Ngày 27/5 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu – ông Đào Hồng Tuyển đã trao tặng ý tưởng và bản quyền dự án đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City cho ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả). Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả sẽ là chủ đầu tư 2 dự án trên và ông Đào Hồng Tuyển có vai trò cố vấn cho tập đoàn này.
Theo thiết kế ban đầu của Tập đoàn Tuần Châu, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về đến quận 1) tận dụng quỹ đất ven sông, với chiều dài khoảng 59km, tốc độ dự kiến là 100km/h.
Dự án được dự kiến hoàn thành trong 18 tháng. Khi dự án hoàn thành, dự kiến di chuyển từ Củ Chi về đến quận 1 chỉ mất khoảng 25 - 30 phút. Đại lộ này sẽ tạo điều kiện kết nối với quốc lộ 22 và các tuyến đường của tỉnh Bình Dương.
Còn dự án Sài Gòn New City (huyện Củ Chi, TP HCM) được Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP HCM có diện tích rộng 15.000ha. Mục tiêu của dự án là hình thành các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, tạo công ăn việc làm, đầy đủ dịch vụ và tiện ích phục vụ cư dân.
Tại buỗi lễ, ông Hồ Minh Hoàng cho biết bản thân cùng Tập đoàn Đèo Cả sẽ quyết tâm xây dựng thành công dự án.
Bởi dự án không chỉ là đột phá về giao thông, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa trung tâm thành phố với khu Tây Bắc mà còn là “đòn bẩy” phát triển vùng đất giàu truyền thống cách mạng Củ Chi, Hóc Môn. Dự án cũng là cầu nối liên vùng giữa Tp. Hồ Chí Minh với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, mở ra một trang sử mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội nơi đây.
Đó dường như là lời khẳng định cho quyết tâm theo đuổi “địa hạt” mới trong mảng bất động sản của Tập đoàn Đèo Cả, sau khi tập đoàn này đã thiết lập vị thế vững chắc trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tập đoàn Đèo Cả tiền thân là Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch được ra đời vào những năm 1985 của thế kỷ trước tại Phú Yên. Một trong những thành viên lâu đời nhất trong “hệ sinh thái” của ông Hồ Minh Hoàng (SN 1972) là Công ty TNHH Hải Thạch. Công ty này vốn có thế mạnh trong lĩnh vực xây lắp điện chiếu sáng nhưng tới năm 2009, Hải Thạch đã lấn sân sang một lĩnh vực mới khi trở thành nhà đầu tư, nhà thầu thi công các hạng mục chính tại công trình Hầm đường bộ Đèo Cả.
Năm 2014, CTCP Tập đoàn Hải Thạch được thành lập. Khoảng 1 năm sau, pháp nhân này tham gia góp vốn vào CTCP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (tên gọi ngày nay là CTCP Tập đoàn Đèo Cả) với ngành nghề kinh doanh chính xây dựng công trình đường sắt và đường bộ.
Tập đoàn Đèo Cả có 7 cổ đông sáng lập bao gồm: CTCP Vật liệu Hải Thạch (nắm giữ 25% cổ phần), CTCP Đầu tư Nắng Ban Mai (nắm giữ 5% cổ phần), CTCP Xây dựng và Đầu tư 492 (nắm giữ 3% cổ phần), CTCP Tập đoàn Hải Thạch (nắm giữ 10% cổ phần), CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (nắm giữ 30% cổ phần), CTCP Xây lắp thương mại Delta (nắm giữ 3% cổ phần), ông Nguyễn Việt Thắng (nắm giữ 24% cổ phần).
Tập đoàn Đèo Cả hiện nay là công ty mẹ, bao gồm 19 công ty thành viên chia thành 5 khối ngành nghề như: Các ban chuyên môn; Khối doanh nghiệp đầu tư; Khối doanh nghiệp dự án; Khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trong đó, các pháp nhân nổi bật có thể kể tới như: CTCP Hải Thạch BOT, CTCP Tư vấn Xây dựng Hoàng Long, CTCP Tư vấn Xây dựng A2Z, CTCP Đầu tư Xây dựng Hải Thạch, CTCP Vật liệu Xây dựng Hải Thạch, CTCP Đầu tư và Phát triển thương mại Trung Hải, CTCP Dịch vụ Bảo vệ Vina S.F.
Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn này cũng chia nhau điều hành loạt pháp nhân khác, như: Công ty TNHH Thư Phúc – Phú Yên, CTCP Hàng hải Khải Hoàn, CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, CTCP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, CTCP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị, CTCP Đầu tư Đèo Cả, CTCP Xây dựng và Thương mại Long Thành.
Sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ, tính đến ngày 31/12/2019, vốn điều lệ của Tập đoàn Đèo Cả đạt 2.495,67 tỷ đồng. Đồng thời, công ty này đổi ngành nghề kinh doanh chính thành xây dựng công trình đường bộ.
Như VietTimes từng đề cập, Tập đoàn Đèo Cả còn có khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Hạ Tầng Giao thông Đèo Cả (DII – Mã CK: HHV). Nửa cuối năm 2019, trong một nỗ lực phát hành cổ phiếu để hoán đổi khoản công nợ lên tới 2.394,46 tỷ đồng, quy mô vốn của HHV đã tăng mạnh từ mức 79 tỷ đồng lên 2.270 tỷ đồng.
Cập nhật tới cuối tháng 3/2020, CTCP Tập đoàn Đèo Cả vẫn là công ty mẹ của HHV dù chỉ sở hữu chưa tới 1,67% cổ phần. Trong khi đó, lượng lớn cổ phần của HHV do một số thành viên khác có liên quan tới Tập đoàn Đèo Cả nắm giữ như: CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T, CTCP Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc.
|
Tính đến hết quý 1/2020, quy mô tổng tài sản của HHV đạt 30.330 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm hơn 93% tổng tài sản. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy riêng trong quý 1/2020, HHV báo lỗ sau thuế 26,2 tỷ đồng./.