Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực tranh chấp, một đô đốc Mỹ đã thẳng thừng tuyên bố hôm 3/3 vừa qua, giữa lúc những câu hỏi đang được đặt ra về việc liệu Mỹ có thay đổi sự can thiệp vào một trong những điểm nóng tiềm tàng nhất châu Á.
“Chúng tôi vẫn sẽ có mặt ở đây,” đô đốc James Kilby khẳng định trên tàu sân bay Carl Vinson khi tàu này đi qua vùng biển yên bình với các máy bay chiến đấu F18 cất cánh trên các bệ phóng và bay vút lên từ hàng không mẫu hạm này.
Đô đốc Kilby nói: “Chúng tôi đã hoạt động ở đây trong quá khứ, và chúng tôi vẫn sẽ hoạt động ở đây trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục trấn an các đồng minh của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục chứng minh rằng vùng biển quốc tế là vùng biển mà mọi người đều có thể đi lại, thực hiện các hoạt động giao thương và đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới tất cả mọi người.”
Ông Kilby đưa ra thông điệp này sau khi Trung Quốc thực hiện những động thái lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa trên các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng phi pháp ở Biển Đông, vào thời điểm ở nước Mỹ đang diễn ra sự chuyển giao quyền lực với lễ nhậm chức của vị tân tổng thống Donald Trump, người đã đặt ra câu hỏi về vai trò của Mỹ ở châu Á.
Quân đội Mỹ đã đưa một nhóm nhà báo lên tàu sân bay USS Carl Vinson trong một cuộc tuần tra thông thường trên Biển Đông, một trong những điểm nóng an ninh trên thế giới. Đây là nhiệm vụ mà hải quân Mỹ đã thực hiện trong nhiều thập kỷ.
Một nhà chức trách Mỹ cho biết hoạt động triển khai đội tấn công tàu sân bay Carl Vinson trên Biển Đông diễn ra một tháng sau khi ông Trump nhậm chức đã báo hiệu Mỹ có ý định hiện diện quân sự chủ động hơn trong khu vực.
Kết hợp với tàu khu trục tên lửa dẫn đường và máy bay, tàu sân bay Carl Vinson bắt đầu thực hiện các hoạt động thông thường trên Biển Đông kể từ 18/2. Lần cuối cùng tàu Carl Vinson triển khai ở Tây Thái Bình Dương là vào năm 2015, khi thực hiện diễn tập với hải quân và không quân Malaysia, theo thông tin từ phía Lầu Năm Góc.
Quan chức Mỹ từ chối bình luận về việc có phải đội tàu sân bay có thực hiện hoạt động tự do hàng hải, quyền mà Mỹ đã từng khẳng định hay không. Ông yêu cầu giấu danh tính vì ông không được phép phát biểu trước báo giới về chính sách của chính quyền.
Dưới thời ông Obama, hải quân Mỹ đã tiến sát đến các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông, kích động Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo và phản đối.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã gây tranh cãi khi phát biểu về hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và ông Tillerson còn đề nghị cấm Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo bồi lấp trái phép này.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó James Mattis cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thay vì các hoạt động quân sự.
Các quan chức hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay Carl Vinson đang tuần tra trên vùng biển giữa hòn đảo cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam đến bãi cạn Scarborough phía tây bắc Philippine. Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này năm 2012, sau một vụ căng thẳng với các tàu của chính phủ Philippine, nhưng hải quân Mỹ cho biết đã không có sự cố nào xảy ra trong hai tuần thực hiện tuần tra trong vùng biển nhộn nhịp này.
“Tôi sẽ nói rằng tất cả các bên mà Mỹ từng đối phó cho đến nay đều hành động một cách chuyên nghiệp vì chúng tôi hi vọng họ sẽ hành động theo luật pháp, chuẩn mực, quy tắc và thông lệ quốc tế”, đô đốc Kilby tuyên bố.