|
Hàng trăm tài xế GrabBike đồng loạt tắt app, xuống đường biểu tình. Ảnh: M.A |
Từ sáng ngày 7/12, các diễn đàn, cộng đồng tài xế xe công nghệ Grab đã kêu gọi tắt ứng dụng hàng loạt để phản đối mức chiết khấu mới của doanh nghiệp áp dụng lên mỗi cuốc xe. Để thu hút tương tác, đoàn người tham gia biểu tình còn chia sẻ livestream qua trang cá nhân, hội nhóm trên các mạng xã hội.
|
Đoàn xe Grab biểu tình qua đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. |
Trước đó, Grab công bố tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ, đồng thời điều chỉnh mức chiết khấu trên doanh thu của tài xế từ ngày 5/12.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá cước tối thiểu của GrabCar 4 chỗ tăng từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu, từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo. GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu, từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu 2km cũng tăng tương tự GrabCar tại Hà Nội. Các km tiếp theo, GrabCar tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km với xe 4 chỗ và từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km với xe 7 chỗ.
Với dịch vụ xe hai bánh, Grab giữ nguyên mức giá 12.000 đồng cho 2km đầu. Tuy nhiên, mỗi km tiếp theo được điều chỉnh tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng, áp dụng chủ yếu tại các địa phương phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Tại một số tỉnh thành phía nam như TP.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ, mức giá tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng.
Cùng với đó, dịch vụ GrabFood cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng cho 3km đầu, giữ nguyên mức giá 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Mức giá trên chưa bao gồm phí sử dụng ứng dụng và phí đơn hàng nhỏ theo quy địng của Grab.
|
Nhiều tuyến đường ùn tắc vì đoàn xe Grab biểu tình. |
Đối với tài xế, Grab áp dụng chính sách thuế mới cho tất cả đối tác tài xế. Đơn vị này cho rằng, đây là hành động thực thi chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ đối tác tài xế công nghệ tham gia vào mạng lưới. Theo đó, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác bằng cách khấu trừ 10% thuế VAT khi thực hiện xong mỗi cuốc xe, đồng thời vẫn giữ nguyên mức thuế thu nhập cá nhân 1,5% đối với tài xế.
Các tài xế cho hay, hành động tăng chiết khấu đã ảnh hưởng đến thu nhập hàng tháng của họ với mức giảm đáng kể. Thậm chí, việc điều chỉnh tăng giá cước cũng khiến khách hàng ưu tiên sử dụng dịch vụ của hãng khác, gián tiếp làm giảm nguồn thu của tài xế khi lượng cuốc xe giảm xuống. Trên mạng xã hội, cộng đồng tài xế Grab cả nước đang kêu gọi đình công hàng loạt, đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh lại quy định.
Hiện tại, phía Grab chưa lên tiếng về vụ việc này.