|
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời thắc mắc của người dân (Ảnh chụp màn hình giao lưu trực tuyến) |
Người tiêm vaccine được khuyến khích đi siêu thị
Tối 6/9, tân Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời trực tuyến các thắc mắc của người dân về kế hoạch chống dịch sắp tới trong chương trình live stream “Dân hỏi, Thành phố trả lời” (Trung tâm Báo chí TP.HCM thực hiện). Chương trình đã thu hút một lượng người xem kỷ lục, tới 70.000 người theo dõi; 25.000 câu hỏi/bình luận.
Tân Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sắp tới người dân ở vùng xanh sẽ được đi chợ 1 tuần 1 lần, khuyến khích những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đi chợ. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, sở dĩ như vậy là vì người đã tiêm vaccine COVID-19 nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì sẽ đỡ mức độ chuyển nặng hơn những người chưa tiêm.
Ông Phan Văn Mãi cung cấp thông tin, TP.HCM đã tiêm gần 6,6 triệu mũi vaccine COVID-19; tương đương với khoảng 80% số dân đủ 18 tuổi trở lên. Dự kiến thời gian tới, TP.HCM tiếp tục tiêm vaccine, ưu tiên người chưa tiêm mũi 1, để tăng tỷ lệ người dân đủ 18 tuổi được tiêm vaccine lên đến 90%.
Trả lời về việc từ ngày 15/9 tới, TP.HCM có mở lại chợ dân sinh hay chưa? Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: “Chợ dân sinh thì chưa thể mở lại vì mở lại phải trong an toàn. Nhưng trước mắt, sẽ có phương án bố trí điều phối luồng thực phẩm để cung cấp một số lượng hợp lý từ các chợ đầu mối lớn của TP.HCM”.
|
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong giao lưu trực tuyến, MC Quyền Linh (bên trái) và Lê Quang Tự Do (bên phải). Ảnh chụp màn hình |
Trả lời câu hỏi của nhiều người dân về việc túi quà an sinh trị giá 1,5 triệu dân không biết sống sao suốt mấy tháng giãn cách kéo dài, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận lỗi do công tác điều tra và tổ chức của lực lượng chống dịch còn nhiều thiếu sót. “Đến giờ này, ngân sách TP.HCM đã chi gần 4.800 tỷ đồng cộng với nguồn ngân sách vận động được khoảng 1.200 tỷ đồng (tổng gần 6.000 tỷ đồng). TP.HCM cũng đã phát gần 2 triệu túi an sinh đến các trường hợp được trợ cấp lần thứ nhất. Sau ngày 15/9, nếu tình hình dịch vẫn tiếp tục giãn cách kéo dài, nhiều người dân tiếp tục phải ở nhà, bị mất việc, còn khó khăn, những người kẹt lại TP.HCM không thể về quê, TP xin hứa sẽ có thêm chương trình hỗ trợ đợt 2 cho người dân khó khăn. Ngoài việc cố gắng phát gạo, tặng quà túi an sinh, TP sẽ cố gắng thêm các biện pháp như giảm tiền điện, vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà…” – ông Phan Văn Mãi cam kết.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương phải làm thật nhanh và thật kỹ các công tác hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, ông Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn nhận khuyết điểm vì TP đông dân nên đâu đó có thể cán bộ lãnh đạo địa phương còn thiếu sót.
“Toàn bộ người dân đang sống ở TP.HCM, không phân biệt người có hộ khẩu, người không có hộ khẩu, người tạm trú hoặc thậm chí chưa kịp làm thủ tục khai báo tạm trú, nếu gặp khó khăn, TP có trách nhiệm phải hỗ trợ. Phải thực hiện không bỏ ai lại phía sau” - Ông Phan Văn Mãi đề nghị bà con nếu thấy mình thuộc diện khó khăn hãy chủ động liên lạc với các lực lượng chức năng tại địa phương.
