Liên bang Nga nuôi ý định phục hồi lại danh tiếng và lãnh thổ đã mất cùng với sự sụp đổ của Liên Xô. Các mục tiêu quân sự chủ chốt phù hợp với cuộc tấn công địa chính trị đang xung đột với sự mở rộng sang phía đông của khối NATO tại lục địa châu Âu và ngăn chặn Mỹ tự do tiếp cận và phóng chiếu quyền lực trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực biển.
Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân công bố học thuyết biển mới phản ánh những mục tiêu này. Trong tiến trình này, hải quân Nga đang thể hiện những đặc tính của Binh pháp Tôn Tử.
Tham khảo Tôn Tử không phải hiện tượng mới trong các hạm đội hải quân có truyền thống của phương Tây. Hoàng đế Đức Wilhelm II từng mong muốn giá như ông có thể đọc Tôn Tử trước Chiến tranh thế giới thứ nhất và tướng Mỹ Douglas MacArthur được biết cũng viện dẫn Tôn Tử trong các bài giảng của mình.
Những phân tích về cách thức chiến đấu của Nga tại Ukraine, đặc biệt là việc sáp nhập Crimea đã hé lộ việc áp dụng học thuyết Gerasimov chủ trương đánh vào chỗ yếu của kẻ địch trong khi tránh đối đầu trực tiếp. Đây là một trong những nguyên lý chính yếu của chiến tranh phi đối xứng mà Tôn Tử khuyên dạy.
Binh pháp Tôn Tử nối tiếng dạy rằng “binh bất yếm trá” (khi dùng binh thì không câu nệ chuyện dối trá). Bậc thầy binh pháp dạy rằng phải làm ra vẻ yếu khi mình đang mạnh và tỏ vẻ mạnh khi đang yếu. Tôn Tử cũng khuyên dụng binh phải bất ngờ có mặt ở nơi kẻ địch không ngờ tới và đánh vào các điểm yếu. Ngăn chặn và đánh lừa là những chiến thuật chủ yếu đã được Nga sử dụng trong chiến dịch sáp nhập Crimea và giành quyền kiểm soát cảng nước ấm Sevastopol. Hải quân Nga cũng chơi trò bóng ma trên các vùng nước biển Baltic và bay sát chiến hạm Mỹ trên Biển Đen và Thái Bình Dương.
Bằng cách hiện diện và thực hiện những hoạt động tại các vùng biển bên ngoài lãnh thổ và các khu vực lợi ích khác, hải quân Nga mưu toan ngăn chặn các địch thủ tập trung các nguồn lực vào các khu vực biển họ quan tâm như châu Âu và Trung Đông. Với Putin, Ukraine và Syria là đất dụng võ cho sự trỗi dậy trở lại của Nga trong trật tự quốc tế. Mệnh lệnh là ngăn không cho hải quân các nước khác giành được lợi thế trên cơ tại các khu vực này để thực hiện các đòn công kích quân sự hoặc tăng cường vận động ngoại giao.
Tuy nhiên, sự chểnh mảng của một bộ phận bộ máy hành chính Nga đối với hải quân đã làm yếu đi sức mạnh của lực lượng này cũng như các công nghệ tinh vi khi trực tiếp đối phó với hải quân các nước NATO và Mỹ. Tình trạng này đã buộc hải quân Nga áp dụng những phương tiện chiến tranh phi đối xứng.
Bởi thế, hải quân Nga đang tạo dựng nghệ thuật ngăn chặn trên biển bằng cách thiết lập một “vòng cung thép” giữa Bắc Cực và Địa Trung Hải qua biên Baltic và biển Đen. Tương tự, ít nhất về phương diện ý tưởng, chiến lược chống tiếp cận (A2AD) Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng ở tây Thái Bình Dương cũng ảnh hưởng từ Binh pháp Tôn Tử.
Những học trò của Mahan (chiến lược gia hải quân lừng danh người Mỹ đưa ra học thuyết Sức mạnh biển được Mỹ triệt để áp dụng) biết rằng lý do tồn tại của lực lượng hải quân là giữ thông thương qua suốt các vùng biển mở và bảo vệ giao thương qua các vùng biển trên. Điều khiến một lực lượng hải quân hùng mạnh như Mỹ lo ngại là sự suy yếu liên quan trật tự toàn cầu sau các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan và tập trung vào gây dựng lại kinh tế.
