Thế giới hầu như không ngạc nhiên với việc Trung Quốc đưa những vũ khí tấn công ra các hòn đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Sự triển khai này núp dưới một loạt các mánh khóe, bao gồm việc gia tăng các hành động gây chiến, một loạt những hoạt động trái phép trong các hành vi của Trung Quốc trong khu vực trong gần một thập kỷ.
Năm 2015, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa sẽ không quân sự hóa những thực thể địa lý tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Bắc Kinh đã bồi đắp và xây dựng trái phép, đi ngược lại với luật quốc tế. Quần đảo Trường Sa là một tập hợp gồm nhiều đảo san hô, cồn cát, rạn đá san hô nằm ở phía đông Biển Đông, nhưng những đảo đá này nằm ngay sát với những con đường thông thương kinh tế chính của thế giới (SLOC) và được bao quanh bởi những vùng tài nguyên tự nhiên tiềm năng như khu vực đánh cá trù phú hay dầu mỏ và khí đốt.
Do đó, Trung Quốc không giấu giếm tham vọng khống chế Trường Sa và cố gắng để làm việc đó bằng cách thiết lập những khu vực đồn trú hay bồi đắp, xây dựng trái phép trên những hòn bãi đá tại đây.
Đồn trú trái phép tại Trường Sa
Hiện tại đã rõ ràng ông Tập Cận Bình đã không giữ lời về không quân sự hóa những đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp này. Trung Quốc đã xây dựng phi pháp các công trình như sân bay, cầu cảng có thể làm nơi hạ cánh máy bay, neo đậu tàu chiến. Vào cuối 2016, Trung Quốc đã ngang nhiên lắp đặt những khẩu đội phòng không và những hệ thống phòng thủ tầm gần CIWS nối với các cảm biến để có thể bắn tự động chống lại những đe dọa từ trên không.
Đầu tháng 5.2018, Trung Quốc đã triển khai trái phép tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa ở ít nhất 3 đảo nhân tạo bồi lấp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa là Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Su Bi. Nhiều nguồn tin cho rằng tên lửa đất đối không thuộc loại HQ-9B có tầm bắn trên 200km, còn tên lửa hành trình chống hạm là YJ-12B siêu thanh có tầm bắn gần 300km. Việc triển khai hai loại tên lửa này có thể huy hiếp các nước xung quanh Biển Đông và đe dọa các lực lượng hải quân khác.
Cả hai loại tên lửa này về cơ bản đều là sao chép lại vũ khí Nga: trong khi HQ-9 copy lại tên lửa đất đối không S-300 thì YJ-12 là "phiên bản kéo dài" của tên lửa không đối đất Kh-31.
Biến Hoàng Sa thành pháo đài quân sự
Trong khi đang nỗ lực quân sự hóa phi pháp tại Trường Sa, Trung Quốc cũng ráo riết xúc tiến những hành động tương tự ở quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, Bắc Kinh đã có những hành động xây dựng, mở rộng, hiện đại hóa trái phép các cấu trúc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã mở rộng đường băng trên đảo lên 2.700m có thể tiếp nhận hầu hết các máy bay chiến đấu (mới đây Bắc Kinh đã ngang nhiên cho máy bay ném bom H-6K hạ cánh xuống Phú Lâm, thách thức dư luận quốc tế và khiến tình hình thêm căng thẳng).
Thực tế, máy bay J-11B của Trung Quốc đã có mặt trên đảo vào năm 2016. Cùng thời điểm, Bắc Kinh cũng hoàn thiện cầu cảng trên đảo Phú Lâm và triển khai tên lửa HQ-9 đất đối không vào đầu năm 2016.
Cuối cùng, Trung Quốc đã lắp đặt trái phép những trạm radar trên rất nhiều đảo tại Biển Đông và đẩy mạnh những chiến dịch đường không và đường hàng hải trong khu vực. Việc triển khai quân sự hóa của Bắc Kinh đã khiến toàn bộ khu vực rơi vào tầm kiểm soát của quân đội Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ thì các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực là để tạo ra một "chiến lược thu hẹp" trên Biển Đông. Nói cách khác, qua việc triển khai quân sự ở cả hai đầu Biển Đông - đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ở phía tây, và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở phía Đông - Bắc Kinh đang tìm cách biến Biển Đông từ một con đường thông thương kinh tế quốc tế thành "ao nhà" của Trung Quốc và là một điểm tấn công một chiều chiến lược của Trung Quốc với các nước khác.
Tạo ra vùng chống tiếp cận - chống xâm nhập
Hành động quân sự hóa ở cả 2 đầu trong khu vực Biển Đông cho thấy chiến lược "quyết liệt từng bước" kéo dài trong nhiều thập kỷ đã trở thành một cuộc tấn công toàn diện. Trung Quốc đang biến Biển Đông thành một khu vực chống tiếp cận - chống xâm nhập. Trung Quốc muốn đẩy những đối thủ về mặt quân sự ra khỏi khu vực (đặc biệt là Hải quân Mỹ) hoặc ngăn cản các nước khác hoạt động tự do trong khu vực.
Việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép Biển Đông gây ra rất nhiều hệ lụy. Bắc Kinh có thể ngăn cản tự do hàng hải, cho phép Trung Quốc lấn át các nền kinh tế trong khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc có thể gây khó khăn hơn cho những nước không phải là hải quân Trung Quốc khi đi lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời có thể gây bất lợi cho chủ quyền của rất nhiều nước trong khu vực.