Taliban tuyên bố sẽ khôi phục các hình phạt hành quyết và chặt chân, tay phạm nhân

VietTimes – Sau khi Taliban quay lại nắm quyền ở Afghanistan, quốc tế lo ngại liệu họ có quay lại chế độ cai trị hà khắc? Một trong những người sáng lập Taliban vừa tuyên bố sẽ khôi phục hình phạt hành quyết và chặt chân tay
Tới đây, chính quyền Taliban ở Afghanistan sẽ áp dụng lại các hình phạt tàn bạo hành quyết và chặt chân tay phạm nhân ở nơi công cộng (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 24/9, người đưa ra tuyên bố này khi trả lời phóng viên hãng tin Mỹ AP hôm 23/9 là Mullah Nooruddin Turabi- nổi tiếng với biệt danh "Người một mắt" từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp sau khi Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 1996 và là người đứng đầu của "Bộ Tuyên truyền đức hạnh và phòng chống tệ nạn" (còn gọi là Bộ Khuyến thiện và Trừng ác), hãng thông tấn AP cho biết thực chất đây là bộ phận "cảnh sát tôn giáo".

AP nói, Mullah Nooruddin Turabi, một trong những người sáng lập Phong trào Taliban, bị mù một mắt và cụt một chân trong cuộc chiến với các binh sĩ Liên Xô vào thập niên 1980 và hiện đang là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà tù của chính phủ lâm thời Afghanistan.

Turabi được coi là một trong những nhân vật bảo thủ nhất của Taliban, một người ủng hộ luật hình sự hà khắc. Khi xưa, ông ta từng ra lệnh xé các băng nhạc trong các ô tô và cho treo trên thân cây và cột điện thoại dài hàng trăm mét. Ngoài ra, tất cả các quan chức chính phủ được yêu cầu phải đội khăn trùm đầu, và những người đàn ông cạo râu đều bị đánh roi. Khi Turabi gặp các phóng viên, ông ta đã quát mắng một nữ phóng viên và đuổi khỏi phòng, khi một người đàn ông phản đối đã bị Turabi tát.

Người một mắt Turabi, người phụ trách vấn đề giam giữ, trừng phạt tù nhân của chính phủ lâm thời Taliban Afghanistan (Ảnh: AP).

Trong thời kỳ này, Taliban cai trị đất nước Afghanistan bằng luật Hồi giáo hà khắc; công khai hành quyết hoặc chặt chân tay những người phạm tội tại các nhà thờ hoặc sân vận động. Những người chịu trách nhiệm hành quyết sẽ do chính thành viên gia đình nạn nhân. Hầu hết những người bị hành quyết là những kẻ giết người bị kết án. Các thành viên trong gia đình nạn nhân cũng có thể chọn cách chấp nhận trả một khoản tiền gọi là “Blood money” (Tiền máu) để phạm nhân được tha. Những người phạm tội móc túi sẽ bị chặt một tay, những kẻ cướp giật trên đường sẽ bị chặt một tay và một chân.

Trả lời phóng viên AP, Turabi cho rằng về mặt quản lý an ninh, “việc chặt tay (Cutting off of hands) là rất cần thiết” vì nó có tác dụng răn đe. Ông ta chỉ ra rằng Quốc hội đang xây dựng các chính sách liên quan, bao gồm cả việc nghiên cứu xem có nên sử dụng hình phạt ở nơi công cộng hay không.

Mullah Nooruddin Turabi, hiện ở tuổi 60, nói với phóng viên hãng truyền thông Mỹ AP: "Mọi người chỉ trích chúng tôi thực hiện các hình phạt trong sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ hỏi người khác về luật pháp và hình phạt của họ. Không ai có thể bàn luận, gièm pha, đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về luật pháp của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tuân thủ luật Hồi giáo và đưa ra pháp luật dựa trên kinh Koran".

Trụ sở Bộ Phụ nữ Afghanistan ở Kabul đã được thay bằng biển tên Bộ Khuyến thiện và Trừng ác (Ảnh: AP).

Ông Turabi cũng nói rằng sau khi Taliban trở lại nắm quyền lần này, các thẩm phán bao gồm cả các phụ nữ sẽ xét xử các vụ án, nhưng ông nhấn mạnh rằng cơ sở của luật pháp Afghanistan sẽ là kinh Koran, và các hình phạt tương tự trong quá khứ sẽ được khôi phục. Ông nói rằng việc chặt tay có tác dụng răn đe và “rất cần thiết cho an ninh”. Nội các chính phủ hiện đang nghiên cứu xem có nên thực hiện công khai các hình phạt hay không và sẽ đưa ra các chính sách liên quan.

Ông Turabi nói Taliban hiện đã khác với trước đây, giờ đây chính quyền sẽ cho phép xem TV, sử dụng điện thoại di động, chụp ảnh và quay phim. Ông ta cho biết thêm, do nhu cầu của dân chúng và Taliban hiện cũng coi truyền thông là một phương thức truyền bá thông tin nên nếu các hình phạt được thực hiện công khai, công chúng có thể được phép quay video, chụp ảnh để lan truyền tác dụng răn đe.

Trong một thông tin liên quan, Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng tình hình lương thực và quần áo hiện tại của người dân Afghanistan không mấy lạc quan. Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) điều tra phát hiện thấy các vấn đề thất nghiệp, không có tiền và giá lương thực leo thang đã làm gia tăng số lượng người đang thiếu đói. Hiện cả nước Afghanistan chỉ còn khoảng 5% số gia đình đủ ăn hàng ngày.

Lính Taliban mang vũ khí đi tuần trên đường phố Kabul (Ảnh: Thepaper).

Vào tuần trước, Mohammad Yousuf - một người phát ngôn của Taliban - cho biết Bộ Khuyến thiện và Trừng ác đã được tái lập thay cho Bộ Phụ nữ với mục đích chính là "phục vụ đạo Hồi".

"Chúng tôi sẽ trừng phạt theo quy định của đạo Hồi. Bất cứ điều gì đạo Hồi chỉ dẫn, chúng tôi sẽ làm theo đó", ông này nói.

Theo Yousuf, các hình phạt sẽ áp dụng với các trường hợp mắc những "tội lỗi nghiêm trọng" theo luật Sharia của đạo Hồi, trong đó có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, giết người và trộm cắp.

Theo AP ngày 23/9, sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, tại thành phố đã khôi phục hình phạt công khai làm nhục trước công chúng đối với những kẻ phạm tội trộm cắp vặt, kể từ đó, an ninh ở Kabul dường như trở nên an toàn hơn. Trước khi Taliban vào tiếp quản, những kẻ trộm cắp đã hoành hành trên đường phố, các hành vi phạm tội tàn bạo của chúng đã ngăn cản hầu hết mọi người ra đường sau khi trời tối. Một người bán hàng ở trung tâm thành phố cho biết, "Không phải là điều hay ho khi thấy những người này bị làm nhục ở nơi công cộng, nhưng nó đã khiến bọn tội phạm chùn tay vì mọi người nghĩ rằng ‘Tôi không muốn người đó là mình’ khi họ nhìn thấy cảnh đó".

Một người chủ hiệu khác nói rằng công khai làm nhục người khác là vi phạm nhân quyền, nhưng anh ta cũng rất vui khi có thể mở cửa hàng kinh doanh sau khi trời tối.