Kiểm soát tài sản tư...
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được cơ quan soạn thảo là Thanh tra Chính phủ công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Điều đặc biệt là dự luật lần này không chỉ quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước (như luật hiện hành), mà quy định cả với khu vực ngoài nhà nước.
Theo đó, tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (khoản 3, điều 112).\
Các tài sản, thu nhập mà những người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp dân doanh kể trên phải kê khai (điều 44), bao gồm: đất, nhà ở, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở và công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại bất động sản khác mà giá trị của mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập tính từ lần kê khai trước đến đến thời điểm kê khai lần này.
Và, khi có biến động về tài sản, thu nhập (tăng thêm) có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai bổ sung.
Cũng theo dự luật, bản kê khai tài sản, thu nhập sẽ được cơ quan kiểm soát theo dõi, xác minh. Nếu phát hiện kê khai không trung thực, cơ quan kiểm soát sẽ yêu cầu cơ quan quản lý thuế truy thu thuế đối với số tài sản, thu nhập chênh lệch giữa kê khai và thực tế (trường hợp giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập); hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch (trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản) (điều 72, 73).
Để giám sát việc kê khai, phòng ngừa tham nhũng, dự luật còn buộc các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phải ban hành quy định việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp.
Trong điều lệ, quy chế hoạt động, các doanh nghiệp này phải quy định về cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và các hành vi tham nhũng khác.
Cụ thể là khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người đứng đầu tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và công ty đại chúng phải xử lý theo quy định của điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp; nếu vụ việc phức tạp thì phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận, xử lý hành vi tham nhũng; trường hợp hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì phải thông báo cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự.
Đặc biệt, dự luật xác định: cơ quan thanh tra nhà nước các cấp sẽ thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và công ty đại chúng.
Không cần thiết!
Theo Ban soạn thảo dự luật, mục đích của việc kiểm soát tài sản, thu nhập của lãnh đạo, quản lý các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, công ty đại chúng là để ngăn ngừa hành vi tham nhũng đối với các tổ chức ngoài khu vực nhà nước đã được thể hiện trong Bộ luật Hình sự 2015 (tội tham ô tài sản, hối lộ) và các hành vi khác như đưa hối lộ, môi giới hối lộ...
Dự luật mới bắt buộc áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng (thực hiện công khai, minh bạch tài sản, thu nhập; chế độ trách nhiệm người đứng đầu...) đối với ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, công ty đại chúng (chưa mở rộng ra các đối tượng doanh nghiệp khác) là vì ban soạn thảo cho rằng, cơ chế quản trị và điều hành của nhóm ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, công ty đại chúng có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích và đây chính là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý.
Quy định nói trên đang khiến giới doanh nhân lo lắng. Giám đốc một công ty đại chúng (không muốn nêu tên), nói: “Chuyện thu nhập của những người quản lý công ty đại chúng, hiện đã được công khai, minh bạch, các cổ đông đều có thể giám sát, không phải bàn nữa. Nhưng về tài sản của họ, tại sao phải kiểm soát? Việc này có xâm hại đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của công dân, quyền con người không?”.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Văn phòng Luật sư Nghiêm và Chính, đối với chủ doanh nghiệp, họ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp (làm thuê), họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan quản lý nhà nước đã có công cụ kiểm tra, kiểm soát hết rồi. Cho nên tài sản cá nhân của họ không liên quan gì đến Nhà nước nên không cần phải bắt họ kê khai, quản ý làm gì.
Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, cho rằng doanh nhân có nhiều nguồn thu nhập (không như quan chức) và Nhà nước đã kiểm soát thu nhập của họ thông qua cơ quan quản lý thuế rồi. “Nếu muốn phòng chống tham nhũng thì nên đưa ra những quy định để hạn chế hành vi hối lộ quan chức của doanh nhân chứ đừng buộc doanh nhân kê khai tài sản vì như thế là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của họ”, ông Kính nói.
