“Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó chính là chủ đề của Hội thảo quan trọng về chuyển đổi số được khai mạc vào 9h sáng nay, tại hội trường Thang Long ballroom – Khách sạn Melia Hanoi.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện.

“Hội thảo là một hoạt động thiết thực của VDCA để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TS. Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch VDCA, Trưởng Ban Tổ chức VDA 2022 – chia sẻ.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Với mục tiêu đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số, Hội thảo chia làm 2 phiên chuyên sâu.

- Phiên 1 với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi số ở các cơ quan Nhà nước, vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” có sự trình bày tham luận của nhiều diễn giả, là đại diện đến từ các cơ quan nhà nước, gồm: ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông); Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); ông Phùng Văn Trọng – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải.

Điều phối thảo luận phiên 1 là nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam.

- Phiên 2 với chủ đề “Tăng tốc Chuyển đổi số ở các Doanh nghiệp, vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” có sự trình bày tham luận của ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital – đơn vị chuyên tư vấn chiến lược chuyển đổi số; bà Nguyễn Thị Lan Hương – Giám đốc tăng trưởng GapoWork, đơn vị từng được vinh danh ở Vietnam Digital Awards 2021 và hiện đã trở thành một nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số uy tín.

VieON – một điển hình thành công từ thực hiện chuyển đổi số - cũng sẽ tham dự thảo luận cùng đại diện FPT Digital và GapoWork, dưới sự điều phối của nhà báo Quốc Lê.

VietTimes tường thuật trực tiếp Hội thảo này.

_____________

Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” kết thúc lúc 12h10.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức.

Hội thảo đã cung cấp nhiều tham luận, ý kiến giá trị, đóng góp tích cực cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Sau Hội thảo này, lúc 15h00 chiều nay tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) sẽ chính thức diễn ra Lễ Trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022.

VietTimes sẽ tiếp tục tường thuật trực tiếp!

___________

11h35: Bắt đầu Thảo luận nhóm phiên 2

TGĐ VieON Huỳnh Long Thủy đang trao đổi.

TGĐ VieON Huỳnh Long Thủy đang trao đổi.

Ông Huỳnh Long Thủy - TGĐ VieON: VieON là doanh nghiệp công nghệ nhưng chuyển đổi số vẫn là bài toán khó!

VieOn là 1 doanh nghiệp OTT, hiện có khoảng hơn 32 triệu người sử dụng dịch vụ. Nhiều người cho rằng đã là một doanh nghiệp về công nghệ thì không cần thiết phải chuyển đổi số nữa, nhưng thực chất chuyển đổi số vẫn là một vấn đề khó khăn.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: người lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự muốn chuyển đổi số hay không?

Điều hành một doanh nghiệp cũng giống như điều khiển một chiếc máy bay vậy. Theo tôi, chuyển đổi số cũng giống như việc kết nối các bộ phận của máy bay với màn hình điện tử và người lái phải nhìn vào đó để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Cũng tương tự với doanh nghiệp. Một doanh nghiệp cần phải kết nối được các mắt xích về thông tin, làm sao để những thông tin đó được chuyển tới lãnh đạo doanh nghiệp. Thông tin đó cần phải thể hiện được mọi thứ, từ sức khỏe doanh nghiệp, hoạt động về kinh doanh cho tới số lượng người dùng...

Một vấn đề quan trọng khác nữa là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong doanh nghiệp. Từ những dữ liệu được nhập lên, AI có thể đưa ra được những dự báo về tương lai. Khi áp dụng AI trong doanh nghiệp, nó có thể giúp đưa ra những dự báo có độ chính xác cao để người điều hành dựa trên đó mà đưa ra quyết định, đưa ra những phương án kinh doanh tốt nhất.

Ở VieOn, hoạt động chuyển đổi số diễn ra thường nhật. Hàng ngày, chúng tôi theo dõi các thông số như khách hàng, các quyết định đã được đưa ra…thông qua hệ thống BI (Business Intelligence). Chúng tôi ứng dụng AI để đưa ra những tiên đoán, ví dụ như nhóm người dùng nào có rủi ro sắp từ bỏ hệ thống, từ đó đưa ra hướng xử lý; hay đưa ra tiên đoán về xu hướng tiêu dùng của khách hàng để đưa ra gói sản phẩm tốt nhất.

