Sau khi Afghanistan một lần nữa bị Taliban nắm quyền, địa vị của phụ nữ nước này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Ngày 17/9, một biển hiệu mới đã được treo lên bên ngoài Bộ Phụ nữ (Women's Affairs Ministry) của chính phủ Afghanistan ở Kabul, cho thấy rằng nó hiện là trụ sở của “Ministry for Preaching and Guidance and the Propagation of Virtue and the Prevention of Vice” (Bộ Giảng dạy, Hướng dẫn, Tuyên truyền đức tính tốt đẹp và Phòng ngừa tội ác). Điều này có nghĩa là việc đối xử với phụ nữ ở Afghanistan có thể bị thụt lùi 20 năm.
Bà Sharif Akhtar, một nhân viên của “Women's Economic Empowerment and Rural Development Program” (Chương trình Trao quyền Kinh tế cho Phụ nữ và Phát triển Nông thôn) của Ngân hàng Thế giới cho biết, các nhân viên người Afghanistan mà chương trình này thuê làm việc đã bị yêu cầu rời khỏi tòa nhà văn phòng vào hôm thứ Bảy (18/9).
Bộ Giáo dục, do Taliban quản lý điều hành, nêu rõ trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (18/9) rằng “tất cả giáo viên và học sinh nam các trường trung học đều nên đến trường”, nhưng không đề cập gì đến các giáo viên và học sinh nữ.
Hành động này một lần nữa cho thấy mặc dù những người lãnh đạo Taliban gần đây luôn bày tỏ sẵn sàng nới lỏng các hạn chế đối với phụ nữ, nhưng thực tế họ đang hạn chế mọi quyền của phụ nữ.
Hãng truyền hình Anh BBC ngày 17/9 đưa tin Bộ Phụ nữ của chính phủ Afghanistan ở thủ đô Kabul đã được thay thế bằng Bộ Giảng dạy, Hướng dẫn, Tuyên truyền đức tính tốt đẹp và Phòng ngừa tội ác. Một đoạn phim lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy nhiều nữ nhân viên bộ này đang tranh luận với các nhân viên Taliban bên ngoài trụ sở, yêu cầu được quay trở lại nơi làm việc.
Ngayf 17/9, biển tên trước trụ sở Bộ Phụ nữ ở Kabul đã bị thay thế bằng Bộ Khuyến thiện và Trừng ác (Ảnh: Getty). |
Bản thân Bộ Giảng dạy, Hướng dẫn, Tuyên truyền đức tính tốt đẹp và Phòng ngừa tội ác (người dân Afghanistan gọi tắt là Bộ Khuyến thiện và Trừng ác) đã tồn tại khi Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 1996. Taliban sau đó đã mở rộng quyền lực của họ bao gồm việc cho các đội cảnh sát đạo đức tuần tra trên đường phố và thực thi các luật Hồi giáo nghiêm ngặt, như cấm âm nhạc và khiêu vũ, cấm đánh cờ hoặc thả diều... Đồng thời quy định nam giới phải để râu và không được để đầu tóc theo kiểu phương Tây.
Bộ Khuyến thiện và Trừng ác có những yêu cầu khắt khe hơn đối với phụ nữ so với nam giới. Cho phép đã đánh roi những phụ nữ ăn mặc trang phục bị xem là “quá bộc lộ cơ thể” hoặc không có người giám hộ nam giới đi cùng khi ra ngoài, đồng thời cấm các trẻ em gái không được học từ bậc trung học trở lên.
Sau khi Taliban sụp đổ năm 2001, Bộ Khuyến thiện và Trừng ác đã bị giải tán; tuy nhiên, vào năm 2006, Tổng thống Afghanistan khi đó là Hamid Karzai đã thành lập một bộ phận tương tự nhưng ít quyền lực hơn dưới áp lực của phe bảo thủ. Lần này khi nó được Taliban thiết lập lại, một số thành viên Taliban nhấn mạnh với truyền thông Mỹ rằng Bộ Khuyến thiện và Trừng ác có những bảo lưu cần thiết, nhưng họ cũng không nghĩ sẽ có những cảnh thực thi pháp luật mạnh tay như thời kỳ Taliban nắm quyền trước đó.
