Trước TIZE, Gujal từng là Phó chủ tịch điều hành Công ty Cricut chuyên sản xuất máy cắt điện tử. Năm 2014, công ty này rơi vào khó khăn buộc Gujal cùng ban quản lý phải lên kế hoạch thay đổi mọi thứ. Khi đó, họ phải suy nghĩ và hành động như một startup.
Kinh nghiệm trên đã giúp Gujal nhận ra, việc thay đổi cơ cấu tổ chức không những giúp vực dậy tinh thần làm việc của nhân viên mà còn tác động sâu sắc đến văn hóa công ty. Ngay đến "gã khổng lồ" công nghệ Samsung cũng áp dụng phương pháp này khi vào đầu năm 2016, Hãng cho ra mắt một dự án lớn với mục đích tái tạo văn hóa công ty theo mô hình startup.
Tuy nhiên, không giống như công ty hoạt động lâu năm, các công ty startup không tuân theo bất cứ hình mẫu nào. Do đó, bạn không thể "bê" nguyên mọi thứ của một công ty startup áp dụng vào công ty lớn được.
Sau đây là 5 điều Gujal rút ra được từ mô hình tổ chức công ty startup có thể dễ dàng áp dụng cho nhiều công ty khác:
1. Tạo không gian mở
Startup thường là những công ty được thành lập với quy mô nhỏ, do đó công ty không hề tồn tại bộ máy quản lý cồng kềnh hay cần có các biểu đồ kinh doanh phức tạp như các tập đoàn lớn. Tuy vậy, môi trường làm việc của công ty startup phải thường xuyên được đổi mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp nhân viên dễ tuôn trào ý tưởng.
Do đó, hãy chắc chắn bạn đang tạo ra môi trường làm việc thoải mái cho mọi người trong công ty, bằng cách thiết kế không gian mở, kê thêm bàn chơi bi-a, v v... Các công ty lớn cũng có thể tận dụng các mạng xã hội để tăng tính kết nối cộng đồng.
Dù làm cách nào, điều quan trọng là bạn phải tạo được môi trường nơi mọi người cảm thấy họ là một phần trong đó.
2. Giảm bớt hệ thống cấp bậc
Khi làm việc tại startup, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy sự đóng góp của mình vào quá trình phát triển công ty. Nhưng tại các công ty lớn, những đóng góp này của bạn sẽ giống như muối bỏ biển. Đồng thời, sẽ không ai thúc đẩy bạn phải nỗ lực hơn nữa vì rõ ràng công ty sẽ vẫn tồn tại dù có hay không có bạn.
Bài học rút ra ở đây là, hãy để nhân viên cảm thấy họ được làm chủ công việc và mong muốn cống hiến cho công ty. Bằng cách cắt giảm bớt hệ thống cấp bậc, bạn sẽ tạo cơ hội bình đẳng giúp mọi người có quyền theo đuổi dự án và nhìn thấy sức ảnh hưởng của mình.
3. Chia nhỏ bộ phận
Những team (nhóm) nhỏ giữ chức năng chuyên biệt có xu hướng làm được nhiều việc hơn các phòng ban lớn. Hãy để các team của bạn trao đổi với nhau nhiều hơn cùng thời gian ngắn hơn. Thử bắt đầu bằng việc chia nhỏ một dự án "khó nhằn" thành những dự án nhỏ và giao chúng cho các nhóm - mỗi nhóm từ 3 đến 4 người thuộc các phòng ban khác nhau, chịu trách nhiệm quản lý.
Việc chia nhỏ dự án đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian hoàn thành, giảm phụ thuộc vào nhau và tăng tính linh hoạt giữa các nhóm.
4. Xây dựng dự án thử nghiệm
Khác với những tập đoàn lớn, các công ty startup thường chạy dự án thử nghiệm và đề ra các điều chỉnh cần thiết dựa trên phản hồi của khách hàng trước khi ra mắt dự án hoàn chỉnh.
Hãy áp dụng điều này cho công ty của bạn. Thay vì ra mắt một thương hiệu sản phẩm mới, sau đó vật lộn điều chỉnh theo phản hồi khách hàng, hãy xây dựng một dự án thí điểm và từng bước hình thành, phát triển sản phẩm/dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của khách hàng.
5. Sẵn sàng thay đổi
Kẻ thù lớn nhất của startup chính là tư duy theo lối mòn. Việc bạn từ chối thay đổi hay thậm chí do dự trước những ý tưởng mới mẻ có khả năng giết chết sức sáng tạo và sự độc đáo của công ty
Theo DNSG/Tech in Asia