Chuyên gia Đào Trung Thành: Tôi không lạc quan lắm về triển vọng chuyển đổi số của các doanh nghiệp!

Chuyển đối số là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp nhưng không có một lời giải cụ thể nào, bởi mỗi doanh nghiệp có đặc trưng khác nhau.

Để đánh giá thực trạng chuyển đổi số, có thể kể tới bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ TT&TT. Một số doanh nghiệp lớn thực hiện rất tốt, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó có thể tiếp cận, đánh giá theo bộ chỉ số này.

Tôi không lạc quan lắm về triển vọng chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Cisco & IDC năm 2020 về mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại 14 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam vẫn đứng chót bảng về lãnh đạo số. Chuyển đổi số được nói rất nhiều nhưng có rất ít chuyển biến thực chất. Một báo cáo của McKinsey cho biết, có tới 70 – 80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại.

Do đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp tôi đi tư vấn, nhiệm vụ việc chuyển đổi số được giao cho các phó giám đốc, trưởng bộ phận.

Ông Nguyễn Đức Minh: Chuyển đổi số đầu tiên phải là mong muốn của lãnh đạo

Tuy nhiên, để lan tỏa những mong muốn, khát vọng đó xuống các nhân viên để họ cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp thì ban lãnh đạo cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong sự chuyển đổi.

Bà Nguyễn Lan Hương: Chúng ta cần xem lại cách giao tiếp với nhân viên về chuyển đổi số

Dù cụm từ này được đề cập với tần suất lớn trong thời gian gần đây nhưng chắc chắn vẫn còn bộ phận lớn người không hiểu rõ về quy trình, tác dụng của nó.

Mới đây tôi có xem lại bài đăng trên mạng xã hội của 1 lãnh đạo của MOMO nếu cách đây 8 năm diễn giải cho nhân viên về chuyển đổi số thì chẳng ai hiểu nhưng đến nay mọi người sẽ thấy rõ chuyển đổi số sẽ giúp ích rất nhiều, có ứng dụng thiết thực trong xử lý công việc hàng ngày.

TGĐ VieON Huỳnh Long Thủy: Vấn đề cơ bản nhất trong chuyển đổi số, theo tôi, chính là sợi dây kết nối.

Điều quan trọng để thu hút nhân viên làm theo chính là phải giúp họ thấy được chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích như thế nào. Ví dụ chúng ta đưa ra công cụ hữu ích hơn thay cho việc làm bằng tay, những công cụ hữu ích và đơn giản hơn là dùng giấy tờ, hay thay vì chấm công chúng ta sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt…

Cần phải đưa ra những công cụ ghi lại dữ liệu một cách hiệu quả và dễ dàng, chứ nếu khiến cho công việc trở nên phức tạp hơn thì chuyển đổi số sẽ không được chấp nhận và thất bại.

Công ty chúng tôi hiện đã đưa ra nhiều biện pháp, công cụ và hệ thống dữ liệu hoạt động theo cách cực kỳ đơn giản trong khi lại mang tới hiệu quả đáng kể. Nhờ vậy mà chúng tôi nhận được sự ủng hộ của nhân viên trong quá trình chuyển đổi số. Theo tôi, chúng ta đôi khi hay nhầm giữa tin học hóa và chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần áp dụng quy trình đơn giản để ghi nhận số liệu, và khi tích lũy được khối lượng lớn dữ liệu rồi, chúng ta sẽ có một hệ thống giúp cho chúng ta làm việc hiệu quả hơn.

Ví dụ, ở VieOn, mọi hoạt động của nhân viên đều được ghi nhận bởi một hệ thống. Đến cuối tháng hoặc cuối năm, hệ thống này sẽ đưa ra đánh giá về mức độ hiệu quả làm việc của nhân viên, từ đó đưa ra phần thưởng tương ứng.

Thêm nữa, vai trò của người điều hành ở các tổ chức, quan trọng nhất chính là đưa ra quyết định. Như tôi đã nói, chuyển đổi số sẽ giúp cho lãnh đạo tổ chức đưa ra được quyết định đúng đắn nhất. Dựa vào số liệu, nắm trước được điều có thể sắp xảy ra nhờ phân tích dữ liệu và sự tiên đoán của hệ thống, nhà lãnh đạo sẽ đưa ra quyết định chính xác hơn.

