|
Các nhà làm chính sách vẫn tiếp tục loay hoay với vấn đề xử lý nợ xấu. Ảnh: TL |
Vấn đề nợ xấu đã được đặt lên bàn nghị sự trong gần mười năm qua dưới ba nhiệm kỳ thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nhiều nghị định, thông tư. Và, có cả một tổ chức chuyên biệt (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) được thành lập để giải quyết nợ xấu.
Mười năm là thời gian đủ dài để một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ qua đi, để một nền kinh tế có thể lớn gấp đôi, để một startup ra đời, trưởng thành và thay đổi thế giới. Trong khi đó, các nhà làm chính sách Việt Nam vẫn tiếp tục loay hoay với vấn đề “xử lý nợ xấu”, vò đầu bứt tai chỉnh sửa vài điều luật, mà tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu vẫn còn đang tranh cãi.
Hiểu về nợ xấu
Trước hết cần nhìn nhận nợ xấu là một điều không thể tránh khỏi trong một hệ thống ngân hàng hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Thậm chí nợ xấu trong một giới hạn nhất định còn là điều nên có vì đó là chỉ dấu quan trọng cho thấy các chủ thể trong nền kinh tế, cả con nợ lẫn chủ nợ, đã thực thi các quyết định, hoạt động có tính rủi ro. Một doanh nghiệp nói riêng và một nền kinh tế nói chung không thể phát triển nếu mọi người chỉ rón rén làm những gì tuyệt đối an toàn.
Do vậy, nợ xấu chỉ trở nên “xấu” khi nó làm cản trở các hoạt động bình thường trong nền kinh tế thông qua hai kênh: (i) con nợ không còn khả năng tiếp tục vay để duy trì thanh khoản nên khó hoặc không thể hoạt động sản xuất kinh doanh được nữa, (ii) bảng cân đối tài sản của chủ nợ trở nên xấu đi nên họ thu hẹp cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, tự nguyện để giảm bớt rủi ro hay bị bắt buộc vì các quy định quản lý. Khi nợ xấu trở nên quá lớn, một kênh quan trọng nữa làm đình trệ nền kinh tế là nợ xấu có thể dẫn đến khủng hoảng dây chuyền trong hệ thống ngân hàng, làm tê liệt hoạt động tín dụng và thanh toán.
Như vậy, nhiệm vụ tiên quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là NHNN, là phải không để nợ xấu tích lũy trong hệ thống ngân hàng quá nhiều và quá nhanh. Mức độ an toàn của nợ xấu đã được các tổ chức quốc tế khuyến cáo, các biện pháp giám sát, thanh tra cũng đã có chuẩn mực, cho nên điều quan trọng là năng lực quản lý của NHNN về mặt này. Để nợ xấu trở thành một vấn nạn mười năm chưa giải quyết được, trách nhiệm không chỉ ở vài lãnh đạo, nhân viên ngân hàng đã bị khởi tố mà còn là sự lơ là, buông lỏng hay thiếu năng lực giám sát của NHNN trong ba nhiệm kỳ vừa qua. Nếu không tăng cường năng lực giám sát, vấn đề nợ xấu sẽ không thể giải quyết được.
Và... xử lý nợ xấu
Trong mười năm qua, các cơ quan chức năng và gần như toàn xã hội đánh đồng “xử lý nợ xấu” với việc thanh lý các khoản nợ đó. Ví dụ cụ thể là trong bản dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp đang diễn ra, các khúc mắc sẽ được xử lý chủ yếu liên quan đến việc chuyển giao và thanh lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu.
Thực ra thanh lý nợ xấu, theo nghĩa loại bỏ nó hoàn toàn ra khỏi bảng cân đối tài sản của chủ nợ, chỉ là bước cuối cùng và không phải quan trọng nhất của quá trình xử lý nợ xấu.
Đúng ra xử lý nợ xấu phải bắt đầu từ khâu ngân hàng đánh giá và phân loại các khoản nợ theo những quy định đã được ban hành, sau đó trích lập dự phòng đầy đủ cho những khoản nợ bị cho là xấu.
