Theo trang tin Hiệp hội nghiên cứu hải quân Mỹ ngày 25/4, Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua đề cử Đô đốc Philip S. Davidson làm Tư lệnh tiếp theo của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (PACOM).
Điều này có nghĩa là Đô đốc Philip Davidson sẽ chính thức trở thành Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Ông sẽ thay thế Đô đốc Harry Harris sắp về hưu (người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc), tiếp quản khu vực vắt ngang nửa trái đất này của Mỹ.
Philip Davidson là Đô đốc hải quân, từng làm Tư lệnh Hạm đội 6, Tư lệnh Bộ tư lệnh hạm đội hải quân Mỹ. Ngày 10/4, ông được đề cử làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Sau đó, Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ ngày 17/4 đã tổ chức phiên điều trần bổ nhiệm Tư lệnh hạm đội Mỹ Davidson ở Norfolk.
Tại phiên điều trần này, Thượng tướng Terrance Shaughnessy, cựu Tư lệnh không quân Thái Bình Dương Mỹ cũng đã được đề cử làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Phương Bắc Mỹ (US. Northern Command). Sáng ngày 24/4, Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ đã công bố thông tin này.
Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (United States Pacific Command, viết tắt là USPACOM) là Bộ tư lệnh tác chiến liên hợp được thành lập sớm nhất của quân đội Mỹ. Đây cũng là một bộ tư lệnh có quy mô lớn nhất, khu vực trách nhiệm rộng nhất trong 9 bộ tư lệnh liên hợp hiện có. Quân số khoảng 300.000 quân, chiếm 20% tổng quân số hiện có của quân đội Mỹ.
Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (CDRUSPACOM) là quan chức cao nhất trong khu vực trách nhiệm của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thông qua Bộ trưởng Quốc phòng tiến hành báo cáo lên Tổng thống Mỹ, nhận được sự ủng hộ của 4 bộ chỉ huy gồm Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Không quân Thái Bình Dương Mỹ, Lục quân Thái Bình Dương Mỹ và Hải quân Thái Bình Dương Mỹ.
Khu vực trách nhiệm (AOR) của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ bao gồm từ phía tây bờ biển miền tây nước Mỹ đến biên giới phía tây Ấn Độ và khoảng một nửa bề mặt Trái đất từ Nam Cực đến Bắc Cực, bao quát 50% dân số thế giới và 2 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được Mỹ coi là "mối đe dọa".
Trong phiên điều trần ngày 17/4, Đô đốc Philip Davidson thừa nhận, trong chiến lược quốc phòng của Mỹ, có 4/5 mối đe dọa lớn của Mỹ ở khu vực do ông phụ trách mới. Điều này có nghĩa là trách nhiệm của Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ sẽ rất nặng nề.
Điều đáng chú ý là, Đô đốc Philip Davidson đã kế thừa thái độ cứng rắn của Đô đốc Harry Harris đối với Trung Quốc. Nhưng khác với Harry Harris "tự tin", vị tư lệnh mới này đã bày tỏ lo ngại đối với sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Trong phiên điều trần, Đô đốc Philip Davidson không chỉ cho rằng Mỹ "kém xa" Trung Quốc về tên lửa tầm trung, tầm xa và vũ khí siêu thanh, ông còn cho rằng lực lượng Mỹ triển khai trên tuyến đầu ở khu vực Thái Bình Dương quá mỏng yếu.
Theo tờ Defense News Mỹ ngày 24/4, tại phiên điều trần, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Phillip Davidson đã kêu gọi các quân chủng lớn của quân đội Mỹ cần tăng cường triển khai lực lượng ở tuyến đầu châu Á - Thái Bình Dương.
Đô đốc Philip Davidson cho rằng Trung Quốc đã có thể kiểm soát có hiệu quả Biển Đông, hơn nữa có thể tạo ra thách thức cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại phiên điều trần của Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ vào tuần trước, Đô đốc Philip Davidson cho biết ông sẽ căn cứ vào chiến lược quốc phòng năm 2018, tăng cường trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, những hành động này nhằm: "Bảo đảm nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên cho lực lượng triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương để theo kịp các bước hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc".
Về "người bạn cũ" của hải quân Trung Quốc, Đô đốc Harry Harris, cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ mặc dù trước đó được cho là sẽ làm Đại sứ Mỹ tại Australia, nhưng gần đây lại có tin cho rằng ông có thể được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo hãng tin CBS Mỹ ngày 24/4, một quan chức hiểu rõ kế hoạch này cho biết rất có khả năng có sự bổ nhiệm này, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump còn chưa ký các bổ nhiệm có liên quan.
Thông tin này có chút bất ngờ, đặc biệt là hiện nay khi mà quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã dịu đi. Đô đốc Harry Harris luôn khuyến khích giữ thái độ gây sức ép cao và cứng rắn với Triều Tiên.
Tháng 3/2018, sau tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp mặt không lâu, Đô đốc Harry Harris cảnh báo với Quốc hội Mỹ rằng Mỹ "không thể quá lạc quan với kết quả này", mà cần quan sát tình hình tiến triển của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Đô đốc Harry Harris còn nói với Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ rằng Triều Tiên "vẫn là mối đe dọa an ninh cấp bách nhất của khu vực này". Ngoài ra, ông còn luôn thúc đẩy kế hoạch "đánh cho hộc máu mũi", tức là tiến hành kế hoạch tấn công hạn chế đối với Triều Tiên và gây sức ép để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Kế hoạch tấn công này rất có thể bao gồm tấn công hạt nhân hạn chế.