_________________

11h20: Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Giám đốc tăng trưởng GapoWork: Digital workplace chưa được quan tâm đúng mức!

Giám đốc Tăng trưởng GapoWork Nguyễn Thị Lan Hương.

Giám đốc Tăng trưởng GapoWork Nguyễn Thị Lan Hương.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Giám đốc Tăng trưởng GapoWork - nhấn mạnh, những năm gần đây, cùng với chiến dịch đẩy mạnh chuyển đổi số của chính phủ, chủ đề digital workplace (không gian làm việc số) cũng được đề cập rất nhiều tại các hội thảo, diễn đàn.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của không gian làm việc số vẫn còn khá mờ nhạt với các nhà quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam.

Dẫn chứng một báo cáo của Deloitte, bà Hương cho biết, các tổ chức có không gian làm việc số được quy hoạch sẽ có năng suất cao hơn 7% và 64% nhân viên sẽ chọn một công việc được trả lương thấp hơn nếu họ có thể làm việc xa văn phòng. Đồng thời, các tổ chức có mạng xã hội trong nội bộ nhận thấy mức độ hài lòng của nhân viên tăng trung bình 20%.

“Trước đây, công nghệ là những hạ tầng vật lý, những sản phẩm đóng chỉ IT có thể can thiệp, chú trọng giao việc, giám sát và báo cáo. Giờ đây, công nghệ đã có thể trở thành trợ thủ cho mỗi vị trí trong cơ quan”, bà Hương nói.

Vị Giám đốc Tăng trưởng GapoWork chia sẻ, mô hình Digital Workplace (DW) cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp, cho phép người dùng làm việc và cộng tác mọi lúc, mọi nơi với chế độ bảo mật phù hợp.

Bên cạnh đó, DW còn tối ưu hóa trải nghiệm làm việc của nhân sự từ đó thúc đẩy năng suất.

DW đáp ứng được nhiều cấp bậc nhân sự trong doanh nghiệp, với nhu cầu và khả năng tiếp cận cũng như sử dụng công nghệ khác nhau.

Ngoài ra, DW sẽ phá bỏ được các rào cản giữa nhân sự, thông tin và quy trình, cho phép người lao động thực hiện công việc một cách hiệu quả.

______________

11h05: Bắt đầu phiên 2

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital: Chuyển đổi số là một hành trình

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital

"Chuyển đổi số là thời kỳ “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua" - ông Nguyễn Đức Minh đưa ra quan điểm.

Theo ông Minh, chuyển đổi số đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.

Hiện nay, có khoảng 38% doanh nghiệp trên thế giới đầu tư trọng điểm vào công nghệ để chiếm lĩnh thị trường; 30% doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ lõi và năng lực để đảm bảo vận hành thông suốt; 19% doanh nghiệp tái thiết kế việc kinh doanh xoanh quanh công nghệ và 10% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số với mục tiêu tiết giảm chi phí.

Vị chuyên gia này cho rằng, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng để tạo tiền đề cho định hướng chuyển đổi số, cùng với đó là sự đồng lòng tham gia chuyển đổi số của phần lớn nhân sự tập đoàn. Trong đó, lãnh đạo cấp cao cần nhận thức rõ các thách thức, cơ hội để đạt được mục tiêu chiến lược thông qua chuyển đổi số.

Chuyên gia của FPT Digital đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp cho các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đối số, như: thiết lập cơ cấu tổ chức “chuyên trách” điều hành giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số; phối hợp với các đơn vị độc lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc; tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí chuyển đổi số; nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và nền tảng số có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái tăng trưởng.

"Chuyển đổi số không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp", ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh. (xem thêm tại đây)

_______________________

10h41: Bắt đầu thảo luận nhóm phiên 1

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam đặt vấn đề Bộ GTVT và Bộ Công an là 2 bộ có tỷ lệ người dùng dịch vụ công trực tuyến cao nhất, vậy kinh nghiệm trong việc ứng dụng và triển khai dịch vụ công trực tuyến là gì?

