|
Hai nhà lãnh đạo chủ chốt của chính quyền Taliban trong tương lai: "Lãnh tụ tối cao" Haibatullah Akhundzada (trái) và "Tổng thống" Abdul Ghani Baradar (Ảnh: Đông Phương). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 19/8, khi được phỏng vấn, một thành viên ban lãnh đạo cấp cao của Taliban nói rằng tổ chức này vẫn chưa quyết định cách thức điều hành đất nước như thế nào, nhưng nhấn mạnh rằng chính phủ trong tương lai chắc chắn sẽ không phải là một thể chế dân chủ, mà là một chính phủ Hồi giáo tuân theo luật Hồi giáo sẽ được thành lập với thủ lĩnh Taliban Mullah Haibatullah Akhundzada đảm nhiệm vai trò lãnh tụ tối cao.
Người phát ngôn chính thức của Taliban Zabiullah Mujahid hôm nay (19/8) đã thông báo trên mạng xã hội rằng sẽ thành lập một nhà nước mới mamng tên “Islamic Emirate of Afghanistan” (Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan).
|
Ông Waheedullah Hashimi, một thành viên lãnh đạo cấp cao của Taliban (giữa) trả lời phóng viên Reuters tại căn cứ hôm 17/8 (Ảnh: Reuters). |
Hãng tin Anh Reuters hôm thứ Tư (18/8) cũng đã công bố nội dung phỏng vấn ông Waheedullah Hashimi, một thành viên lãnh đạo cấp cao của Taliban. Cuộc phóng vấn này được Reuters thực hiện tại một căn cứ của Taliban nằm ở vùng giáp giới giữa Afghanistan và Pakistan.
Trong cuộc phỏng vấn, Waheedullah Hashimi khẳng định rằng tổ chức Taliban có kế hoạch thành lập một chính phủ giống như chính phủ khi Taliban nắm quyền điều hành Afghanistan từ năm 1996 đến 2001 với cơ cấu quyền lực cũng tương tự.
Giống như cố lãnh đạo Mohammad Omar, người đã nắm quyền phía sau hậu trường, Mullah Haibatullah Akhundzada rất có khả năng là lãnh tụ tối cao, đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng hoặc vị trí cao hơn, nhưng cấp phó của ông dự kiến sẽ chịu trách nhiệm giữ chức tổng thống. Các ứng cử viên bao gồm những người đồng sáng lập Taliban gồm Abdul Ghani Baradar, Mullah Yaqoob con trai của Omar, Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh của nhóm chiến binh Mạng lưới Haqqani.
|
"Quốc huy" của nhà nước Hồi giáo do Taliban sắp thành lập (Ảnh: Dwnews). |
Waheedullah Hashimi chỉ ra rằng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được quyết định về cách thức Taliban sẽ quản trị Afghanistan, nhưng điều chắc chắn là Afghanistan sẽ không phải là một quốc gia dân chủ vì thể chế dân chủ không có cơ sở ở Afghanistan. Ông nói rằng họ sẽ không thảo luận về loại hệ thống chính trị nào nên được áp dụng ở Afghanistan vì rõ ràng rằng chỉ có Luật Sharia và chỉ thế mà thôi. Ông sẽ tham dự cuộc họp ban lãnh đạo Taliban trong tuần này để thảo luận về vấn đề quản trị.
Hashimi cũng tiết lộ rằng Taliban dự kiến sẽ thành lập một quân đội Afghanistan mới, với các thành viên bao gồm các thành viên vũ trang ban đầu của Taliban và các binh lính chính phủ sẵn sàng gia nhập hàng ngũ Taliban. Taliban gần đây đã tích cực kêu gọi các phi công và binh sĩ của lực lượng chính phủ gia nhập hàng ngũ, nhưng vẫn chưa rõ thành công của nó.
|
Lính Taliban tuần tra trên đường phố (Ảnh: Dwnews). |
Taliban trong tháng này đã thu giữ được một số lượng lớn máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng trong cuộc vây hãm các thành phố ở Afghanistan. Nhưng do Taliban không có phi công nên rất cần chiêu mộ các cựu phi công quân chính phủ để điều khiển, xây dựng lực lượng tác chiến trên không. Ông cũng kêu gọi các nước láng giềng trả lại máy bay quân sự Afghanistan đã hạ cánh trên lãnh thổ của họ. Điều này được cho là ám chỉ gần 50 máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng của Không quân Afghanistan đã hạ cánh xuống Uzbekistan.
Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều), Người phát ngôn chính thức của Taliban, Zabiullah Mujahid, ngày 19/8 đã thông báo trên Twitter rằng một quốc gia mới có tên "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan" đã được thành lập.
Mujahid cũng tuyên bố rằng "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan" được thành lập 102 năm sau khi người Anh từ bỏ quyền đô hộ Afghanistan.
Ngày 19/8 cũng là ngày Quốc khánh của Afghanistan, đánh dấu sự độc lập của Afghanistan khỏi sự cai trị của Anh. Ngày 19/8/1919, Afghanistan đã giành được độc lập. Kể từ đó, hàng năm Afghanistan đã kỷ niệm Ngày Độc lập vào 19/8.
Trong khi đó, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, chiều ngày 19/8, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa bình luận về tình hình Afghanistan trong cuộc họp báo thường kỳ. Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Taliban đã nhiều lần tuyên bố họ cam kết xây dựng một chính phủ Hồi giáo cởi mở và bao dung, bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ, và mong muốn thiết lập quan hệ tốt với các nước khác. Trung Quốc nhận thấy đây là những tuyên bố và tín hiệu tích cực, đồng thời cho rằng Taliban đã tỉnh táo và lý trí hơn so với thời gian nắm quyền trước đây”.
Hoa Xuân Oánh nói: “Sau những thay đổi lớn gần đây trong tình hình ở Afghanistan, các thủ lĩnh Taliban đã nhiều lần công khai bày tỏ sẽ giải quyết các vấn đề mà người dân phải đối mặt, nỗ lực xóa bỏ sự kì thị, tuyên bố ân xá các công chức chính phủ, áp dụng hành động có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho dân chúng và các phái đoàn nước ngoài, quyết không cho phép bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ của mình để đe dọa các quốc gia khác”.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo chiều 19/8 (Ảnh: Đông Phương). |
Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc nhận thấy rằng các chính trị gia của Nga và các nước khác cũng như nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã khẳng định những biểu hiện của Taliban trên nhiều mặt sau khi họ tiến vào Kabul, cho rằng các hoạt động hiện tại của lực lượng này là tốt, tích cực và thực tế. Mặc dù tình hình tại chỗ hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng Trung Quốc cho rằng Taliban sẽ không lặp lại lịch sử”.
Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc khuyến khích và hy vọng Taliban sẽ thực hiện các tuyên bố có liên quan, đoàn kết với tất cả các đảng phái và các nhóm sắc tộc, nhanh chóng thông qua đối thoại và tham vấn thiết lập một cấu trúc chính trị rộng rãi và bao dung, phù hợp với điều kiện quốc gia của mình, được người dân ủng hộ và thực thi chính sách đối nội và đối ngoại ôn hòa và ổn định, kiềm chế các loại chủ nghĩa khủng bố và hành vi phạm tội”.
Bà Hoa cúng nói, trong nước Afghanistan hiện đang tích tụ nhiều mâu thuẫn, Mỹ đã để lại rất nhiều vấn đề, tiến trình tái thiết hòa bình khó thuận buồm xuôi gió. Bà cũng chỉ ra rằng, “những thay đổi mạnh mẽ của tình hình Afghanistan cho thấy thế giới bên ngoài trước nay thiếu sự đánh giá khách quan về tình hình địa phương, không nắm bắt chính xác dư luận” và cho rằng “các nước phương Tây cần rút ra bài học”.
Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang đánh cược về tình hình Afghanistan, một ván cược mà khả năng thắng rất mong manh.