“Sửa” tên tác giả Đoàn Văn Cừ, nhầm lẫn trong sách giáo khoa là “lỗi hệ thống”

VietTimes – Nói về vụ việc sách Ngữ văn lớp 8 nhầm thơ Đoàn Văn Cừ thành thơ Anh Thơ, nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh cho rằng đây là “lỗi hệ thống”, một sự cẩu thả không thể chấp nhận được.
Sách giáo khoa ngữ văn 8 tập 1 (NXB Giáo dục) đã "sửa" tên tác giả bài thơ Đoàn Văn Cừ thành Anh Thơ (Ảnh: Hòa Bình)

“Sửa” tên tác giả bài thơ của Đoàn Văn Cừ

Nguyên văn đoạn thơ được trích dẫn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, tập 1 (NXB Giáo dục) như sau:

“Bà tôi ở một túp lều tre,

Có một hàng cau chạy trước hè.

Một mảnh vườn bên rào giậu nữa,

Xuân về hoa cải nở vàng hoe”

Ấn bản sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, tập 1 (NXB Giáo dục) cho rằng đây là trích đoạn trong bài thơ “Tết quê bà” của nhà thơ Anh Thơ. Trích đoạn thơ được minh họa ở bài “Hoạt động Ngữ văn: Làm thơ bảy chữ” (từ trang 164 đến trang 167), hướng dẫn tham khảo thể thơ 7 chữ 8 câu (trang 165).

SGK Ngữ văn 8 tập 1 (NXB Giáo dục) trang có sai sót (Ảnh: Hòa Bình)


Sách Ngữ văn lớp 8 tập 1 do giáo sư Nguyễn Khắc Phi làm Tổng chủ biên, ngoài ra hội đồng còn có các thành viên: Nguyễn Hoành Khung chủ biên phần Văn, Trần Đình Sử chủ biên Tập làm văn và 10 thành viên khác chịu trách nhiệm biên tập các phần của cuốn sách.

Trao đổi với VietTimes, nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh cho biết đây là trích đoạn trong bài thơ “Tết quê bà” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ.

Được biết, ấn bản sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 tập 1 của NXB Giáo dục đã ấn hành từ năm 2004, đến nay tái bản lần thứ 16 (năm 2019) và đang được đưa vào giảng dạy cho năm học hiện tại trong nhà trường.  

Bài thơ “Tết quê bà” được nhà thơ Đoàn Văn Cừ sáng tác vào khoảng năm 1941, được đưa vào tuyển tập “Thôn ca xuất bản lần đầu tiên vào năm 1944. Các nhà nghiên cứu cho biết “Thôn ca cũng là tập thơ tiêu biểu của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Tuyển tập này sau đó cũng được NXB Hội Nhà văn Việt Nam in lại và phát hành vào năm 2013, gồm có 52 bài thơ được chia làm 4 phần gồm Sau lũy tre, Mùa xuân, Chuyện làng. Bài Tết quê bà của Đoàn Văn Cừ nằm trong phần Mùa xuân gồm10 bài thơ chủ đề xuân và ngày tết ở thôn quê.

NPB Văn học Trần Hoài Anh cho rằng sách giáo khoa không được phép sai (Ảnh: Hòa Bình)

Quá ngây ngô, cẩu thả

Nói về sự nhầm lẫn này, nhà phê bình Trần Hoài Anh cho rằng: “Thực sự đau lòng, ban biên soạn quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm, dẫn đến sách giáo khoa quá ngây ngô. Không những thế, tôi cho rằng sai sót này mang tính hệ thống, vì sau khi ban biên soạn trình lên, còn phải có hội đồng xét duyệt nữa chứ?”

Có ý kiến cho rằng có lẽ do bài thơ này của nhà thơ Đoàn Văn Cừ không quá nổi tiếng như các bài khác dẫn đến ban biên soạn nhầm lẫn? Nhưng nhà phê bình Trần Hoài Anh bức xúc nhấn mạnh:

“Đã gọi là sách giáo khoa thì kiến thức trong đó chắc chắn không được phép sai sót, nhầm lẫn. Không thể đổ lỗi cho bất cứ lý do nào. Chính vì bài thơ chưa được nhiều người biết tới thì ban biên soạn càng phải cẩn trọng hơn. sách giáo khoa buộc phải chuẩn mực, trở thành quy phạm, điển phạm vì thầy cô mang lên bục giảng, truyền tải kiến thức cho hàng triệu học sinh” – Ông Trần Hoài Anh cảnh báo.  

Sách giáo khoa vốn dĩ là “mặt hàng” đặc biệt, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho đơn vị sản xuất sách, bán cho hàng triệu học sinh mỗi năm. Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh đánh giá: “Chắc chắn không thể nào cẩu thả trong khâu nghiên cứu, biên soạn cho một “mặt hàng” đặc biệt như sách giáo khoa”.

Chia sẻ về cách duyệt sách giáo khoa ngày xưa, nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh cho biết: "Trước kia, sau khi Ban biên soạn đã soạn xong phần nội dung thì Ban Tu thư của Bộ Giáo dục (cũ) sẽ kiểm duyệt lại toàn bộ nội dung đó, và ấn bản có in trên bìa: “Sách này đã được Ban Tu thư kiểm duyệt”, cho nên sách giáo khoa đã ấn bản là không để lại những lỗi ngớ ngẩn về kiến thức xã hội hay khoa học nữa”.

“Khi xảy ra những sai sót như thế này, không chỉ là lỗi của NXB hay ban biên soạn cuốn sách mà còn là lỗi của nhà quản lý” – Nhà phê bình Trần Hoài Anh nhắc nhở.