Đại tá Vũ Văn Tấn: Chúng ta đã tiến hành trực tuyến hóa dịch vụ công từ lâu. Cụ thể, đã có khoảng 6.800 dịch vu công được đưa lên trực tuyến. Song chúng ta cần phải xác định rõ, dịch vụ công nào là thực sự thiết yếu, để mang lại lợi ích cho người dân.

Thống kê cho thấy, dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an được người dân sử dụng đến 98%. Dịch vụ công trực tuyến muốn hiệu quả trước hết dịch vụ ấy phải hữu ích và nhất định nó phải được tổ chức sao cho thân thiện, thuận tiên, đơn giản nhất cho người dân trong sử dụng.

Ông Phùng Văn Trọng nêu kinh nghiệm của Bộ GTVT: Dịch vụ công trực tuyến phải luôn đặt trong tâm vào việc tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ vậy, mà hệ thống của chúng tôi đạt được thành công.

Về công tác quản lý hạ tầng giao thông và vận tải, vốn đóng vai trò quan trọng, công việc chính là xây dựng cầu đường, kết cấu hạ tầng đã được Bộ GTVT thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, lĩnh vực liên quan nhiều đến doanh nghiệp và người dân lại chính là lĩnh vực vận tải.

Có 3 nhóm lĩnh vực mà chúng tôi xác định là cần ưu tiên phát triển, do có liên quan trực tiếp tới người dân là: đường bộ, hàng hải và đăng kiểm phương tiện. Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi rà soát để cắt giảm bớt các quy trình, giảm bớt sự phức tạp cho người dân và doanh nghiệp khi nộp hồ sơ, tham gia dịch vụ. Điều này giảm bớt được sự phiền toái, hay các thủ tục rườm rà cho người dân và doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, không phải chỉ một đơn vị duy nhất có thể làm được mà cần có sự liên thông với các hệ thống thông tin của các đơn vị khác. Thêm vào đó, những đối tượng mà chúng tôi hướng tới đều có sự đồng lòng khi tham gia vào hệ thống. Hệ thống cũng trực tiếp xử lý các vấn đề hàng ngày của người dân và doanh nghiệp, nên có tỷ lệ sử dụng cao như vậy. Có dịch vụ của chúng tôi có tỷ lệ giải quyết trực tuyến lên tới 100%. Theo tôi, hệ thống nhắm vào các lĩnh vực liên quan nhiều tới hoạt động của người dân, doanh nghiệp mới có thể thành công.

- NNC Nguyễn Quang Đồng: Từ kinh nghiệm của 2 Bộ cho thấy, khi triển khai dịch vụ công trực tuyến đơn lập thì dễ, nhưng khi triển khai dịch vụ công đa lập (kết nối dữ liệu dùng chung với các bộ, ngành khác) thì lại phát sinh nhiều khó khăn cho người dân. Làm thế thế nào để giải quyết điểm nghẽn này?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Bài toán đặt ra là kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau.

Về pháp lý, quy trình, thủ tục phải liên thông với nhau. Về kỹ thuật, dữ liệu phải liên thông với nhau. Để liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu đã có rất nhiều văn bản. Mô hình kết nối dữ liệu cần có quy trình, thủ tục, hạ tầng, và đặc biệt là những mô hình kết nối chia sẻ tuỳ theo các cơ sở dữ liệu khác nhau.

Sắp tới, dịch vụ công sẽ không chia làm 4 mức độ, mà chỉ còn 2 loại: toàn trình và một phần. Toàn trình là việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ hoàn toàn trên không gian mạng. Người dân không phải đến cơ quan nhà nước, còn cơ quan nhà nước không phải đi thực địa, thẩm tra. Tất cả đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc xây dựng và kết nối dữ liệu là cốt lõi để xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Ông Phùng Văn Trọng: Đối với lĩnh vực GTVT, cũng giống như với các diễn giả đã nói, các hệ thống cần phải được triển khai một cách đồng bộ, từ cơ quan xử lý các vấn đề hành chính cho tới người sử dụng. Các yếu tố như công nghệ, con người, trang thiết bị… đều cần phải được đồng bộ hóa.