“Nếu có những hoàn cảnh khó khăn cần bổ sung danh sách, TP sẽ cấp thêm ngân sách để hỗ trợ bà con” – ông Phan Văn Mãi hứa sẽ không để các túi quà an sinh và tiền hỗ trợ đi sai địa chỉ.
Về nguyện vọng được quay trở về quê hương của rất đông người đang “kẹt” lại tâm dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời: “Với những người dân đến TP.HCM để học tập và làm việc giờ bị kẹt lại TP, không phải TP.HCM cấm không cho bà con về nhưng do khả năng tiếp nhận của các tỉnh có hạn, nên thời gian giãn cách xã hội này, TP.HCM và các địa phương đều phải tuân thủ quy định ai ở đâu ở yên đó. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn tiếp tục liên lạc với các địa phương để đề nghị hỗ trợ người dân có nguyện vọng trở về, nếu địa phương nào có thể tiếp nhận, TP.HCM sẽ tạo mọi điều kiện, từ tiêm vaccine, test COVID-19 cho bà con, hỗ trợ xe và các phương tiện đưa bà con về địa phương và thực hiện cách ly, với số lượng hạn chế, phù hợp với khả năng chấp nhận của địa phương”.
|
Ông Phan Văn Mãi hứa sẽ không để các túi quà an sinh và tiền hỗ trợ đi sai địa chỉ |
Giao thông giảm 85% so với trước 22/8
Tại cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 chiều 6/9, báo cáo tình hình 14 ngày tăng cường giãn cách, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá, việc thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” đã có chuyển biến rõ rệt, phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8.
TP.HCM đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố. Toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có nguy cơ cao – vùng cam và rất cao – vùng đỏ, được xét nghiệm; tổng số mẫu test nhanh thực hiện đợt 1 là hơn 2 triệu mẫu trong đó có hơn 75.500 người dương tính (tỷ lệ 3,66% số mẫu xét nghiệm).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đợt 2 đang được triển khai với hơn 1,4 triệu mẫu, trong đó có hơn 39.000 người dương tính (2,7%). Đối với vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, trong đợt 1, đã lấy hơn 965.000 mẫu gộp đại diện hộ gia đình tại vùng xanh; gần 223.700 hộ tại vùng cận xanh và gần 286.600 hộ tại vùng vàng. Tỷ lệ dương tính ghi nhận tại vùng xanh, cận xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%.
Tổng số liều vaccine TPHCM nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế đến nay là hơn 5,6 triệu liều. Ngoài ra, thành phố nhận được nguồn tài trợ 5 triệu liều. Đến nay, thành phố đã tiêm gần 6,6 triệu mũi, gồm hơn 6 triệu mũi 1 (84%) và gần 499.000 mũi 2 (gần 7%).
Trong điều trị, TP.HCM đang điều trị 42.863 ca; tổng số bệnh nhân xuất viện từ ngày 1-1 đến nay là 125.481 người. Số F0 tại các khu cách ly tập trung quận, huyện và TP Thủ Đức là hơn 24.100 người, số F0 cách ly tại nhà là gần 84.000 người và F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà là hơn 27.500 người.
|
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân quận Tân Bình. Ảnh: HCDC |
“TP.HCM tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0, giúp điều trị kịp thời cho các F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong. Từ đó, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục” ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Về tình hình cung ứng hàng hóa, từ ngày 23/8 đến nay, đã tổ chức “đi chợ hộ” cho hơn 1,3 triệu hộ dân (đạt tỷ lệ 99% trong tổng số hộ đăng ký). Nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn, đứt gãy, đáp ứng nhu cầu hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân, TP.HCM đã mở rộng cho phép một số nhân viên của mạng lưới cung ứng hàng hóa cùng phương tiện được lưu thông; bổ sung 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ; cho phép đội ngũ shipper được hoạt động để bổ trợ các lực lượng tại địa phương. Nhờ vậy, đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong việc cung ứng lương thực thực phẩm trong thời điểm giãn cách.