Thực ra, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của doanh nhân, doanh nghiệp và của toàn xã hội hiện nay đã và đang được thực hiện bằng những thiết chế như: thông qua các công cụ thuế, hệ thống các quy định về đăng ký và quản lý đất đai, bất động sản, các quy định bắt buộc về đăng ký và quản lý đối với một số loại tài sản có giá trị khác (ô tô, tàu thuyền...). Cho nên, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng quy định của dự luật như vậy là chồng chéo, không cần thiết.
“Hơn nữa, doanh nhân, doanh nghiệp làm giàu trên cơ sở vốn và trí tuệ của người ta, khác với quan chức lãnh lương và bổng lộc của Nhà nước. Nếu đánh đồng doanh nhân cũng như quan chức để quản lý về phòng chống tham nhũng như thế, tức Nhà nước sẽ hạn chế tinh thần khởi nghiệp và ham muốn làm giàu của người dân”, ông Nghiêm nói.
TẬP TRUNG CHỐNG THAM NHŨNG TRONG KHU VỰC CÔNG TRƯỚC
Với quy định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm cả người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư (khoản 3, điều 112, dự thảo), có thể hiểu, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) muốn điều chỉnh hành vi tham nhũng trong khu vực công quyền lẫn trong khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, đây là một mục tiêu quá rộng so với năng lực thực thi hiện tại của Việt Nam. Trong bối cảnh chống tham nhũng trong khu vực công quyền chưa đáp ứng yêu cầu, có quá vội khi mở rộng mục tiêu điều chỉnh?
Ngay cả khi bỏ qua yếu tố năng lực thực thi thì việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như trong dự thảo cũng là cách làm nửa vời, chưa triệt để và mang tính hình thức. Cụ thể, đọc toàn văn dự thảo người đọc không rút ra được nguyên tắc kiểm soát đối với hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư là gì, cơ chế thực thi như thế nào.
Muốn mở rộng sang lĩnh vực tư, pháp luật phòng, chống tham nhũng phải có cơ chế liên thông với các lĩnh vực pháp luật khác, đặc biệt là kiểm soát sở hữu của công dân. Với thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt và tích trữ vàng, sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát sở hữu của công dân. Chỉ với các thông tin có được từ hệ thống đăng ký sở hữu bất động sản và đăng ký quyền sở hữu một số tài sản khác, sẽ tạo nên một bức tranh méo mó và không hoàn chỉnh về sở hữu tại Việt Nam. Việc cơ quan soạn thảo không lường hết hoặc cố tình bỏ qua độ phức tạp của vấn đề sở hữu làm cho việc yêu cầu kê khai thông tin trở thành một biện pháp mang tính nửa vời.
Theo tôi, trong ngắn hạn, mục tiêu của Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ nên giới hạn trong lĩnh vực công quyền vì các lý do sau:
Một là, cần phải ưu tiên hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư. Việt Nam đã tốn nhiều công sức và tài chính cho việc quảng bá về môi trường đầu tư. Nhưng nếu thực thi không tốt, vấn nạn tham nhũng sẽ làm cho những cố gắng trên trở thành vô nghĩa.
Hai là, vấn nạn tham nhũng công chưa được giải quyết tốt, có một phần vì năng lực thực thi pháp luật. Cho nên, mở rộng phạm vi càng làm cho việc thực thi trở nên dàn trải và kém hiệu quả.
Ba là, so với tham nhũng công, mức độ tác hại của tham nhũng tư nhân chưa phải là vấn đề cấp bách. Việc thu hút đầu tư nước ngoài, làm cho doanh nghiệp trở nên lớn mạnh chính là tiền đề để thực hành các chuẩn mực trong kiểm soát quản trị (Corporate Governance). “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, chính các quy tắc về quản trị tốt sẽ là cơ chế nhằm góp phần hạn chế tham nhũng trong các công ty đại chúng, chứ không phải là những quy định phần nhiều mang tính tuyên ngôn từ Luật Phòng, chống tham nhũng.
Phạm Hoài Huấn, Đại học Luật TPHCM
Theo TBKTSG |