Sự “ngưỡng mộ” đáng ngại

Xét về khả năng huy động vốn qua thị trường chứng khoán từ năm ngoái đến năm nay, khó có doanh nghiệp nào qua mặt được bộ ba FLC (Cty CP tập đoàn FLC) - KLF (Cty CP liên doanh Đầu tư quốc tế KLF) - FIT (Cty CP Đầu tư F.I.T).
Sự “ngưỡng mộ” đáng ngại

Lên sàn trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9-2013, chưa đầy 18 tháng sauFLC đã phát hành cổ phiếu ba đợt, nâng vốn điều lệ từ 772 tỉ đồng lên 3.749 tỉ đồng; KLF từ 260 tỉ lên 1.517 tỉ đồng; FIT từ 150 tỉ lên 982 tỉ đồng. Chưa hết, trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, KLF đã thông qua nghị quyết tăng vốn lên 3.685 tỉ đồng. Còn FLC chuẩn bị tăng vốn lên 8.398 tỉ đồng.

Phát hành chóng mặt

Tốc độ tăng vốn của những doanh nghiệp này khiến cả thị trường “chóng mặt” trong bối cảnh những công ty niêm yết khác dè dặt lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thêm 10%, 20% hoặc ráng lắm 30% so với mức hiện tại. Tâm lý chung của những đơn vị phát hành là lo lắng liệu cổ đông có chịu đóng tiền. Đã có không ít trường hợp công ty vừa công bố chương trình phát hành xong, thị giá cổ phiếu đi xuống do nhà đầu tư ngại thời gian chờ đợi cổ phiếu mới về tài khoản, chưa nói đến chuyện đóng tiền.

 Không phải tất cả các cổ đông của FLC, KLF, FIT đều theo kịp với vòng quay phát hành của công ty. Khi không phát hành hết cho cổ đông hiện hữu, số cổ phiếu ế được hội đồng quản trị phân phối lại cho một số cá nhân. Những cá nhân này đều mua hàng triệu cổ phần với số tiền trị giá cả chục đến cả trăm tỉ đồng. Không biết đấy là tiền thật hay tiền vay mượn?

 Tiền huy động được FLC mang đầu tư vào các dự án bất động sản và mua cổ phần một số doanh nghiệp niêm yết. Theo báo cáo việc sử dụng vốn đã huy động gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, FLC đã giải ngân tổng cộng hàng ngàn tỉ đồng vào các dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, khách sạn ở Thanh Hóa, cộng với một số khu công nghiệp ở các tỉnh. FLC cũng bỏ tiền nắm giữ 15 triệu cổ phiếu phát hành thêm của Công ty cổ phần Nông dược (HAI-Hose). Cổ đông lớn nhất của HAI chính là KLF và bản thân FLC cũng là cổ đông của KLF.    

 Cùng khuôn mẫu, KLF đem tiền thu được từ phát hành bỏ vào bất động sản, nhưng đa dạng hơn, KLF còn đầu tư vào khám chữa bệnh, giáo dục, nông nghiệp, nhập khẩu phân phối máy móc, thiết bị y tế và... sữa. Trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc KLF, trả lời cổ đông rằng việc kết hợp nhiều ngành nghề sẽ tạo ra chuỗi hoạt động mang lại hiệu quả!!!

 Minh chứng cho đầu tư đa ngành, KLF và FIT bắt đầu mua gom trên sàn và sau đó trở thành cổ đông có quyền chi phối ở Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL-Hose); Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Cần Thơ (TSC-Hose); HAI. Đến lượt mình, DCL, HAI và TSC rần rần phình to về vốn bằng các đợt phát hành. DCL sẽ trình đại hội đồng cổ đông sắp tới chấp thuận cho FIT sở hữu 65% cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết kể cả phát hành mới và chào mua của cổ đông. TSC sẽ tăng vốn từ 158 tỉ đồng lên 588 tỉ đồng. HAI sau hai đợt tăng vốn gấp gáp trong tháng 11-2014 và tháng 1-2015, vốn điều lệ đã nhảy lên 870 tỉ từ mức 145 tỉ đồng.

 Doanh nghiệp nào phàn nàn thời nay khó phát hành cổ phiếu, có lẽ phải cắp cặp tới học tập những công ty trên! Bài học đầu tiên có tên sở hữu chéo. Chính vì các công ty sở hữu một tỷ lệ nhất định cổ phần của nhau, rồi lại cùng tham gia sở hữu những công ty khác, mà có thể gọi chính xác là “thâu tóm” hợp pháp qua con đường mua bán cổ phiếu công khai, nên việc phát hành cứ như ma trận. Vốn càng to, ma trận càng phức tạp.

 Sự “ngưỡng mộ”!

Tăng vốn nhanh và nhiều không phải sự “ngưỡng mộ” duy nhất của giới đầu tư mỗi khi đề cập đến bộ ba FLC - KLF - FIT. “Ngưỡng mộ” thứ hai là khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày của các cổ phiếu này, hàng triệu đơn vị, thậm chí hàng chục triệu đơn vị/phiên. “Ngưỡng mộ” thứ ba là năng lực quản trị, điều hành của ban lãnh đạo thật “siêu việt”! Đâu phải tập đoàn nhà nước hay tư nhân nào cũng kinh doanh đa ngành được như vậy. Masan, Vinamilk, FPT, Kinh Đô, Hòa Phát... cũng không đặt chân vào các lĩnh vực mới “thần tốc” như họ. Nếu đợt phát hành sắp tới suôn sẻ, FLC sẽ đẩy Masan ra phía sau về quy mô vốn điều lệ.

Tuy nhiên, sự “ngưỡng mộ” của thị trường đã làm cơ quan quản lý băn khoăn. Trước khi tổ chức hội thảo về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán tại TPHCM ngày 20-3-2015 tới, trong đó có phần quy định liên quan đến phát hành cổ phiếu, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói thẳng ủy ban nghi ngờ khả năng quản trị của một số doanh nghiệp khi vốn tăng nhanh và to. Các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ, giám sát việc sử dụng vốn huy động thế nào? Chưa kể khối lượng phát hành lớn làm thay đổi cơ cấu cổ đông có quyền kiểm soát công ty.

Trên hết, việc tăng vốn nhanh có đi kèm với hiệu quả kinh doanh thật sự. Khi công ty có vốn 1 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 100 triệu đồng được xem là tốt. Nhưng khi vốn lên tới 10-15 tỉ đồng, lợi nhuận có tăng gấp 10-15 lần? Còn không, thiệt hại trước mắt là cổ đông.

 Giám đốc một tổ chức tài chính nhận xét mô hình của những công ty trên chẳng khác nào quỹ đầu tư, song họ lại không bị ràng buộc bởi những quy định về quỹ đầu tư. Thật là một sự lách luật hợp pháp! Lãnh đạo một công ty chứng khoán có chức năng tự doanh nói công ty chứng khoán phải tuân thủ đủ mọi quy định, kể cả đầu tư không quá 10-20% vào một doanh nghiệp, còn mấy đơn vị trên đầu tư thoải mái, mua cả một công ty niêm yết cũng được luôn. Đại diện một quỹ nước ngoài trầm ngâm, tính việc có nên trở thành cổ đông lớn của một công ty niêm yết, rồi dùng công ty ấy đi mua lại một doanh nghiệp trên sàn khác, thế sẽ không còn bị “khóa tay” bởi quy định room 49% nữa.           

 Đằng sau sự “ngưỡng mộ” dường như lẩn quất sự trăn trở khôn nguôi của thị trường về một mẫu hình doanh nghiệp như bộ ba kể trên!

Theo TBKTSG