Chúng tôi cũng đang tích hợp 3 hệ thống và sắp tới sẽ tiếp tục tích hợp nhiều hơn nữa các hệ thống thông tin khác để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Cụ thể, chúng tôi sẽ tích hợp thêm hệ thống về quản lý bến xe, mạng lưới camera và các hệ thống khác để tăng cường quản lý tập trung, giải quyết vấn đề một cách tổng thể.

- NNC Nguyễn Quang Đồng: Nói đến chuyển đổi số phải nói đến dữ liệu. Vậy bài toán dữ liệu đã và sẽ được giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Như các diễn giả đã trao đổi, điều quan trọng là kết nối chia sẻ dữ liệu. Trong thời gian tới, điều quan trọng trong quá trình chuyển đổi số cần có tài nguyên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, tức là các cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dữ liệu mở.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đề xuất ban hành danh mục dữ liệu mở để các cơ quan ban ngành, địa phương dựa vào đó để xây dựng kế hoạch cung cấp dữ liệu mở của mình. Các cơ quan nhà nước cố gắng cung cấp dữ liệu mở cho xã hội để dựa trên đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới sáng tạo.

______________

10h26: Ông Phùng Văn Trọng – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải: Ưu tiên chuyển đổi số trong giao thông vận tải và logistic

Ông Phùng Văn Trọng.

Ông Phùng Văn Trọng.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Phùng Văn Trọng cho biết, trong chương tình chuyển đổi số quốc gia, giao thông vận tải và logistic là một trong những lĩnh vực được ưu tiên.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, và cũng trên cơ sở đó, Bộ GTVT đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động vận tải đường bộ.

Trước năm 2017, Bộ GTVT quản lý khoảng 70.000 đơn vị kinh doanh vận tải, 100.000 xe ô tô kinh doanh vận tải và 250.000 giấy phép liên quan đến vận tải. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, cơ quan quản lý chưa hình thành được dữ liệu về vận tải (doanh nghiệp vận tải, tuyến vận tải, phương tiện, NĐKTP vận tải…).

"Do việc lưu trữ dữ liệu phân tán tại từng Sở Giao thông vận tải nên việc kiểm tra, xác minh thông tin xe khó khăn", ông Trọng nhớ lại.

Không chỉ cơ quan quản lý, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải cũng gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính, phải đi lại nhiều lần, mất thời gian và tốn kém.

Những vấn đề trên, theo lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), đã được giải quyết khi ngành GTVT thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hoá quy trình bằng hệ thống công nghệ thông tin.

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), so với trước khi triển khai hệ thống, số tài khoản đăng ký sử dụng các dịch vụ trực tuyến đạt 51.652 đơn vị, tăng 1.025%; Số đơn vị kinh doanh vận tải được quản lý trên hệ thống đạt 78.592 đơn vị, tăng 344%; Số phương tiện hoạt động vận tải được cho vào dữ liệu quản lý đạt 1,8 triệu phương tiện, tăng 1.228% (xem thêm tại đây).

______________

10h07: Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an): "Việt Nam đã trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới"

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng C06.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng C06.

Đại tá Vũ Văn Tấn cho hay, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu gốc của toàn bộ công dân Việt Nam. Hệ thống này đã được đưa vào vận hành từ 1/7/2021, là cơ sở dữ liệu 'gốc' của toàn bộ công dân Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở dữ liệu dùng chung của Chính phủ, làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giúp giảm bớt các giấy tờ, khai báo thông tin, đơn giản hóa các hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Tấn, Bộ Công an đã cấp hơn 71,7 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam, qua đó mở ra cơ hội cho việc phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với nền tảng của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, Bộ Công an đã triển khai xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử, chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022.

"Việt Nam đã trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới", Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an - nhấn mạnh.

"Điều này tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ trên không gian mạng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia", ông Tấn nói.

Vị này khẳng định, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử là "nền tảng cốt lõi thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia". Đồng thời, việc triển khai 3 hệ thống này còn "dư địa rất lớn". (xem thêm tại đây).

______________

9h37: Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông): Kinh tế số đã đạt 10,41% GDP

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến.

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến.

Ông Tiến cho biết bản thân và Cục Chuyển đổi số quốc gia rất cảm xúc khi nhận được lời mời tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo có những keywords rất ấn tượng hôm nay: "chuyển đổi số"; "lợi ích"; "người dân"; "doanh nghiệp".

