Sức mạnh 3 tàu vừa gia nhập hạm đội Nam Hải của Trung Quốc

Tàu trinh sát điện tử 852 Hải Vương Tinh được trang bị 3 mái vòm radar lớn có khả năng ghi nhận bức xạ từ xa là tàu nổi bật nhất trong 3 chiếc mới của hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.
Tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh. Ảnh: Chinamil
Tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh. Ảnh: Chinamil

Buổi lễ tiếp nhận tàu tiếp tế Type 904B số hiệu 962 Lô Cô Hồ, tàu trinh sát điện tử 852 Hải Vương Tinh và tàu khảo sát đại dương 873 Tiền Học Sâm được tổ chức tại một quân cảng không xác định ở Trung Quốc. TheoChinamil, 3 tàu mới được đóng theo công nghệ và thiết bị do Trung Quốc chế tạo.

Đáng chú ý nhất là tàu trinh sát điện tử 852 Hải Vương Tinh Theo Global Security, tàu 852 thuộc Type-815G, lớp Dong-Diao. Tàu được thiết kế cho nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, giám sát các hoạt động trên biển.

852 Hải Vương Tinh nổi bật với 3 mái vòm radar đảm nhận chức năng thu thập và phân tích thông tin về hoạt động của các loại radar lắp trên tàu chiến nước ngoài. Mái vòm có kích thước khá lớn, nhiều khả năng sẽ có độ nhạy cao trong khi ghi lại bức xạ radar từ khoảng cách khá xa.

Tạp chí Popsci củaMỹ, từng nhận định, Type-815G có thể được sử dụng để nghiên cứu radar của hệ thống chiến đấu Aegis, tiêm kích tàng hình F-22 và các đơn vị phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngoài ra, tàu còn được giao nhiệm vụ theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo trong và ngoài Trung Quốc.

Tàu có chiều dài 130 m, rộng 16,4 m, mớn nước 6,5 m, lượng giãn nước toàn tải 6.000 tấn, thủy thủ đoàn 250 người. Hải Vương Tinh được vũ trang một pháo 37 mm và 2 pháo 25 mm.

Tàu khảo sát đại dương Type-636 đang hoạt động trên biển. Ảnh:Chinamil
Tàu khảo sát đại dương Type-636 đang hoạt động trên biển. Ảnh:Chinamil

Trong khi đó, tàu khảo sát đại dương 873 Tiền Học Sâm thuộc Type-636A do Viện 708 thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc thiết kế và đóng mới.

Theo phía Trung Quốc, nhiệm vụ của tàu là tiến hành các hoạt động nghiên cứu rạn san hô, quan sát khí tượng biển, bố trí phao khí tượng thủy văn nhằm đảm bảo an toàn hàng hải hoặc nghiên cứu khoa học biển.

Người ta trang bị cho tàu một hệ thống sonar đơn xung để đo sâu và phân loại đáy biển, sonar đa xung để lập bản đồ đáy biển và các thiết bị phục vụ cho quá trình nghiên cứu đại dương. Theo Chinamil, hệ thống sonar lắp trên tàu hoạt động êm hơn cả tàu ngầm lớp Kilo vốn được Hải quân Mỹ đặt cho biệt danh “Hố đen đại dương”.

Tiền Học Sâm có chiều dài 130 m, rộng 17 m, mớn nước 8,1 m, lượng giãn nước 5.800 tấn, thời gian hoạt động liên tục 60 ngày trên biển.

Tàu hậu cần 962 neo tại cảng. Ảnh:Chinamil
Tàu hậu cần 962 neo tại cảng. Ảnh:Chinamil

Còn tàu hậu cần Type-904B, số hiệu 962 Lô Cô Hồ, là chiếc thứ 2 thuộc phiên bản nâng cấp từ Type-904. Tàu được thiết kế cho nhiệm vụ tiếp tế nhu yếu phẩm, đạn dược và trang thiết bị cho binh lính đồn trú ở các đảo trên biển. Nó cũng có khả năng hoạt động như tàu hỗ trợ y tế hàng hải.

Điểm mới trên tàu là bổ sung thêm nhà chứa trực thăng trong khi phiên bản cũ chỉ có sàn đáp, thay thế pháo nòng kép 37 mm bằng pháo 30 mm và radar hiện đại hơn.

Hai bên mạn tàu được lắp 4 cần cẩu để bốc dỡ hàng hóa. Lô Cô Hồ có 2 thuyền nhỏ làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa vào bờ trong điều kiện không có cầu cảng.

Tàu có chiều dài 171 m, rộng 24,8 m, mớn nước 9 m, lượng giãn nước toàn tải 15.000 tấn. Thủy thủ đoàn 240 người, phạm vi hoạt động 10.000 hải lý. Theo trang mạng Sina, Hải quân Trung Quốc đang có 5 tàu hậu cần Type-904 và đều biên chế cho hạm đội Nam Hải.

Theo Zing