Vì trích lập dự phòng sẽ trực tiếp bào mòn lợi nhuận và gián tiếp làm giảm giá trị (cổ phần) của ngân hàng nên không có gì khó hiểu khi giới ngân hàng lẩn tránh thực hiện nghiêm túc yêu cầu này. Do đó, vai trò giám sát công tâm và chặt chẽ của NHNN vô cùng quan trọng, nếu được thực hiện tốt sẽ giúp giữ tỷ lệ nợ xấu thấp trong giới hạn cho phép.
Tất nhiên nếu hoạt động giám sát được thực thi tốt thì vấn đề xử lý nợ xấu đã không phải đặt ra.
Đâu là giải pháp hiệu quả?
Với thực trạng nợ xấu hiện tại, câu hỏi đặt ra là những giải pháp đã và đang được đề xuất có phải là cách thức hiệu quả để giải quyết vấn đề này hay không?
Công cụ trung tâm mà NHNN đã hy vọng giúp xử lý vấn đề nợ xấu là VAMC được thành lập cách đây bốn năm. Tổ chức này về mặt hình thức giống như các AMC (công ty quản lý tài sản) mà nhiều nước sử dụng để gom nợ xấu lại và thanh lý dần hoặc bán lại trên thị trường thứ cấp. Trên thực tế VAMC đã được NHNN thiết kế rất đặc biệt, mà ở thời điểm đó được gọi là “sáng tạo” cho đặc thù Việt Nam, để nó trở thành một nơi các ngân hàng có thể tạm thời “giấu” nợ xấu thông qua một cơ chế hoán đổi nợ xấu bằng mệnh giá với trái phiếu đặc biệt của VAMC.
VAMC không có khả năng hay cố gắng nào thiết lập thị trường nợ xấu thứ cấp như AMC ở các nước khác. Trách nhiệm thanh lý nợ xấu, dù trên nguyên tắc đã thành tài sản của VAMC, vẫn thuộc về các ngân hàng và họ vẫn bị trói tay bởi rất nhiều quy định pháp luật chồng chéo liên quan đến đất đai và các loại tài sản thế chấp khác. Có hay không có VAMC cũng không thay đổi thực trạng này.
Cuối năm 2015, hai năm sau khi thành lập, NHNN cố gắng sửa đổi chức năng của VAMC để nó gần với các AMC bình thường khác bằng một thông tư cho phép VAMC mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Nhưng cố gắng đúng hướng này vẫn giậm chân tại chỗ và bây giờ NHNN phải cầu cứu Quốc hội ra nghị quyết tháo gỡ.
Tại sao VAMC không đi đúng hướng ngay từ đầu, nghĩa là chỉ đơn giản áp dụng mô hình AMC thông thường như các nước, mà lại để chậm bốn năm? Có nhiều lý do nhưng có lẽ quan trọng nhất là NHNN đã khăng khăng giữ nguyên tắc không để ngân hàng nào phá sản và không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu.
Quay lại các bước trong quá trình xử lý nợ xấu, đầu tiên là phân loại và trích lập dự phòng như đã trình bày bên trên, tiếp theo là tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Tăng vốn là bước xử lý nợ xấu quan trọng nhất dù nó là liều thuốc rất đắng đối với các ngân hàng phải trả giá cho những sai lầm trong quá khứ cho vay quá dễ dãi dẫn đến nợ xấu gia tăng. Bước này quan trọng không chỉ vì các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mà còn để tiếp tục đảm bảo năng lực cho vay của mình. Tất nhiên không phải ngân hàng nào cũng tăng vốn được, tiếc là khi một ngân hàng không làm được điều này cả hai giải pháp khả dĩ là để ngân hàng không đủ vốn phá sản hoặc dùng tiền ngân sách trợ giúp vốn đều đã bị NHNN loại bỏ.
