Tân Hoa xã ngày 1/9 cho rằng trải qua hơn 10 năm đàm phán, Mỹ và Ấn Độ cuối cùng đã chính thức ký kết "Hiệp định ghi ngớ trao đổi hậu cần" vào ngày 29/8. Điều này có nghĩa là trong tương lai quân đội hai nước có thể sử dụng căn cứ quân sự của nhau để tiến hành hoạt động hậu cần, như vậy hợp tác quốc phòng song phương đã được nâng lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, khi ký kết hiệp định, Mỹ và Ấn Độ có tính toán khác nhau, sự tranh cãi gay gắt về vấn đề Mỹ có thể triển khai quân ở Ấn Độ hay không đã thể hiện mâu thuẫn "sâu sắc" trong quan hệ hai nước.
Phía sau hợp tác bề ngoài này, Mỹ và Ấn Độ "khó có thể thực sự xích lại gần nhau" - Tân Hoa xã tuyên truyền.
Tăng cường hợp tác
Năm 2004, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đề nghị với Bộ Quốc phòng Ấn Độ: "Quân đội hai nước cung cấp hỗ trợ hậu cần quân sự cho nhau". Nhưng, cho đến năm nay, trải qua 12 năm đàm phán mới có kết quả.
Sau khi hiệp định được ký kết vào ngày 29/8, trong cuộc họp báo chung tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã bày tỏ hoan nghênh đối với vấn đề này.
Căn cứ vào hiệp định, quân đội hai nước Mỹ và Ấn Độ trong tương lai sẽ có thể sử dụng căn cứ lục quân, hải quân và không quân của nước đối phương, phục vụ cho nhân viên quân sự và các trang bị được tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi.
Trên cơ sở cùng có lợi, hai nước có thể nhận được sự ủng hộ quân sự từ đối phương, trừ các vũ khí mang tính tấn công.
Máy bay chiến đấu và tàu chiến Mỹ khi cần thiết có thể sử dụng sân bay hoặc cảng biển của Ấn Độ, tạo thuận lợi lớn cho Mỹ ra vào Ấn Độ Dương.
Trong cuộc họp báo, ông Ashton B. Carter cho biết sau khi ký kết hiệp định sẽ "làm cho bảo đảm hậu cần trong các hành động chung trở nên đơn giản hơn và có hiệu quả cao".
Ông Manohar Parrikar cho biết hiệp định này sẽ giúp cho Hải quân Ấn Độ và Mỹ hỗ trợ lẫn nhau trở nên dễ dàng hơn trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo hoặc tập trận chung.
Ngoài Hiệp định ghi nhớ trao đổi hậu cần, Mỹ còn đang tìm cách đạt được 2 "hiệp định mang tính nền tảng" khác với Ấn Độ, lần lượt là về liên lạc giữa quân đội hai nước và trao đổi dữ liệu mặt đất, trên biển và trên không.
Tính toán khác nhau
Từ sau khi chiến tranh Afghanistan nổ ra năm 2001, hợp tác quân sự Mỹ-Ấn đã bắt đầu ngày càng sâu sắc. Đặc biệt những năm gần đây sự tương tác quân sự giữa hai nước diễn ra dồn dập, luôn được tuyên bố là "tăng cường hợp tác".
Nhìn vào bề ngoài, nguồn mua sắm vũ khí lớn nhất của Ấn Độ đã từ Nga biến thành Mỹ, Mỹ đã trở thành đối tác tập trận chung thường xuyên nhất của Ấn Độ.
Nhưng, sự tính toán phía sau của tăng cường hợp tác song phương hoàn toàn không thống nhất - Tân Hoa xã phỏng đoán.
Tân Hoa xã cho rằng Mỹ tích cực thúc đẩy hợp tác quân sự với Ấn Độ nhằm xây dựng "điểm tựa Nam Á" cho việc triển khai chiến lược toàn cầu, phục vụ cho chiếc lược chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông.
Trong khi đó, điều mà Ấn Độ coi trọng là hợp tác chuyển nhượng công nghệ, vũ khí trang bị, xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại, đồng thời thúc đẩy kế hoạch "Made in India" (Ấn Độ chế tạo) của chính phủ.
Trong tình hình mục tiêu chiến lược của hai bên không thống nhất, Mỹ và Ấn Độ hoàn toàn không "ăn nhịp với nhau" trong đàm phán hiệp định.
Chính phủ cánh tả cầm quyền trước đây của Ấn Độ từng cho biết rõ sẽ không ký kết hiệp định tương tự, cho rằng hiệp định như vậy vừa gây thiệt hại cho chủ quyền chiến lược của Ấn Độ, vừa có thể kéo Ấn Độ vào mặt trận đồng minh của Mỹ.
Một điểm gây tranh cãi nhất là phe phản đối và không ít người dân Ấn Độ còn lo ngại, sau khi ký kết hiệp định, Quân đội Mỹ có thể đóng ở căn cứ của Ấn Độ.
Cho dù hiệp định đã, ông Ashton B. Carter và Manohar Parrikar vẫn cố gắng giải thích trong cuộc họp báo rằng hiệp định hậu cần hoàn toàn sẽ không để cho Quân đội Mỹ đóng ở Ấn Độ - Tân Hoa xã bình luận.
"(Quân đội Mỹ) sẽ không đồn trú dưới bất cứ hình thức nào" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter nhấn mạnh.
Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra "Mâu thuẫn sâu sắc"
Nhà nghiên cứu Mã Nghiêu từ Học viện Quan hệ quốc tế và Các vấn đề công, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng Quân đội Mỹ không có nhiều khả năng đóng ở Ấn Độ, nhiều nhất chỉ là sử dụng tạm thời các căn cứ của Ấn Độ trong thời gian ngắn.
"Trước tiên, Ấn Độ rất nhạy cảm đối với vấn đề chủ quyền, không thể để Quân đội Mỹ đồn trú. Thứ hai, Ấn Độ là quốc gia không liên kết, để quân đội nước ngoài đồn trú sẽ đi ngược lại tinh thần không liên kết.
"Thứ ba, hai nước có mâu thuẫn rất sâu sắc ở Ấn Độ Dương. Độ tin cậy của hai bên không đủ để cho Quân đội Mỹ đồn trú" - Mã Nghiêu nói.
Mã Nghiêu cho rằng, cũng chính vì mâu thuẫn địa-chính trị, hai nước Mỹ và Ấn Độ không thể xích lại gần nhau một cách thực sự.
"Cùng với sự phát triển của lực lượng trên biển, khả năng kiểm soát của Ấn Độ đối với Ấn Độ Dương chắc chắn tăng lên. Điều này có thể làm gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ-Ấn trong tương lai".
"Hơn nữa, Ấn Độ biết rõ, một khi Mỹ thông qua chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc thuận lợi, đối thủ muốn đối phó tiếp theo chính là Ấn Độ" - Mã Nghiêu dọa, kích Ấn Độ.