Theo đó, ngày 28/12/2012, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004 - 2011.
Bên cạnh việc ghi nhận các cố gắng của UBND tỉnh Bình Định trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, TTCP cũng chỉ ra sai phạm của một số doanh nghiệp trên địa bàn và kiến nghị các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi các khoản tiền vi phạm này.
Trong đó, CTCP Khoáng sản và năng lượng An Phú (Tập đoàn An Phú) là 1 trong 2 doanh nghiệp được TTCP đề nghị các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản.
Đáng chú ý, Tập đoàn An Phú (khi ấy vẫn mang tên CTCP Khoáng sản và năng lượng An Phú) cũng là doanh nghiệp có vi phạm và nợ đọng tiền sử dụng đất đứng đầu trong số các doanh nghiệp mà TTCP đề nghị xử lý, thu hồi với số tiền có giá trị lên tới 112,6 tỷ đồng.
Như VietTimes đã đưa tin trước đó, CTCP Khoáng sản và Năng lượng An Phú (Khoáng sản và Năng lượng An Phú) được thành lập vào ngày 3/4/2009. Tham gia góp vốn thành lập ban đầu là 3 cổ đông cá nhân, đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tới tháng 7/2012, các cổ đông này đã được thay thế bằng ông Trần Duy Tùng và Trần Hoài Đức. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Anh Quang.
Được biết, ông Trần Duy Tùng là con trai của ông Trần Bắc Hà, còn ông Trần Anh Quang, Trần Hoài Đức cũng là người có quan hệ họ hàng với nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID).
Sau 11 lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, Khoáng sản và Năng lượng An Phú đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn An Phú (Tập đoàn An Phú), quy mô vốn điều lệ được nâng lên mức 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Trần Duy Tùng đã thay thế ông Trần Anh Quang, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Một số dự án của Tập đoàn An Phú ở Bình Định
Dưới “triều đại” của ông Trần Bắc Hà, Tập đoàn An Phú đã “đồng hành” cùng BIDV mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tham gia các dự án tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Bình Định.
Nhìn lại những cuộc “đồng hành” giữa Tập đoàn An Phú với BIDV trong “triều đại” Trần Bắc Hà |
Các công trình này được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam - Bắc, có tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng do BIDV tài trợ vốn, Tập đoàn An Phú (lúc này có tên là Khoáng sản và Năng lượng An Phú) làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công ngày 26/11/2011 và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào Quý 3 năm 2012. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là hạng mục công trình Đàn tế trời đất.
Tuy nhiên, phải tới cuối tháng 12/2013, công trình Đàn tế trời đất mới được các cơ quan quản lý tỉnh Bình Định tiến hành nghiệm thu, đưa vào sử dụng sau khi nhận được công văn đề nghị của chủ đầu tư là Tập đoàn An Phú.
Chưa rõ thời gian cụ thể công trình này được nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhưng việc thi công giai đoạn 2 của công trình Đàn tế trời đất (bắt đầu kể từ cuối năm 2015) đã được giao cho Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc. Chủ đầu tư giai đoạn 1 là Tập đoàn An Phú sau đó cũng ít được nhắc tới.
Quang cảnh Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn trên đỉnh núi Ấn Sơn tại thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: tayson.binhdinh.gov.vn)
|
Khả năng trong thời gian này, Tập đoàn An Phú còn đang mải tập trung vào một dự án tâm linh khác với quy mô lớn hơn nhiều. Đó là Dự án Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh tại Khu vực chùa Linh Phong (Khu tâm linh chùa Linh Phong) mà Tập đoàn An Phú nắm giữ vai trò chủ đầu tư.
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn An Phú tham gia liên danh với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (Thiên Hưng) - cũng là một pháp nhân có liên quan tới gia đình ông Trần Bắc Hà - để thực hiện dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng.
Lịch sử khu đất K200, nơi dự án 2.900 tỷ vừa bị thu hồi của con ông Trần Bắc Hà |
Trước đó gần 9 năm, vào năm 2008, BIDV cũng đã có văn bản đề nghị được đầu tư các khu du lịch sinh thái, khu đô thị mới tại khu đất K200.
Sự “đồng hành” của Tập đoàn An Phú và BIDV tại tỉnh Bình Định còn được thể hiện tại dự án Khu đô thị - Thương mại An Phú.
Dự án Khu đô thị - Thương mại An Phú (Nguồn: Hoàng Trọng/Thanh Niên)
|
Cụ thể, ngày 15/6/2016, dự án này đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận đầu tư cho Tập đoàn An Phú với tổng diện tích quy hoạch là 36.568,8 m2, tại phường Quang Trung.
Tổng mức đầu tư (khái toán) của dự án là 298 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn bao gồm: 30% là vốn tự có của chủ đầu tư và 70% là nguồn vốn vay ngân hàng và huy động hợp pháp khác. Theo kế hoạch dự kiến, dự án này sẽ hoàn tất việc xây dựng nhà ở biệt thự, nhà liền kề trong giai đoạn từ năm 2017 - 2018, tiếp đến hoàn tất việc đầu tư xây dựng công trình chung cư từ năm 2018 - 2020.
Trước đó, Tập đoàn An Phú cũng đã được giao quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và xây dựng một số công trình có liên quan đến dự án này.
Cho tới nay, dự án Khu đô thị Thương mại An Phú vẫn đang trong quá trình triển khai. Tuy vậy, cũng cần lưu ý về khả năng tiếp tục thực hiện dự án này của chủ đầu tư là Tập đoàn An Phú. Bởi lẽ, sau khi ông Trần Bắc Hà bị bắt, có thông tin cho hay tài sản của tập đoàn này đã được phong tỏa, không cho sang nhượng theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Lưu ý rằng, khu đất để thực hiện dự án Khu đô thị - Thương mại An Phú cũng có nguồn gốc là đất quốc phòng, từng do Quân Khu 5 quản lý.
Tương tự khu đất K200, năm 2008, BIDV cũng có văn bản gửi Bình Định đề nghị được đầu tư dự án tại khu đất Kho xăng dầu, Tiểu đoàn 3, Cục Hậu cần, Quân khu 5 (phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn). Trên cơ sở này, Bình Định đã làm việc với Quân khu 5 để xin lại đất. Và rồi sau đó, không biết bằng cách nào, khu đất đã “về tay” Tập đoàn An Phú, và hình thành nên dự án dự án khu Đô thị - Thương mại An Phú ngày nay.
Không chỉ là những nhà đầu tư “đồng hành” cùng nhau trong nhiều dự án tại tỉnh Bình Định, trong quá khứ, Tập đoàn An Phú cũng thường xuyên phát sinh quan hệ tín dụng với BIDV Chi nhánh Phú Tài - “chốn cũ” của ông Trần Lục Lang, trước ngày được chuyển lên Hội sở BIDV để đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này./.