Vai trò xử lý nợ xấu của VAMC, mà đúng hơn là thanh lý nợ xấu - bước cuối cùng của quá trình xử lý nợ xấu, chỉ vỏn vẹn trong 14,5% số nợ xấu đã được các ngân hàng chuyển qua. Thị trường mua bán nợ xấu thứ cấp vẫn chưa thể hình thành cho đến khi nào những ràng buộc pháp lý không đáng có được Quốc hội tháo gỡ. Vai trò của VAMC trong việc xây dựng thị trường này còn rất xa vời vì bản thân họ cũng chưa có kinh nghiệm mua bán nợ theo giá thị trường dù đã hoạt động được bốn năm.
Nhưng ngay cả khi thị trường mua bán nợ xấu thứ cấp hình thành và hoạt động hiệu quả, VAMC được quay về với chức năng của một AMC thông thường, các cơ quan chức năng vẫn cần lưu ý bước xử lý nợ xấu quan trọng nhất không phải là thanh lý tài sản mà là buộc các ngân hàng tăng vốn.
Với tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 10% như hiện nay, giả sử các ngân hàng có thể thu hồi về được 30% giá trị cho vay gốc thông qua bán nợ xấu trên thị trường thứ cấp hay qua thanh lý trực tiếp tài sản, số tiền thu về chỉ là 3% tổng tài sản toàn hệ thống. Dù không nhỏ nhưng phải trải dài ra vài năm nên các ngân hàng khó có thể dựa vào nguồn tiền này để tăng vốn trong thời gian trước mắt. Do đó thay vì quá chú tâm vào việc thanh lý tài sản thế chấp, dù đây là việc vẫn cần làm, NHNN nên tìm các giải pháp khuyến khích hệ thống ngân hàng tăng vốn nhanh đồng thời quản lý chất lượng cho vay.
Một số giải pháp giúp hệ thống ngân hàng tăng vốn là hạn chế chia cổ tức, lương thưởng cho lãnh đạo, mở thêm cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư trong nước, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc trực tiếp từ ngân sách. Tất nhiên sử dụng tiền ngân sách chỉ là giải pháp tạm thời, ngay khi ngân hàng ổn định và tăng trưởng trở lại, Nhà nước sẽ thoái vốn. Cần có tư duy “xử lý nợ xấu” như vậy mới hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trong mười năm tới.
TS. Quách Mạnh Hào: Quá trình thảo luận của Quốc hội liên quan đến dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ bản có hai luận điểm chính. Một mặt, các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc xử lý dứt điểm nợ xấu để giúp giải thoát bế tắc cho hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế. Nhưng mặt khác, một số đại biểu băn khoăn rằng làm như thế sẽ hợp thức hóa những sai phạm cố tình để xảy ra nợ xấu. Mấu chốt của vấn đề chính là giải quyết thế nào với tài sản bảo đảm. Việc các TCTD được quyền xử lý tài sản bảo đảm, theo tôi, là rõ như ban ngày và không cần bàn cãi. Thậm chí, trong tương lai các TCTD cần phải là người sở hữu hợp pháp của tài sản bảo đảm kể từ lúc nó được đưa ra làm tài sản thế chấp cho món vay cho đến khi khoản vay được tất toán. Đồng thời, cần quy định rõ sau bao nhiêu thời gian không trả được nợ thì TCTD được phép xử lý tài sản thế chấp mà không cần phải hỏi ý kiến hay đàm phán với bên vay. Điều Quốc hội nên bàn để hỗ trợ hoạt động ngân hàng là ban hành quy định đặc thù để việc sang tên đổi chủ gắn liền với hoạt động tín dụng diễn ra nhanh gọn, không rườm rà như hoạt động mua bán tài sản thông thường. Việc các TCTD xử lý tài sản bảo đảm ở mức giá nào lại là câu chuyện đáng quan tâm. Sở dĩ có mâu thuẫn “nên để TCTD tự xử lý tài sản bảo đảm” nhưng “cần quan tâm tới mức giá bán” là vì các TCTD đã không tạo ra được một sự tin tưởng trong quá khứ rằng họ đã thực sự cho vay dựa trên nguyên lý thị trường không vụ lợi. Việc cố tình làm sai và giá trị tài sản thế chấp được định giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế tại thời điểm vay là câu chuyện đã diễn ra. Và nếu như vậy, tranh luận giữa nợ xấu “tốt” và nợ xấu “không tốt” sẽ khó có hồi kết và không giải quyết được. Tôi nghĩ rằng “nợ xấu không tốt” cần phải bị trừng phạt trong khi “nợ xấu tốt” cần phải được hỗ trợ xử lý. Nếu không giải quyết được vấn đề này, niềm tin hay lợi ích xã hội sẽ bị tổn hại. Tất nhiên là nó đã tổn hại rồi và giờ thì chúng ta đang cố gắng hạn chế nó. Do chúng ta khó phân biệt đâu là “nợ xấu tốt” và đâu là “nợ xấu không tốt” và đương nhiên là không thể tin vào sự trung thực của các TCTD, giải pháp để bảo lợi ích xã hội nên là một dạng “đánh thuế” nợ xấu. |
