Tại sao chuyển đổi số là xu hướng tất yếu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tính tất yếu của chuyển đổi số đến từ sự toàn cầu hóa, dù có hay không có, muốn hay không muốn, làm hay không làm, mọi xã hội đều bị cuốn vào sự chuyển đổi của cuộc cách mạng này.

Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI).
Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI).

Chúng ta bắt đầu cho chuyển đổi số bằng những áp lực đến từ sự phát triển của công nghệ. Chúng ta đang giải thích lại theo hướng nó phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức, rồi chuyển đổi số phải là một sự quyết tâm và ý chí thay đổi của người lãnh đạo... Và chúng ta sẽ lòng vòng tiếp tục với những kiến giải mới hơn kiểu như vậy, bởi vì chúng ta chưa thấu được bản chất gốc rễ của chuyển đổi số.

Về bản chất, chuyển đổi số là một ngôn từ mới của từ “Chuyển đổi/thay đổi” (Transformation) - vốn vẫn là thứ hàng ngày diễn ra trong mọi tiến trình phát triển của đời sống xã hội, mang tính tất yếu và không thể đảo ngược, trong một môi trường đặc biệt mới: “môi trường số”.

Sự “chuyển đổi/thay đổi” này bao gồm ba trụ cột: Tái tổ chức (Re-organization); Tái cấu trúc (Restructure); và Tái định hình (Reframing).

Sự “chuyển đổi/thay đổi” này bắt nguồn từ đâu?

Trước hết, nó xuất phát từ sự tích lũy về lượng, đòi hỏi sự thay đổi về chất. Với sự phát triển không ngừng, xã hội ngày càng tích tụ về lượng ở nhiều mặt khác nhau. Sự tích tụ về lượng đó đến một điểm nhất định sẽ đòi hỏi sự Tái tổ chức (Re-organizaton) lại để phù hợp với những điều kiện mới, khi của cải vật chất tăng lên, số người tăng lên, nhu cầu đa dạng hơn, các loại hình hoạt động gia tăng.

Sự Tái tổ chức (Re-organization) đời sống sẽ dẫn đến sự phá hủy cấu trúc của các mối quan hệ, tương tác và ràng buộc trong đời sống xã hội. Điều đó sẽ dẫn đến cái được gọi là “sự phá hủy mang tính sáng tạo” của Joseph Schumpeter. Và điều này sẽ dẫn đến sự đảo lộn các quy trình hoạt động của xã hội, cách mà chúng giao tiếp với nhau, và cuối cùng là những hình thức giao dịch trong xã hội. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một sự Tái cấu trúc (Restructure) lại xã hội.

Sự tái cấu trúc lại xã hội, dẫn đến việc thay đổi hoàn toàn cái cách mà các “đầu vào” của quy trình vận hành xã hội cho phép tạo ra các “đầu ra”. Điều này lại dẫn đến một sự “chuyển đổi/thay đổi” (transformation) những “đầu vào” mang tính căn bản của quy trình vận hành xã hội. Điều đó dẫn đến sự đòi hỏi cần phải có một sự Tái định hình (Reframing) lại xã hội trong việc: Thiết kế ra các sản phẩm-dịch vụ; Cách chúng ta tiêu dùng và hưởng thụ các sản phẩm-dịch vụ; và Phương cách chúng ta tư duy về đời sống xã hội dựa trên bản vị - “đầu vào” cơ bản nhất.

Sự “chuyển đổi/thay đổi” (Transformation) do vậy, phải là sự đồng thời của 3 trụ cột trên.

Chúng ta đã bắt đầu với cuộc cách mạng nông nghiệp với đất đai là nguồn “đầu vào” căn bản, với đời sống nông thôn – làng xã là cấu trúc chủ đạo – và với sự hạn chế về năng lực sản xuất của cải vật chất do điều kiện tự nhiên, không gian và thời gian là chủ đạo.

Chúng ta tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp với vốn là nguồn “đầu vào” căn bản – đời sống thành thị là chủ đạo – và sự khan hiếm về nguồn tài nguyên là chủ đạo.

Và ngày hôm nay, chúng ta đang tiến vào một cuộc cách mạng hậu công nghiệp (Cách mạng Chuyển đổi số - hay có thể gọi là cuộc Cách mạng về Văn hóa) với “dữ liệu” (hay tri thức) là nguồn “đầu vào” căn bản – đời sống phân tán và di động cao là chủ đạo – và sự dư thừa là chủ đạo. Và đó là tiền đề đặt định cho Chuyển đổi số - hay đúng hơn là cuộc cách mạng Chuyển đổi số/Văn hóa.

Chúng ta sẽ phải Chuyển đổi số như thế nào?

Đây là một xu thế tất yếu, và do vậy, chúng ta dù có hay không có, muốn hay không muốn, làm hay không làm cũng bị xô đẩy vào dòng chảy của cuộc chuyển đổi này.

Tính tất yếu đầu tiên của nó đến từ sự toàn cầu hóa, chính toàn cầu hóa đã tạo ra sự tất yếu, cuốn tất cả các xã hội vào sự chuyển đổi của cuộc cách mạng này. Bơi trong dòng nước là nhiệm vụ đầu tiên khi bị xô đẩy vào dòng nước. Nhưng để không bị đuối sức, không bị chìm hay không bị trôi dạt một cách trong dòng chảy này, chúng ta trước hết cần phải định vị cho mình một “bến đậu” để “neo” mình vào đó đã. Chuyển đổi số do vậy là một cuộc cách mạng ngược. Nó không đi từ dưới lên, mà đi từ trên xuống.

Chúng ta cần phải xác định được chúng ta chuyển đổi số để hướng đến đâu và điều đó đòi hỏi một sự Tái định hình (Reframing) trước nhất, để có được một “quy hoạch tổng thể”, nhờ đó chúng ta sẽ biết phải bơi đến đâu và gặp những gì trên đường để biết phải làm gì và làm như thế nào. Sau khi Tái định hình, chúng ta sẽ tiến tới Tái cấu trúc (Restructure) để cân đối sức và chọn lựa những cách thức phù hợp trong từng chặng đường, vượt qua từng trở ngại trên con đường tiến tới “bến đậu”. Rồi cuối cùng mới là việc Tái tổ chức (Re-organization) mọi thứ cho phù hợp nơi “bến đậu” đó.

Với khái niệm chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới, trong đó công nghệ là động lực, xã hội số là nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng tài chính từ vốn (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital), chúng ta có thể thấy rõ cấu trúc của sự “chuyển đổi/thay đổi” này, với đầu vào căn bản là dữ liệu và nó hình thành nên một thứ “vốn dữ liệu” (data-capital) – xã hội số là cấu trúc chủ đạo với đặc trưng chính là sự phân tán và di động cao – và sự dư thừa do công nghệ phát triển liên tục là chủ đạo.

Chuyển đổi số là một tiến trình bao gồm 4 cấu phần chính:

(1) Sự chuyển đổi về cấu trúc xã hội;

(2) Sự hình thành các hệ sinh thái xã hội;

(3) Sự phát triển hài hòa;

(4) Sự chuyển đổi về phương thức tổ chức của các tổ chức/doanh nghiệp.

Diễn đạt lại, Sự tái tổ chức (Re-organization) là sự chuyển từ 1) sang 2); Sự tái cấu trúc (Restructure) là sự chuyển từ 2) sang 3); và Sự tái định hình (Reframing) là sự chuyển từ 3) sang 4).

Nhưng do Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng ngược nên chúng ta sẽ chuyển đảo quá trình đó bắt đầu từ 4) sang 3) sang 2) sang 1)./.