Sức mạnh tăng T-90S và T-90SK Nga bán cho Việt Nam

Nga đã bắt đầu chuyển giao xe tăng chủ lực Т-90S và biến thể xe tăng chỉ huy Т-90SK theo hợp đồng với Việt Nam, Trưởng phái đoàn Nga tại Triển lãm Defense&Security diễn ra ở Bangkok từ ngày 6-9/11/2017, Thái Lan, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác Kỹ thuật quân sự (FSVTS) Mikhail Petukhov cho biết.
Xe tăng T-90 của Nga
Xe tăng T-90 của Nga
“Trong quá trình đàm phán của các chuyên gia Nga và Việt Nam, đã ký hợp đồng cung cấp Т-90S và Т-90SK. Hiện nay, hai bên đã bắt tay vào thực hiện”, Interfax dẫn lời ông Petukhov.
Trước đó, báo cáo thường niên của hãng Uralvagonzavod (sản xuất T-90) cho biết, trong năm 2017, họ sẽ bắt đầu thực hiện hợp đồng với khách hàng mã số 704 (Việt Nam) cung cấp 64 xe tăng Т-90S/SK.
T-90S là biến thể xuất khẩu của T-90А và khác với T-90A trước hết ở chỗ không được lắp phòng vệ chủ động Shtora, nhưng điều đó được bù đắp bởi các khối giáp phản ứng nổ. T-90SK là biến thể chỉ huy của T-90S.
T-90А/S là xe tăng chủ lực hiện đại nhất đang được sản xuất công nghiệp ở Nga hiện nay. Biến thể mới nhất của T-90A là T-90AM (còn gọi là T-90M, biến thể xuất khẩu là T-90MS/SM) hiện số phận chưa rõ ràng mặc dù hãng Uralvagonzavod nhiều lần tuyên bố sẵn sàng bắt đầu sản xuất công nghiệp xe tăng này trong thời gian ngắn nhất. Nhưng do khó khăn khách quan với việc đưa vào trang bị tăng T-14 Armata thì cơ hội của T-90AM vẫn còn.
T-90АM có một số cải tiến lớn như động cơ mạnh hơn, hộp số, máy nạp đạn tự động hiện đại hóa và pháo tốt hơn 2A46M-5. Xe tăng này cũng sẽ được lắp ụ súng máy phòng không UDP T05BV-1 và giáp phản ứng nổ Relikt có khả năng chặn đứng mọi loại đạn chống tăng hiện đại. Vốn dĩ, Việt Nam cũng đã tỏ ra rất quan tâm đến biến thể này của T-90.
Hợp đồng bán T-90S/SK cho Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đối với Nga và sắp tới có thể được củng cố bằng các hợp đồng bán vũ khí trang bị khác của Nga.
T-90M
T-90M
Một số tính năng kỹ-chiến thuật của biến thể T-90M: 
Trọng lượng chiến đấu, tấn 46,5
Kíp xe, người 3
Kích thước, m:
-chiều dài (tính cả pháo) 6,86
- chiều rộng 3,78
- chiều cao 2,23
Tốc độ tối đa, km/h 60
Dự trữ hành trình, km 550
Vũ khí (cơ số đạn, viên):
- 1 pháo 2A46M-4 125 mm 43
- 1 súng máy đồng trục 7,62 mm PKT 1.250
- 1 súng máy phòng không 12,7 mm NSVT 300
- hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển 9K119 Refleks
Động cơ: V-92S2 công suất 1.000 mã lực
Một số hình ảnh T-90S
T-90S
T-90S
Ông Petukhov cũng cho biết việc thảo luận với Việt Nam vấn đề cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không và hiện đại hóa các hệ thống hiện có của Việt Nam. “Với phía Việt Nam đang tiến hành trao đổi về các vấn đề cung cấp, sửa chữa và hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không và các hệ thống khác”, ông Petukhov nói khi trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có muốn mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 hay không.
“Hiện nay, hai bên đang xác định danh mục vũ khí trang bị sẽ tiến hành hợp tác”, Phó Giám đốc FSVTS nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong những đối tác then chốt của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.
Tháng 7/2017, tại Triển lãm MAKS, Giám đốc Rosoboronoexport, ông Aleksandr Mikheyev thông báo, Nga sẽ cấp cho Việt Nam tín dụng mua vũ khí trang bị hải quân và xe tăng. Trước đó, ông Mikheyev nói rằng, Nga đang chuyển giao lượng hàng lớn trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Nhờ sự giúp đỡ của Nga mà hạm đội tàu ngầm cùng toàn bộ hạ tầng đã được thành lập.
Ngoài ra, ông Petukhov còn đề cập đến việc đàm phán mua bán tiêm kích Su-35 giữa Nga và Indonesia.
“Đàm phán đang diễn ra. Nói về thời hạn và giá trị (hợp đồng) hiện còn quá sớm”, ông Petukhov nói.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiako Lukita và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tiết lộ, Indonesia sẽ mua 11 tiêm kích Su-35 trị giá 1,14 tỷ USD, trong đó Indonesia sẽ thanh toán bằng hàng hóa trị giá 570 triệu USD). Việc chuyển giao máy bay sẽ thực hiện theo giai đoạn sau 2 năm.
Nga hiện đang rất kỳ vọng gia tăng bán vũ khí sang Đông Nam Á. Ông Viktor Brakunov, Trưởng Phòng Đối ngoại của Rosoboronoexport hôm 7/11/2017 đã cho hay Nga trông đợi gia tăng quy mô hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước Đông Nam Á.
“Xu hướng phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước Đông Nam Á là tốt đẹp. Dự kiến sẽ có sự gia tăng quy mô hợp tác”, ông Brakunov nói tại Triển lãm Thailand Defense&Security.
Theo ông Brakunov, Nga đang hợp tác tích cực nhất trong vấn đề cung cấp vũ khí trang bị với Việt Nam, Indonesia và Philippines, đồng thời cũng có những triển vọng nhất định cả với Thái Lan. Có sức hút mạnh nhất trên thị trường vũ khí Đông Nam Á là tiêm kích Su-35, máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, trực thăng Mi, cũng như xe tăng T-90S/SK. Hải quân khu vực cũng quan tâm đến frigate, xuồng tên lửa, hệ thống tên lửa bờ biển cơ động và xe chiến đấu bộ binh hải quân BMP-3F.

Nguồn: Interfax, Vz, rueconomics, VND