Công khai chính xác nợ xấu và nguồn tài chính để VAMC hoạt động Việc Quốc hội đang cân nhắc ban hành một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu cho thấy nợ xấu trong nền kinh tế, một khi đã mang tính hệ thống, thì các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ khó tự mình xoay xở để giải quyết được. Nhà nước cần tham gia “dọn dẹp” và thiết lập các chuẩn mực mới cho hệ thống tín dụng hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Một trong những phương thức nhanh nhất mà các quốc gia triển khai để giúp thị trường mua - bán nợ xấu vận hành là hình thành công ty mua - bán nợ xấu quốc gia (NAMC). Trong giai đoạn khủng hoảng, nợ xấu cao, các công ty mua - bán nợ xấu tư nhân không dám mua - bán, khiến cho thị trường này bị đóng băng. NAMC sẽ mua vào các khoản nợ xấu theo giá thị trường trong 2-3 năm đầu, sau đó tìm cách bán ra cho các nhà đầu tư khác nhau, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Để thực hiện được nhiệm vụ này thì NAMC cần phải có nguồn vốn đủ lớn. Thường thì NAMC sẽ phát hành một loại trái phiếu đặc biệt, được Chính phủ bảo lãnh. Sau khi bán nợ xấu, NAMC sẽ hoàn trả khoản vốn huy động từ nền kinh tế thông qua trái phiếu đặc biệt. Đa số NAMC sẽ giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tại Việt Nam, lúc đầu, tưởng chừng việc xử lý nợ xấu cũng áp dụng theo kinh nghiệm thế giới. Tuy nhiên, trong khi NAMC của các quốc gia được hình thành để tạo lập thị trường mua - bán nợ xấu thì Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) của ta được tạo lập dường như chỉ để “nhốt” nợ xấu vào đó và trách nhiệm xử lý nợ xấu cuối cùng đa phần vẫn thuộc về bản thân các TCTD. Hầu hết nội dung trong dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu hiện nay đều liên quan đến gỡ nút thắt cho hoạt động mua - bán nợ xấu. Đây là những rào cản pháp lý cần phải nhanh chóng sửa đổi. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến hai nội dung quan trọng: Thứ nhất, cần yêu cầu công khai nợ xấu của các TCTD trong toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cần cung cấp số liệu nhất quán về nợ xấu thực chất của từng TCTD, các công ty mua, bán nợ xấu, và cả hệ thống theo định kỳ. Điều này là rất quan trọng để các tác nhân tham gia thị trường mua - bán nợ xấu có một bức tranh đầy đủ về thị trường và các hoạt động trên thị trường này. Nếu không như vậy thì sẽ không thể hình thành được một thị trường mua - bán nợ xấu thực sự. Thứ hai, cần làm rõ VAMC sẽ huy động từ đâu để có nguồn vốn thực mà xử lý nợ xấu. Hiện trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành chỉ có tác dụng giúp các TCTD cải thiện thanh khoản, không có giá trị giao dịch trên thị trường. Để có thể xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường thì VAMC cần phải phát hành trái phiếu đặc biệt ra ngoài thị trường theo lãi suất thị trường tương tự như các loại trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam hay Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành. Nếu không như vậy thì sẽ rất khó hạch toán được hiệu quả hoạt động của VAMC sau này. Đinh Tuấn Minh |