Dự kiến, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: đến năm 2020 sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) xây dựng quy mô sân bay cấp 4C công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng/năm với 2 sân đỗ máy bay.
Giai đoạn 2: đến năm 2030 sẽ đầu tư 1.033 tỷ đồng nâng cấp số sân đỗ máy bay lên 5 điểm để đạt công suất 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm.
Theo thiết kế, sân bay sẽ có đường cất, hạ cánh máy bay dài 3.000m, rộng 45m và ga hàng không dân dụng rộng 30.000m2, nhà điều hành rộng 20.000m2, cùng hệ thống phụ trợ như đài hãm phanh, kho bãi, tường rào, vườn hoa, bốt gác…
UBND tỉnh Lào Cai cũng cho biết, hiện dự án đang nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư như Công ty Cổ phần tập đoàn Mặt trời (SunGroup), liên doanh Công ty SAMOOCM cùng Công ty Hanwha E&C và Công ty Kovina T&C… Trong đó, tập đoàn SunGroup hiện được giao nghiên cứu lập đề xuất dự án.
Về phương án đầu tư, Lào Cai đã đề xuất 2 phương án với hi vọng nhận được sự hỗ trợ của cả Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trong đó, đặc biệt là Trung ương hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí là 750 tỷ đồng.
Về lý do đề nghị xây sân bay, Lào Cai cho biết tỉnh nằm trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai, do đó nếu có sân bay như Hà Nội, Hải Phòng thì sẽ đóng vai trò tương hỗ vận tải với đường sắt, đường bộ. Đồng thời, dự án sân bay này sẽ phục vụ cứu hộ cứu nạn trong mùa lũ, thúc đẩy du lịch, thương mại giữa giữa các vùng trong nước và với nước ngoài; phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực Bắc Trung bộ đến khu vực Tây Bắc….
Với SunGroup, nếu được giao làm chủ đầu tư dự án sân bay tại Lào Cai, doanh nghiệp này sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được giao 2 dự án sân bay. Hiện, SunGroup đang là chủ đầu tư dự án sân bay Vân Đồn tại Quảng Ninh.