Sinh viên các trường đại học đã được đến lớp nhưng nam nữ phải học lớp riêng hoặc ngồi chung lớp phải có vách ngăn hoặc rèm che (Ảnh: AP). |
Theo lịch của Afghanistan, ngày đầu tuần bắt đầu vào Thứ Bảy. Bộ Giáo dục của Taliban tuyên bố từ ngày thứ Bảy 18/9 sẽ mở cửa lại các lớp học từ lớp 7 đến 12, nhưng chỉ đón học sinh và giáo viên nam, học sinh và giáo viên nữ hoàn toàn được không đề cập đến. Điều này đã khiến Afghanistan trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ được giáo dục bậc trung học.
BBC cho rằng, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Afghanistan đang quay trở lại chế độ cai trị khắc nghiệt của Taliban thời kỳ cuối những năm 1990. Đài này dẫn lời một nữ sinh từng nuôi hy vọng trở thành một luật sư nói: “Tôi rất lo lắng cho tương lai của mình. Mọi thứ rất đen tối. Mỗi ngày tôi thức dậy và tự hỏi bản thân tại sao mình còn sống? Tôi có nên ở nhà và chờ đợi ai đó gõ cửa và hỏi tôi có muốn kết hôn với anh ta không? Đó liệu có phải là mục đích của người phụ nữ?”.
Người cha của cô bé nói: “Mẹ tôi mù chữ, cha tôi thường xuyên ăn hiếp bà, mắng bà là ngu ngốc. Tôi không muốn con gái tôi khổ như bà nội nó”.
Một nữ sinh 16 tuổi ở Kabul nói, đây là “một ngày bi thương”, “em muốn làm một bác sĩ, nhưng giấc mơ ấy đã tan tành. Em nghĩ rằng họ không muốn chúng em quay trở lại trường học. Dù có cho mở lại các trường thì họ cũng không muốn phụ nữ được giáo dục”.
Bộ trưởng Giáo dục Đại học Taliban Abdul Baqi Haqqani gần đây tuyên bố rằng phụ nữ có thể tiếp tục học đại học, nhưng họ phải học lớp riêng biệt với nam giới. Haqqani nói rằng các trường học nên cố gắng hết sức để phân chia giờ học khác nhau cho các lớp học nam và nữ, hoặc phân chia chỗ ngồi riêng cho nam và nữ. Ở Afghanistan, các trường đại học được điều hành bởi Bộ Giáo dục đại học, độc lập với Bộ Giáo dục quản lý việc dạy và học của các cấp tiểu học và trung học.
Theo hãng tin CNA ngày 18/9, trên Twitter cũng đã xuất hiện các bản tweet cho thấy một nhóm phụ nữ từng làm việc trong Bộ Phụ nữ đã tụ tập bên ngoài tòa nhà để phản đối việc họ bị mất việc làm.
Hai người phụ nữ đi ngang một thẩm mỹ viện dành cho phụ nữ ở Kabul đã bị đóng cửa, áp phích quảng cáo bị xóa (Ảnh: AP). |
Các trường trung học ở Afghanistan (học sinh thường từ 13 đến 18 tuổi) đã bị buộc phải đóng cửa nhiều lần trong các đợt dịch COVID-19. Sau khi Taliban lên nắm quyền vào giữa tháng 8, các trường trung học đã tiếp tục bị đóng cửa cho đến nay.
Taliban đã nhiều lần tuyên bố rằng lần này họ sẽ thực hiện một cách cai trị ôn hòa hơn, nhưng tổ chức này vẫn khẳng định rằng phụ nữ không thể quay trở lại làm việc cho đến khi " có thể thực hiện được các biện pháp cách ly giới tính phù hợp"; và phụ nữ vẫn phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về trang phục trong Quy chế của các trường đại học.
Các trường tiểu học ở Afghanistan đã được mở cửa trở lại. Hầu hết các trường học đều chia học sinh nam và nữ thành các lớp riêng, và cũng có một số giáo viên nữ đã được quay trở lại làm việc.
Bà Mabouba Suraj, người đứng đầu Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan, cho biết, điều này có thể phản ánh sự bất đồng trong nội bộ Taliban. Khi họ tìm cách củng cố quyền lực, những người thực dụng hơn trong chính phủ lâm thời đã thất thế trước những kẻ theo chủ nghĩa cứng rắn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.