Bằng cách thực hiện cơ chế ngăn chặn khu vực nhưng mạnh mẽ, hải quân Nga đang hạn chế các đối thủ phóng chiếu khả năng quyền lực. Thiếu lối tiếp cận không bị ngăn trở trong lĩnh vực hàng hải cũng tước mất quyền tự do giao thương và ảnh hưởng tới nền kinh tế cảu Mỹ cũng như các đồng minh tại châu Âu. Đó chính là điều tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson lo lắng khi ông phát biểu về những tác động bất lợi của hoạt động hải quân Nga trên tuyến hàng hải chạy qua Địa Trung Hải. Thực chất, hải quân Nga đang thực hiện lời dạy “bất chiến tự nhiên thành” (không cần đánh mà thắng) là chiến lược cao thâm nhất trong binh pháp Tôn Tử.
Ngoài an ninh thương mại, hải quân Mỹ cũng phóng chiếu sức mạnh toàn cầu nhằm ngăn chặn và đánh bại sự xâm hại lợi ích của Mỹ. Một nhiệm vụ như vậy đòi hỏi phải hải quân được cung cấp đủ số lượng chiến hạm với các hệ thống thiết bị trinh sát và vũ khí tiên tiến. Hệ thống chính trị cai quản các tài sản này được triển khai trong một số lĩnh vực có trách nhiệm, bảo vệ các lợi ích và đáp trả những mối nguy cơ. Chính quyền Obama đã ra lệnh triển khai 60% lực lượng hải quân tới châu Á-Thái Bình Dương để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực mà nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào đó.
Một phần đáng kể những tài sản trên được dùng để đối phó với việc Trung Quốc xây dựng hải quân và ngày càng hung hăng trong các hoạt động trên biển. Hải quân Mỹ được kỳ vọng giải quyết bất cứ cuộc xâm lược quân sự nào trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thật khó khăn để kiềm chế sự nổi lên của một mối đe dọa nghiêm trọng tại khu vực khác mà khả năng của Mỹ bị suy yếu để chiến đấu và chiến thắng đồng thời trước hai đối thủ lớn bất ngờ.
Để giải vây cho tình huống này, hải quân Mỹ và các ông chủ tại Quốc hội Mỹ phải kịch liệt chống lại việc “đóng băng” ngân sách chi tiêu quốc phòng. Một trận chiến dữ dội đã nổ ra tại Quốc hội Mỹ liên quan việc cấp ngân quỹ cho chương trình đóng các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới (chương trình thay thế các tàu ngầm lớp Ohio). Việc xây dựng các tàu sân bay lớp Ford và tàu tác chiến ven bờ đang tiến triển nhưng bị chỉ trích và cắt giảm ngân sách.
Và hiện nay hải quân Mỹ đang tác chiến ở Trung Đông mà không có tàu sân bay hỗ trợ lần đầu tiên trong những năm gần đây trong khi khu vực này đang chứng kiến những cuộc xung đột mới bùng phát. Những vấn đề chỉ ra thực tế rằng hải quân Mỹ đang bị kéo căng quá mức và thiếu kinh phí.
Đây chính là điểm yếu mà Tôn Tử sẽ đánh vào. Do đó, hải quân Nga đã mở ra những vùng biển tranh chấp. Nhằm đối phó với hoạt động của hải quân Nga, tư lệnh Hạm đội 6 đã buộc phải triển khai bổ sung các chiến hạm trong khu vực của mình phụ trách, trong khi tư lệnh hải quân Mỹ Richardson xem xét tăng cường sự hiện diện tại châu Âu.
Bằng cách tăng cường hoạt động hải quân và thiết lập cơ chế chống tiếp cận của mình, Nga đang nhắm tới việc tước quyền của hải quân Mỹ và NATO khỏi vai trò cơ bản là bảo vệ thương mại, bảo đảm sự thịnh vượng toàn cầu và phóng chiếu quyền lực. Mối đe dọa hải quân Nga đã thay đổi logic về số lượng và chiến lược biển của hải quân Mỹ trên thực tế và buộc Mỹ phải xem xét lại tổng thể.
Nếu không có sự trợ giúp của hải quân Mỹ, các lực lượng NATO cũng cho thấy những hạn chế nghiêm trọng. Do đó hải quân đang là mũi nhọn của nước Nga đang tái trỗi dậy và đương đầu với các đối thủ của mình đơn giản bằng cách học hỏi Tôn Tử.
* Bài viết của Vidya Sagar Reddy, Trợ lý nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu Người quan sát, New Delhi.
Theo QPAN