Cục chuyển đổi số quốc gia thực ra mới chỉ vừa được thành lập, trên cơ sở Cục Tin học hóa. Việc này phần nào thể hiện tầm nhìn, định hướng và hành động của chúng ta trong về chuyển đổi số quốc gia.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến: Chiến lược chuyển đổi số quốc gia có thể chia làm 4 giai đoạn, bắt đầu từ Nghị quyết số 52-NQ/TW (ngày 27/9/2019) của Bộ Chính trị, bao gồm một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Tiến cho biết, nếu coi năm 2020 là năm khởi động về chuyển đổi số, 2021 là năm tổng diễn tập về chuyển đổi số, thì 2022 là năm tổng tiến công và tăng tốc về chuyển đối số, lấy người dân làm trung tâm.

Tới nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.

Phó Cục trưởng Tiến công bố một thống kê đáng chú ý, đó là, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra cho năm 2025, là 20% GDP thì còn một khoảng cách rất xa.

"Mục tiêu là rất thách thức. Còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa" - ông Tiến nói. (xem thêm tại đây)

______________

9h26: TS. Lê Doãn Hợp: "Chuyển đổi số nên tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số; Doanh nghiệp số; Công dân số"

TS. Lê Doãn Hợp.

TS. Lê Doãn Hợp.

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, chiến lược chuyển đổi số nên tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số; Doanh nghiệp số; Công dân số.

Đầu tiên về Chính phủ số, phải hiểu mạch lạc rằng "chính phủ" ở đây là hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Chính phủ số nếu chưa làm 3 việc sau đây thì chưa phải Chính phủ số: họp không cần gặp nhau, xử lý công việc không cần giấy tờ, thanh quyết toán không dùng tiền mặt. 3 điều này cần phải quyết liệt làm. Một đất nước mà đi đâu cũng cầm tiền mặt đi thì chuyển đổi số rất khó. Chưa có Chính phủ điện tử thì chưa thể điều hành đất nước một cách lành mạnh, hiệu quả và minh bạch.

Về doanh nghiệp số, có 3 vấn đề: làm việc không cần gặp nhau, xử lý không cần văn bản, thanh quyết toán không dùng tiền mặt. Làm được như thế, môi trường hoạt động sẽ lành mạnh hơn.

Cuối cùng về công dân số, mỗi công dân Việt Nam chỉ cần có 1 chiếc smartphone kết nối internet thì chuyển đổi số đã có một bước tiến. Chỉ cần 1 thiết bị, chúng ta có thể tra ra tất cả những thông tin mà mình cần, đó là sự khác biệt. Chúng ta không thể đến công dân số mà lại không nói đến công cụ để làm. Thiết bị kết nói chính là công cụ tuyệt vời để tôn vinh và cải tạo con người chúng ta. Nếu không có thiết bị kết nối, chúng ta không thể truy cập internet để cập nhật thông tin tức thì, tại chỗ…

Đây chính là một cú hích thực sự đối với chuyển đổi số.

Trang điện tử chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số, đó là 3 điều cần thiết. Phải tổ chức thật khoa học, tiện lợi để sao chỉ cần truy cập là ra tất cả.

"Nhìn chung chuyển đổi số chỉ xoay quanh những vấn đề đơn giản trên.Chúng ta cần phải nỗ lực tăng tốc chuyển đổi số để bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Israel là một hình mẫu. Học làm theo chính là sự học hay nhất, nhanh nhất, trong khi thế giới hiện nay rất cởi mở, sẵn sàng chia sẻ" - TS Lê Doãn Hợp chia sẻ.

______________

9h12: Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm!

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Phát biểu chào mừng Hội thảo và chia sẻ về về hành trình chuyển đổi số của Việt Nam, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số khẳng định: Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Bộ TT&TT đã hoàn thành cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia: dx.gov.vn. Trong đó, chuyên trang Cẩm nang số là cuốn sách ghi lại những điều quan trọng, thiết yếu nhất về chuyển đổi số.

Khi gặp những khó khăn chưa thể giải quyết, cẩm nang dẫn giải những nội dung cơ bản nhất, để giúp chúng ta tìm ra giải pháp. Tới nay, chuyên trang số có gần 10 triệu lượt truy cập. "Tri thức trong cuốn cẩm nang có thể chưa xuất sắc nhưng sẽ luôn miễn phí", ông Dũng nõi.

