Tài sản Trungnam Group tiệm cận 100.000 tỉ đồng, báo lãi 242 tỉ đồng năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Là pháp nhân lõi trong "hệ sinh thái" đa ngành của anh em doanh nhân Nguyễn Tâm Thịnh và Nguyễn Tâm Tiến, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của Trungnam Group đã vượt 96.000 tỉ đồng (hơn 4 tỉ USD).

CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) vừa công bố tình hình tài chính năm 2022, trong đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 254,6 tỉ đồng, giảm 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế riêng công ty mẹ đạt 241,6 tỉ đồng, giảm 88,5% so với năm 2021.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất của Trungnam Group đạt 96.024,2 tỉ đồng (hơn 4 tỉ USD), tăng 3,8% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ xuống mức 27.914 tỉ đồng.

vt-trungnam-group.PNG

Báo cáo của Trungnam Group cho thấy, tài sản của tập đoàn này phần lớn được hình thành từ nợ phải trả, với số dư tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 68.110,2 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 35,6%, ở mức 24.285,2 tỉ đồng.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trungnam Group (công ty mẹ) hiện có 4 lô trái phiếu đang lưu hành, với tổng giá trị 4.530 tỉ đồng, lãi suất dao động từ 9,5-10%/năm.

Tính đến cuối năm 2022, nhiều công ty thành viên trong “hệ sinh thái” Trungnam Group cũng ghi nhận dư nợ trái phiếu lớn, kể đến như CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (9.798 tỉ đồng), Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (4.943,9 tỉ đồng), CTCP Điện mặt trời Trung Nam (2.289 tỉ đồng).

Trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao, ‘núi nợ’ trái phiếu lên tới cả tỉ USD có thể là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh năm 2022 của Trungnam Group sụt giảm đáng kể so với năm 2021.

Khoản lãi đột biến 2.100 tỉ đồng năm 2021

Với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực xây lắp và năng lượng tái tạo, năm 2021, Trungnam Group đã được hưởng lợi lớn từ trào lưu đầu tư điện gió tại Việt Nam, với đối tác chủ yếu là các đơn vị thành viên trong “hệ sinh thái” của tập đoàn.

Năm 2021, Trungnam Group báo lãi sau thuế hợp nhất 1.634,8 tỉ đồng. Báo tài chính riêng lẻ của công ty này thậm chí ghi nhận khoản lãi sau thuế đột biến tới 2.104,5 tỉ đồng, gấp 15,8 lần so với năm 2020.

Nguyên nhân có thể là do trong năm 2021, tập đoàn của anh em ông Nguyễn Tâm Thịnh - Nguyễn Tâm Tiến đã bán bớt cổ phần tại các dự án năng lượng tái tạo, kể tới như thương vụ bán 49% cổ phần Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc (204MW) cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE) – thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).

Trong năm 2021, nhiều đơn vị thành viên trong lĩnh vực năng lượng của Trungnam Group cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, như: Công ty TNHH Điện mặt Trời Trung Nam Thuận Nam lãi sau thuế 402,2 tỉ đồng; CTCP Điện mặt trời Trung Nam lãi sau thuế 285,3 tỉ đồng; CTCP Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh lãi sau thuế 114 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, chỉ tiêu lợi nhuận của các công ty này đều sụt giảm. Thậm chí, như VietTimes từng đề cập, CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 – thành viên của Trungnam Group, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ea Nam – còn báo lỗ tới 858,9 tỉ đồng trong năm 2022.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2022, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Trungnam Group đang làm việc với đơn vị tư vấn tài chính để bán từ 30-35% cổ phần trong danh mục đầu tư của mình, chủ yếu là dự án điện gió và điện mặt trời. Khối tài sản này có thể được định giá lên tới 1 tỉ USD.

Việc chuyển nhượng cổ phần dự án năng lượng tái tạo được lãnh đạo Trungnam Group xem như là cách thức giúp tập đoàn này 'khoẻ hơn', có thêm dòng tiền để phát triển các dự án khác trong tương lai./.