Theo Viện tài chính Quốc tế (IIF), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể sụt giảm về chỉ còn khoảng 1% trong năm nay.
“Một cuộc suy thoái toàn cầu đang hiện diện ngay trước mắt chúng ta”, kinh tế gia của Rabobank cho biết hôm Thứ Ba, khi mà dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 1,6% vào cuối năm nay. Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng ở mức 2,9% trong năm 2019.
“Trong giai đoạn này, tất cả mọi thứ đều không chắc chắn. Tác động xấu mà virus Corona gây ra có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế”, IIF nhận định. "Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 có thể dừng lại ở mức 1%, thấp hơn năm 2019 và có thể là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009".
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu của họ. OECD ước tính rằng GDP toàn cầu sẽ tăng ở mức 2,4% trong năm nay, giảm 0,5% so với dự báo được thực hiện vào tháng 11.
"Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng virus Corona sẽ tác động chủ yếu đến các nhu cầu tổng hợp ở Trung Quốc, du lịch toàn cầu và các chuỗi cung ứng tại Đông Á. Tuy nhiên, hiện tại rõ ràng là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề khác nhau trên toàn thế giới. Nó sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu", báo cáo cảu Moody's viết.
Kinh tế toàn cầu 2020 trước viễn cảnh rất ảm đạm.
|
Hiện tại, nhiều nước đã đưa ra các ban hành lệnh hạn chế di chuyển đối với công dân của mình. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng cho nhân viên của mình được làm việc tại nhà thay vì phải đến công ty để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19. Người dân ở châu Âu cũng đã ít di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc máy bay hơn, kèm theo đó là việc hạn chế đến những nơi đông người như viện bảo tàng, nhà hàng và rạp chiếu phim.
"Chúng tôi đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,8%. Đây sẽ là lần mức dự báo thấp nhất kể từ năm 2009", Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) cho biết hai tuần trước.
Trong khi đó, kinh tế gia của Nomura đã cảnh báo rằng một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ xảy ra nếu tình trạng dịch bệnh diễn biến kéo dài.
"Đây là một sự suy thoái kinh tế toàn cầu bất thường. Các phản ứng hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại không phải là chính sách tiền tệ hay tài khóa mà là kiểm soát an ninh y tế. Nếu kiểm soát an ninh y tế không thể ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, thị trường tài chính có thể sớm phải chấp nhận rằng suy thoái kinh tế toàn cầu là điều khó tránh khỏi", phát ngôn viên của ngân hàng cho biết.
Số ca nhiễm dịch bệnh COVID-19 đã vượt qua con số 114.000 người trên toàn thế giới. Virus Corona bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối tháng 12 vừa qua đang gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Thời gian tới đây, nếu không có các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, tình hình thậm chí còn có thể tệ hơn./.
Theo CNBC