Các cơ quan nhà nước có thể tìm thông tin về chuyển đổi số thông qua chuyên trang Chính phủ số. Chuyên trang này sẽ giới thiệu về công nghệ mở, những câu chuyện và mô hình hay về chính phủ số.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể tìm thông tin về chuyển đổi số thông qua chuyên trang SMEdx. Khi truy cập chuyên trang này, DNVVV sẽ được tiếp cận, trải nghiệm những mô hình, nền tảng số xuất sắc của Việt Nam miễn phí trong 6 tháng.

Sau giai đoạn này, nếu thấy hữu ích, DNNVV có thể tiếp tục ký hợp đồng 1 năm nhưng chỉ phải trả phí cho 6 tháng. Đến nay, gần 7.000 doanh nghiệp đã ký hợp đồng sử dụng thật, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Người dân có thể tìm thông tin chuyển đổi số tại chuyên trang Xã hội số: congdanso.mic.gov.vn. Chuyên trang này sẽ hướng dẫn người dân mua sắm trực tuyến; Mở tài khoản thanh toán trực tuyến; Mở các dịch vụ số (vé xe, học tập, thanh toán, trả tiền điện, nước).

Bộ TT&TT cũng tập hợp và công bố hơn 150 bài toán chuyển đổi số mà các cá nhân, tổ chức gặp phải trong quá trình chuyển đổi số trên trang c63.mic.gov.vn.

Với quan niệm, thành công đến từ chia sẻ, Bộ TT&TT đã chia sẻ các mô hình hay trên cả nước và quốc tế, kể như: Những thành công chuyển đổi số bước đầu ở Huế; Câu chuyện thành công của doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dệt may.

"Những câu chuyện, mô hình này đã tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp khác khi chuyển đổi số", ông Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng cung cấp nền tảng học trực tuyến, bồi dưỡng kỹ năng số cho hàng triệu công chức, viên chức trên cả nước tại chuyên trang onetouch.mic.gov.vn. "Onetouch" là giải quyết tất cả vấn đề chỉ bằng 1 chạm. Các khoá học trên chuyên trang này đều miễn phí.

Cùng với đó, Bộ TT&TT còn phát động chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng 2022, nhằm ngăn chặn tình trạng các máy chủ Việt Nam thực hiện phát tán mã độc, tham gia vào hạ tầng điều khiến các 'Bot net'.

Ngoài ra, hưởng ứng ngày 10/10, Bộ TT&TT còn tổ chức phát động tháng tiêu dùng số, để người dân có thể thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số. Trong dịp này, các sản phẩm, dịch vụ số sẽ được giảm 50% giá, phí, từ đó mở ra cơ hội giúp các doanh nghiệp số tiếp cận đông đảo khách hàng tiềm năng.

"Từ suy nghĩ đến hành động luôn có khoảng cách, khoảng cách từ hành động đến kết quả còn dài hơn nữa. Bộ TT&TT luôn hành động để đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân trong hành trình chuyển đổi số", ông Dũng nhấn mạnh.

______________

9h07: TS. Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - phát biểu khai mạc

TS. Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

TS. Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

"Là tổ chức xã hội, nghề nghiệp quy tụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số và truyền thông số, trong nhiều năm qua VDCA đã tích cực cùng cộng đồng doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia góp phần xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số tại nước ta và hội nhập quốc tế.

Hội Truyền thông số Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược kinh tế số và xã hội số; phối hợp xây dựng và khảo sát chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp, bên cạnh đó Hội cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm về các chủ đề liên quan đến chính phủ số, dữ liệu mở, đô thị thông minh,…

Hôm nay, trong không khí của năm lần đầu tiên cả nước tổ chức các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 - với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”.

Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp tập trung thảo luận các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số".

______________

9h00: Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” chính thức bắt đầu

“Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” ảnh 13
“Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” ảnh 14

Hội thảo ghi nhận sự hiện diện của ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số; ông Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thạo - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các diễn giả; các vị đại biểu đại diện cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải; đại diện các doanh nghiệp; đại diện các Hiệp hội; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.