tỷ đồng.
Tính đến cuối 31/6/2018, tổng tài sản của ACC đạt 1.795 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất luôn là khoản phải trả người bán ngắn hạn 35%, tương đương 631 tỷ đồng. Tuy vậy, báo cáo tài chính lại không nêu rõ những đối tác đã tạm ứng tiền trước cho ACC.
Không khó để nhận ra Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) là một trong các đối tác lớn của ACC. Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2018, ACV tạm ứng trước cho ACC 287 tỷ đồng, con số này đầu năm 2017 là 209 tỷ đồng.
“Ông trùm” các gói thầu tại ACV
ACC trong cả vai trò độc lập và liên doanh, là nhà thầu thi công nhiều dự án bậc nhất của ACV.
Theo khảo sát của VietTimes, ACC trong vai trò độc lập đã trúng ít nhất 18 gói thầu với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng của ACV trong giai đoạn từ 2017 đến nay.
Mới đây nhất vào ngày 25/3/2019, ACV đã có quyết định lựa chọn ACC thực hiện gói thầu số 7 thi công xây dựng công trình dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ số 4 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Giá trúng thầu là 199,6 tỷ đồng, giảm giá 0,9% so với giá gói thầu.
Còn vào đầu năm 2018, ACC cũng được công khai trúng gói thầu xây lắp số 4, thuộc Dự án xây lắp Dự án điều chỉnh khu làm việc văn phòng kết hợp bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ hàng không - giai đoạn 2. Giá trúng thầu là 320 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 4,7%.
Ngoài ra, ACC cũng được lựa chọn là nhà thầu cho Gói thầu số 3 thi công xây dựng công trình dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc và xây dựng mới đường lăn E7 Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Với giá trúng 163,6 tỷ đồng, thấp hơn 600 triệu đồng so với giá gói thầu.
Còn trong vai trò liên doanh, từ 2017 đến nay, một trong những gói thầu lớn có sự góp mặt của ACC là gói thầu xây lắp hoàn thiện đoạn từ Km4+787,24 đến Km9+726,86 với giá trúng lên đến 1.727 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 13%. Đây là gói thầu thuộc Dự án đường 991B từ QL51 đến hạ lưu Cảng Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Quyết định lựa chọn nhà thầu được phê duyệt vào tháng 5/2018.
Đồng hành cùng ACC tại gói thầu này còn có 2 nhà thầu lớn khác là CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung. Và để được lựa chọn cho gói thầu, liên doanh này cũng phải vượt qua một đối thủ có tiếng khác trong ngành xây dựng là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1) – Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.
Một số gói thầu lớn khác của ACC có thể kể đến là Gói thầu số 6: thi công xây dựng công trình và thiết kế bản vẽ thi công, thuộc Dự án mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79ha đất quân sự bàn giao tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sân Nhất. Giá trúng là 983,8 tỷ đồng/993,7 tỷ đồng giá gói thầu. Đồng hành với ACC còn có CTCP Tập đoàn Cienco 4 và Công ty CP XDCT hàng không 647.
Hay tại gói thầu thi công xây dựng công trình và thiết kế bản vẽ thi công dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc đường lăn song song đoạn từ NS đến E6 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sân Nhất. Liên doanh ACC – Cienco 4 cũng là nhà thầu được lựa chọn với giá trúng 609, giảm giá 0,1% so với giá gói thầu.
Từ giai đoạn từ 2016 trở về trước, ACC cũng bắt tay với nhiều đối tác khác để tham gia các gói thầu có quy mô lớn của ACV, đặc biệt là đối tác Cienco 4. Khi 2 doanh nghiệp này đã từng trúng thầu rồi sau đó chuyển nhượng một phần dự án cho nhà thầu khác.
Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku được giao cho Liên danh Cienco 4 và ACC trúng thầu gói thầu số 6 với giá trị hợp đồng là 606,429 tỷ đồng.
Sau đó, Cienco 4 và ACC đã chuyển nhượng một phần khối lượng công việc với giá trị 120 tỷ đồng (chiếm 19,8% giá trị hợp đồng) cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P để thi công nhưng không có văn bản chấp thuận của Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)./.